16 tuổi xuân phơi phới, cô gái ấy xung phong lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, làm y tá cứu thương trên chiến trường. Cô gái ấy không từ nan xông pha lửa đạn băng bó vết thương cho đồng đội, tham gia vận chuyển hàng cứu trợ, mở đường cho xe thông tuyến…
Bà Liễu báo cáo công việc hàng ngày cho cán bộ hội cấp trên. Ảnh: PHẠM THÙY |
Đường lên thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân hôm chúng tôi đến gặp bà Hồ Thị Tuyết Liễu nắng vàng trải lối. Hai bên đường, những cánh đồng xanh mướt xa hút tầm mắt. Trước cửa nhà bà Liễu có một gốc hồng già ngấp nghé mái hiên, sắc hoa đỏ rực trong nắng. Ông Long, người dẫn đường cho chúng tôi đến nhà bà Liễu rất nhiệt tình. Sợ chúng tôi không hiểu hết về bà Liễu, trên đường đi ông rành rọt giới thiệu sơ lược về tiểu sử của bà, bởi ngày trước bà và ông cùng đơn vị.
Nữ y tá không lùi bước
Bà Liễu tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp bốn hằn nếp thời gian theo kiến trúc cổ xưa; ngoài sân vườn cây trái sum sê, lộng gió. Bà Liễu bảo ngôi nhà này gắn liền với nhiều kỷ niệm của gia đình nên bà không nỡ phá bỏ. Trong mắt của người phụ nữ sinh năm 1954 ánh lên những kỷ niệm của một thời gắn bó tuổi thanh xuân với bom đạn chiến tranh. Câu chuyện của chúng tôi với bà Liễu bắt đầu bằng câu hỏi: “Kỷ niệm nào trong thời tham gia chiến trường làm bà nhớ nhất, xúc động nhất”. Bà Liễu cúi xuống, mắt chừng rướm lệ khi nhớ về những tháng ngày ở chiến trường Phú Yên - Gia Lai trên đường Trường Sơn năm xưa.
Bà Liễu kể: “Năm 1970, với suy nghĩ là một nữ y tá của ngành GT-VT, sẽ giúp ích rất nhiều cho những người lính xông pha mưa đạn trên chiến trường Trường Sơn nên tôi chẳng ngại đăng ký tham gia ngay”. Ở đơn vị, bà Liễu được tổ chức đặt tên lại là Hồ Thị Xuân Hường và vui vẻ nhận nhiệm vụ vừa cứu thương vừa tham gia mở đường, vận chuyển hàng tiếp tế. Kỷ niệm làm bà nhớ nhất, xúc động cho đến nay và mãi mãi không thể nào quên người chị đồng đội đã hy sinh ngày đó.
Bà Liễu nhớ như in: Năm 1974, trong lúc phục vụ cho chiến trường Hòn Dồn (Tuy An), tôi nhận được lệnh mang cơm lên cho chốt cứ với một chị tên Hương (quê Tuy An). Trên đường đi, hai chị em đều ngụy trang kỹ nhưng vẫn bị địch phát hiện và bắn đạn xối xả. Chị Hương trúng đạn bị thương. Lúc đó, tôi và các đồng đội trong đơn vị ra sức cứu chữa nhưng vết thương quá hiểm nên chị Hương hy sinh.
Sau khi chôn cất chị Hương, tôi tiếp tục vượt đường mang lương thực cho đồng đội và tiếp tục bị địch tấn công. Những tưởng sẽ mất mạng nhưng thật may mắn, nhờ sự bọc lót của đồng đội, tôi chỉ bị vài vết thương ở đầu, chân, mình, được đồng đội đưa về đơn vị chữa trị sau 3 tháng thì lành. Không chỉ chị Hương mà nhiều đồng đội khác cũng đã anh dũng hy sinh để có được hòa bình như hôm nay.
Cuộc trò chuyện như đưa tôi vào chiến trường ngày đó, tái hiện cảnh tượng ác liệt một cách sinh động. Tôi chăm chú lắng nghe, bởi giọng của bà Liễu mỗi lúc mỗi trầm xuống, yếu hẳn đi. Hình ảnh đồng đội, cuộc chiến sống còn như đang hiện hữu trước mắt bà. Chiến tranh đã qua đi, khói lửa bom đạn một thời đã lùi vào quá khứ nhưng trong bà, mỗi khi nhắc đến điều đó như chạm vào nỗi nhớ. Tất cả lại trở về như một thước phim quay chậm, gần, rất gần như vừa mới xảy ra hôm qua…
Một chủ tịch hội năng nổ
Sau Chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 thống nhất hai miền Nam - Bắc, bà Liễu trở về quê nhà trong niềm vui của gia đình, người thân. Bà lại tiếp tục làm y tá tại Hạt Duy tu bảo dưỡng cầu đường của Sở GT-VT. Với sự cần cù, chịu khó, từng thử thách qua chiến trường và luôn nỗ lực hết mình trong lao động, bà được cơ quan đánh giá cao.
