Tính đến ngày 15/3/2020, các cơ quan chức năng tại Việt Nam đã xử lý 800 trường hợp tung tin giả liên quan đến dịch bệnh COVID-19, trong đó Phú Yên có 5 trường hợp. Cảnh giác với dịch bệnh là điều nên làm lúc này, nhưng cảnh giác không có nghĩa là gây hoang mang, khiến người dân lo lắng thông qua những thông tin không chính xác về COVID-19. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như hiện nay, việc nhận diện, phát hiện tin giả nói chung, tin giả liên quan đến COVID-19 nói riêng, sẽ góp phần cho công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả hơn.
Những hình thức tin giả
Bản chất của việc tin giả lây lan trên mạng xã hội cũng như sự lây lan của virus máy tính, đó là cuộc tấn công vào “sức đề kháng” của người dùng mạng xã hội. Mọi người cần xây dựng cho mình khả năng đề kháng tốt trước tin giả, bằng cách luôn đặt ra nghi vấn đối với mọi thông tin khi tiếp cận. |
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 60 triệu tài khoản facebook. Đây là mạng xã hội được nhiều người Việt tham gia và cũng là nơi xuất hiện nhiều tin giả nhất.
Tin giả (fake news) là thông tin không dựa trên sự thật, thông tin giả mạo, do người đăng tin cố tình ngụy tạo, thể hiện dưới hình thức tin thật. Muốn nhận diện được tin giả, cần hiểu rõ bản chất của nó, nhất là mối quan hệ của nó với thông tin sai lệch, thông tin xuyên tạc và thông tin ngụy tạo. Tác phẩm “Báo chí, tin giả và tin xuyên tạc - Sổ tay Giáo dục và Đào tạo” (UNESCO xuất bản năm 2019) cho rằng tin giả là thông tin sai lệch, xuyên tạc ở mức độ cao. Trong 4 cấp độ của thông tin sai lệch, xuyên tạc, thì tin giả được xác định ở 2 cấp độ: cấp độ 3 (thông tin có thêm thắt, thổi phồng, bóp méo sự thật) và cấp độ 4 (thông tin bịa đặt, chưa hề hoặc không hề tồn tại trong cuộc sống).
Trong thực tế, khi có vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm, thì tin giả xuất hiện dưới 3 hình thức: phổ biến nhất là các bài viết trên trang tin không chính thống, các dòng trạng thái trên mạng xã hội, thường để được nhiều người thích, thu hút người xem; hai là đối tượng xấu mạo danh cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp uy tín tạo ra các sự kiện giả, với giải thưởng lớn để lừa người tiêu dùng tham gia; ba là hình ảnh, video giả mạo, nổi bật nhất là deepfake (video giả mạo ghép mặt thật), công nghệ chỉnh sửa ảnh hoặc video dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI).
Đầu tiên, kẻ xấu tung tin giả để dụ người xem bấm vào xem và thích, phục vụ việc quảng cáo, bán hàng tốt hơn nếu người tung tin giả có động cơ kinh doanh. Thứ hai, thông tin cá nhân, nhất là thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng, là món lợi nhuận khổng lồ kẻ xấu luôn muốn chiếm đoạt. Đối với dân công nghệ, tin giả được hacker tạo ra nhằm phát tán mã độc để kiểm soát thiết bị của nạn nhân, phục vụ các mục đích bất chính khác.
Người đăng tin giả có thể do cố tình với nhiều động cơ khác nhau nhưng cũng có thể do vô tình theo trào lưu muốn thể hiện mình là người thạo tin, muốn được nhiều thích và chia sẻ… 5 chủ tài khoản facebook vừa bị Công an Phú Yên xử phạt 45 triệu đồng là một ví dụ. Các trường hợp này đều khai báo là lần đầu đăng tin giả, do chủ quan, vô tình, không lường hết hậu quả. Trong khi đó, với mạng xã hội và công nghệ internet hiện nay, thông tin lan truyền gần như ngay lập tức, nhiều người không có thói quen thẩm định nguồn tin, nên tốc độ chia sẻ càng chóng mặt.
Kiểm soát còn lúng túng
Để nhận diện tin giả, cần truy ra động cơ của người đưa tin hoặc nguồn phát thông tin. Người đưa tin giả bao giờ cũng cố ý và có chủ ý khi đưa thông tin sai lệch. Đối tượng đưa tin giả thường rơi vào các nhóm sau: Người không có việc làm, chưa có việc làm hoặc thất nghiệp. Người ít tiếp cận với thông tin chính thống, hầu hết thời gian dành cho mạng xã hội để giao lưu, giải trí.
