Trong các dịp lễ hội của người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đi cà kheo là một môn thể thao truyền thống được rất nhiều người yêu thích. Môn thể thao này gắn với tập quán và lối sống của người đồng bào DTTS từ xa xưa.
Hờ Lan ở thôn Hoàn Thành, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa tập đi cà kheo từ rất sớm. Nhờ vậy, mới chỉ 9 tuổi, cô bé đã tự tin khi đi trên đôi cà kheo cao gần gấp đôi chiều cao của mình. Đây là một môn thể thao khá phổ biến, xuất hiện trong nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, thể dục thể thao của người đồng bào DTTS các huyện miền núi.
Ma Hoan, người uy tín ở xã Suối Trai, cho biết: Ngày xưa, người đồng bào DTTS thường sống trong rừng sâu, núi cao, hoặc ven các con sông, con suối. Ban đêm, người dân phải sử dụng cây cà kheo đi lại để tránh các loại đỉa, vắt hay rắn, rết nguy hiểm. Ban ngày, cây cà kheo là công cụ để di chuyển qua sông, suối hay các con đường đất lầy lội bùn đất, nhất là vào mùa mưa lũ. Lâu dần, cà kheo trở thành một vật dụng quen thuộc của mỗi gia đình người đồng bào DTTS.
Cà kheo thường được làm bằng cây tre hoặc gỗ. Đầu tiên, người ta chọn cây tre già, chắc, thẳng; gióng cao từ 1,5-1,8m, bề mặt bào nhẵn. Kế đến, người ta dựng đứng một đầu cây lên, đo từ gốc lên khoảng 40cm thì đánh dấu làm bàn đạp để cắt cho vừa tay, chân. Sau đó, người ta sử dụng một tấm gỗ hoặc thanh tre dài khoảng 25cm đặt vuông góc với thân chính làm nơi để chân, bàn đạp; hai thanh tre có độ dài tương tự đặt chéo góc để tạo thành hình tam giác cân cố định bàn đạp. Công đoạn này rất quan trọng, giúp người đi giữ thăng bằng trên chiếc cà kheo.
Để tập đi cà kheo, người đi phải lấy được thế cân bằng đứng trên cây cà kheo; khi đi cần hướng trọng tâm về phía trước, khéo léo kết hợp nhịp nhàng cả chân lẫn tay để tiến về phía trước. Theo chị Hờ Ping ở xã Suối Trai, trước đây, bất cứ đứa trẻ nào ở vùng núi này cũng đều biết đi cà kheo cũng giống như trẻ ở vùng đồng bằng tập đi xe đạp. Bản thân tôi cũng tập đi cà kheo từ rất nhỏ, nên bây giờ gần như cuộc thi đi cà kheo nào ở xã, huyện tôi cũng tham gia.
Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sơn Hòa, cho biết: Ngày nay, cơ sở hạ tầng ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa đã được đầu tư, người dân không còn sử dụng cà kheo thường xuyên nữa. Thế nhưng, vật dụng này vẫn được nhiều gia đình gìn giữ, như một nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đi cà kheo trở thành một môn thể thao truyền thống, một hình thức sinh hoạt thú vị trong cộng đồng người đồng bào DTTS trong những dịp lễ tết, ngày hội truyền thống của các dân tộc.
NAM KHÁNH