KỲ CUỐI: Cần quyết liệt để “về đích” đúng hẹn

KỲ CUỐI: Cần quyết liệt để “về đích” đúng hẹn

Mặc dù mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (buôn) bước đầu khẳng định tính ưu việt, hiệu quả, nhưng hiện chưa thể nhân rộng trên toàn tỉnh do vướng một số “điểm nghẽn”.

Mặc dù mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (buôn) bước đầu khẳng định tính ưu việt, hiệu quả, nhưng hiện chưa thể nhân rộng trên toàn tỉnh do vướng một số “điểm nghẽn”.

Theo lộ trình mà tỉnh đặt ra cho các địa phương, đến cuối năm 2019, 100% thôn, buôn, khu phố phải hoàn thành việc nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (buôn).

Khó chọn người “gánh hai vai”

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đến nay, toàn tỉnh có 260/605 thôn, buôn, khu phố bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, buôn, khu phố, đạt gần 43%. Trong khi huyện Phú Hòa có 39/39 thôn (đạt 100%), huyện Sông Hinh có 64/75 thôn (đạt 85,3%), huyện Sơn Hòa 41/73 thôn (đạt 56,1%) bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, buôn, khu phố, thì một số huyện như: Đông Hòa, Đồng Xuân, Tây Hòa, Tuy An, TP Tuy Hòa đạt tỉ lệ rất thấp, chỉ từ 19,2-35%.

Tính đến cuối tháng 8/2019, cùng với huyện Tây Hòa, huyện Đồng Xuân là địa phương có tỉ lệ thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư, kiêm trưởng thôn (buôn) thấp nhất tỉnh, chỉ 10/52 thôn, đạt 19,2%. Theo ông Đặng Ngọc Anh, Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân, nguyên nhân chủ yếu do chưa thể chọn người đảm nhận phù hợp. Một số thôn có ít đảng viên, số đảng viên chủ yếu cao tuổi nên khó đủ chuẩn theo quy định, khó cáng đáng được nhiệm vụ. Nhiều chi bộ có đảng viên trẻ nhưng chưa đủ năng lực để đảm nhiệm tốt “hai vai” khi thực hiện kiêm nhiệm các chức danh. Bên cạnh đó, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, nếu kiêm nhiệm cả hai chức danh sẽ gặp khó khăn trong lãnh đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Thực tế, có những trường hợp, cấp ủy đã chọn nhân sự bí thư thôn (buôn) để bầu chức danh trưởng thôn (buôn), nhưng không được nhân dân tín nhiệm, lựa chọn. Độc Lập A là buôn duy nhất trong 5 thôn, buôn tại xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa chưa thực hiện được mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (buôn). Lý do là chưa tìm được người vừa đảm được công tác lãnh đạo chi bộ, vừa được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng buôn. Ông Lê Y Hin làm Bí thư Chi bộ buôn Độc Lập A đã một nhiệm kỳ, vừa qua, ông được Đảng ủy xã giới thiệu nhân sự làm trưởng buôn. Các quy trình, thủ tục đã hoàn thành theo đúng quy định, thế nhưng khi đưa ra để người dân trong buôn bầu chức danh trưởng thôn, thì ông Lê Y Hin chưa được 50% người dân tín nhiệm. Vì vậy, buôn buộc phải chọn nhân sự khác để thay thế.

Mặt khác, theo phản ánh của một số bí thư chi bộ thôn, khi một người đảm nhận cả hai chức danh thì khối lượng công việc rất nhiều, nhưng chính sách đãi ngộ chưa phù hợp với công sức. Những điều trên đã phần nào lý giải tại sao lộ trình đặt ra đến hết năm 2019 phải hoàn thành việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (buôn) trên toàn tỉnh, nhưng hiện tỉ lệ này vẫn còn thấp.