Một số phần tử bất mãn trong cuộc sống. Nhóm đối tượng tôn thờ “tự do ngôn luận”, ít cảnh giác và thiếu kỹ năng tự bảo vệ trên môi trường mạng xã hội. Nhóm người có ảnh hưởng (KOL: Key Opinion Leader, những người có tầm ảnh hưởng trong một lĩnh vực nào đó, được đông đảo mọi người biết đến và mọi người chịu sự tác động của họ). Nhóm học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên chưa ý thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Công nghệ số và nền tảng công nghệ cho truyền thông xã hội phát triển sẽ tạo điều kiện cho tin giả nói riêng, thông tin sai lệch, xuyên tạc, nguy hại nói chung… xuất hiện ngày càng nhiều. Trong khi đó, Việt Nam đang thiếu hụt về số lượng và năng lực các đơn vị quản lý thông tin trên môi trường mạng, dẫn đến việc nhận diện, kiểm soát còn lúng túng. Công tác xử lý tin giả còn chậm, còn nhẹ chưa đủ sức răn đe. Việc xác định chủ thể, nội dung tin giả, quy trình xử lý tin giả chưa rõ ràng. Các cơ quan, tổ chức đều quan tâm đến đấu tranh với tin giả trên môi trường mạng nhưng lúng túng trong nhận diện và xử lý.
Phải có giải pháp mạnh
Trước hết là cần nâng cao năng lực quản lý báo chí, truyền thông, nhất là báo điện tử nhằm rút ngắn thời gian kiểm định tin tức trước khi xuất bản, tránh tình trạng tin thật thường chậm hơn tin giả trên mạng xã hội. Điều này sẽ làm giảm vai trò định hướng dư luận của báo chí, để xảy ra “khoảng trống thông tin” cho tin giả xuất hiện, tiếp cận công chúng.
Những vấn đề dư luận quan tâm cần thông tin minh bạch, kịp thời; cổng, trang thông tin điện tử làm tốt hơn nữa chức năng cung cấp thông tin chuyên ngành cho công chúng. Đồng thời, xử phạt nghiêm minh những cá nhân, tổ chức đưa tin giả. Nhiều người cho rằng, mức xử phạt 10-15 triệu đồng/cá nhân, 20-30 triệu đồng/tổ chức đưa tin giả hiện nay là còn nhẹ, không đủ mức răn đe. Các cơ quan chức năng đang nghiên cứu tăng mức xử phạt lên trong thời gian tới như: tạm giữ hình sự, thậm chí xử lý hình sự.
Mọi người không nên tò mò bấm xem tin bài có tít giật gân, tập thói quen kiểm chứng thông tin, không chia sẻ khi chưa kiểm chứng rõ ràng. Cân nhắc trước khi bấm thích, kiểm định thông tin trước khi chia sẻ, cẩn trọng, có trách nhiệm trước khi đăng bình luận.
Cần có đội ngũ chuyên trách, có quy trình xử lý tin giả chuyên nghiệp để nhận diện, xử lý kịp thời. Hoàn thiện văn bản pháp lý nhằm quản lý thông tin, truyền thông trên môi trường mạng ngày càng chặt chẽ hơn. Có quy định chặt chẽ hơn đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh lĩnh vực internet, viễn thông, mạng xã hội tại Việt Nam…
Trong thời đại công nghệ số, tin giả ngày càng có xu hướng phát triển và tinh vi hơn. Vì vậy, cần sớm xây dựng, ban hành một quy định, hoặc luật riêng biệt để xử lý tin giả, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển trên không gian mạng như cách làm của nhiều nước hiện nay.
Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Chính phủ yêu cầu mọi người không có nhu cầu thì hãy ngồi yên tại nhà, không tung tin giả trên mạng xã hội, không chia sẻ thông tin khi chưa kiểm chứng rõ ràng, cùng chung tay để không xuất hiện “ổ dịch” thứ hai về thông tin trên môi trường mạng.
Đức là quốc gia sớm kiên quyết trong xử lý tin giả. Tháng 6/2017, Nghị viện Đức thông qua dự luật xử lý các phát ngôn gây thù hận, những tài liệu phạm tội và tin giả trên mạng xã hội. Dự luật yêu cầu mạng xã hội phải xóa bỏ các nội dung trên trong vòng 24 giờ sau khi cơ quan chức năng cảnh báo, nếu không sẽ phải nộp phạt lên tới 50 triệu euro.
Liên minh châu Âu (EU) tháng 12/2018 cũng đã công bố Hệ thống Kế hoạch hành động chống tin giả (APAD) nhằm giúp các nước thành viên cảnh báo lẫn nhau tình trạng tin giả trên mạng xã hội với mục tiêu chia rẽ chính trị, cổ súy chủ nghĩa cực đoan.
Tháng 5/2019, Quốc hội Singapore cũng đã thông qua luật chống “tin tức giả mạo”. Chính phủ Singapore yêu cầu các mạng xã hội phải gắn cảnh báo bên cạnh những nội dung đăng tải mà cơ quan chức năng xác nhận là tin giả. Mức độ nghiêm trọng hơn thì buộc các mạng xã hội phải gỡ bỏ. Nếu ai phát tán tin giả đã được cơ quan chức năng cảnh báo là độc hại, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc Singapore, thì mức xử phạt có thể lên tới 735.000 USD. Người chia sẻ tin giả với ý đồ xấu, có thể chịu mức án 10 năm tù. |
TRẦN THANH HƯNG
Giám đốc Sở TT-TT