Cần vào cuộc quyết liệt hơn

Trong bối cảnh chung, một số địa phương đã triển khai hiệu quả mô hình nhất thể hóa nói trên với các giải pháp sáng tạo, đồng bộ. Tiêu biểu là huyện Phú Hòa với tỉ lệ 100%. Bí thư Huyện ủy Phú Hòa Đinh Thị Thu Thanh cho biết: “Nhận thấy đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn nên Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, đưa ra các giải pháp cụ thể, lộ trình hợp lý. Trong tất cả cuộc họp, cuộc làm việc tại cơ sở, lãnh đạo huyện đều dành thời gian để kiểm tra, chỉ đạo những khúc mắc của các thôn, xã trong quá trình thực hiện. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị về nhân sự, quy trình hợp lý gắn với tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nên tháng 7/2019, huyện đã hoàn thành việc nhất thể hóa chức danh 39 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn”.

Kinh nghiệm từ quá trình triển khai, nhân rộng mô hình tại các địa phương cũng cho thấy cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự dự kiến; có quy trình chặt chẽ, phù hợp bảo đảm sự đồng thuận cả trong quần chúng và tổ chức đảng. Khi đã hoàn thiện mô hình cán bộ “hai vai”, cần sớm xây dựng quy chế làm việc của chi bộ thôn, buôn; quy định rõ chức trách, nhiệm vụ của bí thư chi bộ, trưởng thôn; coi trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực toàn diện. Gắn liền với đó, cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ “hai vai”, tránh lạm quyền, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ khi được “dân tin, Đảng cử”. Có như thế, mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (buôn) mới phát huy được hiệu quả toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. 

Chỉ tiêu toàn tỉnh phải hoàn thành nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (buôn) trong năm 2019 không chỉ thể hiện sự mạnh dạn đổi mới của Phú Yên trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy mà còn phù hợp với chủ trương chung của Trung ương. Cho nên, các địa phương cần phải vào cuộc rốt ráo và mạnh mẽ hơn để sớm đưa mô hình này về đích đúng lộ trình.

Đồng chí Huỳnh Tấn Việt,

Ủy viên Trung ương Đảng,

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

ÔNG TRƯƠNG NGỌC TUẤN, PHÓ TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC TỈNH ỦY: Lựa chọn người có năng lực theo phương châm “Dân bầu, Đảng cử”

Để có đội ngũ cán bộ “2 trong 1”, bên cạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, cấp ủy các cấp cần chủ động tìm hiểu kết nạp những quần chúng có năng lực, uy tín trong dân và có khả năng làm trưởng thôn để tiến hành nhất thể hóa. Đồng thời chủ động rà soát, đánh giá thực trạng trình độ, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ đang đảm nhiệm các chức danh ở thôn và đội ngũ đảng viên trong chi bộ để lựa chọn nhân sự. Việc nhất thể hóa thực hiện theo quy trình, đó là giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn, bầu chức danh trưởng thôn (buôn). Sau đó, cấp ủy mới giới thiệu để bầu các chức danh trong chi bộ theo phương châm “Dân bầu, Đảng cử”. Các bước giới thiệu nhân sự đều được thực hiện công khai, minh bạch, thông qua Ban công tác Mặt trận để lấy ý kiến trong nhân dân và đảng viên.

Cùng với đó, các địa phương cần chủ động mở các lớp bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở kiêm nhiệm nhằm giúp họ triển khai nhiệm vụ thuận lợi và hiệu quả hơn.

BÀ NGUYỄN THỊ HỒNG HẢI, BÍ THƯ CHI BỘ THÔN THẠNH ĐỨC, XÃ XUÂN QUANG 3, HUYỆN ĐỒNG XUÂN: Cần nâng mức phụ cấp kiêm nhiệm phù hợp hơn

Để giảm số lượng cán bộ không chuyên trách, tiến đến nâng mức phụ cấp cho mỗi chức danh mà nhiệm vụ chính trị vẫn phải hoàn thành thì việc tăng cường thực hiện nhất thể hóa và bố trí kiêm nhiệm là giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, ngoài chủ trương đúng, thì việc triển khai cần phải phù hợp với tình hình thực tiễn để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Mặt khác, để thực hiện tốt đồng thời các nhiệm vụ, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn phải dành phần lớn thời gian cho vai trò và trách nhiệm của mình đối với công việc được giao. Do vậy, cần nâng mức phụ cấp kiêm nhiệm phù hợp để khuyến khích năng lực của cán bộ ở cấp cơ sở hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6.

  

HÀ KIỀU MY

Từ khóa:

Ý kiến của bạn