Năm 1976, niềm vui hạnh phúc đến với nữ cựu thanh niên xung phong (TNXP) ở tuổi 22 khi bà gặp và xây dựng gia đình với ông Đỗ Tấn Thông, cũng là cựu TNXP cùng đơn vị ngày trước, hơn bà 4 tuổi. Những tưởng hạnh phúc đong đầy nhưng trớ trêu thay, sau 2 năm cưới nhau, do di chứng của chiến tranh, ông Thông phát bệnh tâm thần. Cùng với đó, bà Liễu phải hứng chịu nhiều đòn roi bất đắc dĩ từ ông.
Xã Xuân Quang 3 hiện có 53 hội viên cựu TNXP, trong đó có 18 người được nhận Kỷ niệm chương TNXP. Thời gian qua, Hội đã vận động xây dựng 8 nhà Tình nghĩa cho các đối tượng người có công khó khăn. Các chế độ cho cựu TNXP được giải quyết kịp thời; những hội viên qua đời được thăm hỏi, chia sẻ...
Bà Hồ Thị Xuân Hường (tức Hồ Thị Tuyết Liễu) |
Thấy hoàn cảnh gia đình bà quá bi thương, vất vả, đồng đội cũ đưa ông Thông ra Hà Nội chữa trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Cuối năm 1982, ông Thông qua đời, bỏ lại người vợ hiền mà chưa kịp có với nhau mặt con nào. Bà Liễu lại nén nỗi đau, tiếp tục phục vụ đồng đội, tham gia duy tu, bảo dưỡng những con đường cho xe thông suốt.
Bà Liễu tâm sự: “Năm 1990, vết thương cũ tái phát và ngày càng trở nặng, tôi đau đớn khắp người, đi không được. Tôi xin phép cơ quan đi chạy chữa. Đến năm 1993, tự thấy mình không thể phục vụ trong ngành Vận tải, tôi xin nghỉ hưu sớm”.
Về hưu với đồng lương ít ỏi; vốn tính hay lam hay làm, bà Liễu không chịu ở yên, bà muốn còn sức là còn cống hiến cho nước, cho dân. Năm 2009, huyện Đồng Xuân thành lập Hội Cựu TNXP huyện, bà Liễu được bầu tham gia vào ban chấp hành. Năm 2012, thành lập Hội Cựu TNXP xã Xuân Quang 3, bà Liễu được tín nhiệm làm chủ tịch. Đôi chân bị thương bước thấp, bước cao nhưng bà lặn lội khắp nơi tìm đồng đội, giúp họ hoàn thiện thủ tục để nhận những ưu đãi của Nhà nước.
Ông Nguyễn Tấn Phúc, hội viên Hội Cựu TNXP xã Xuân Quang 3, cho biết: “Khi Hội Cựu TNXP xã thành lập, anh chị em TNXP, người tham gia kháng chiến trên núi được bà Liễu quy tụ lại, được gặp nhau vui vẻ. Ai được hưởng chế độ, chính sách gì cũng được bà hướng dẫn, triển khai kịp thời. Chúng tôi cùng ôn lại những ngày cùng tham gia chiến trường và bây giờ tình đồng chí, đồng đội vẫn keo sơn, thật đáng mừng”.
Theo bà Liễu, so với những năm đầu mới giải phóng và trước khi tái lập tỉnh, hiện nay đời sống của cựu TNXP được cải thiện đáng kể, đời sống ổn định. Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, nhiều anh chị em vươn lên vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, do đi kháng chiến trên núi về hồ sơ lưu trữ người còn, người mất nên không ít trường hợp đến nay không làm được chế độ hoặc không đủ điều kiện hưởng chế độ, chỉ nhận một lần. Chính vì vậy, nhiều người phải lao động rất khó khăn.
Chị Liễu là người phụ nữ chịu thương, chịu khó. Tuy bị thương trong thời gian tham gia kháng chiến nhưng chị đã không quản ngại khó khăn tham gia nhiệt tình các hoạt động của Hội TNXP.
Trong mưa bom bão đạn, trong sự khốc liệt của chiến tranh cũng như trong thời bình, chị Liễu đã làm bật lên hình ảnh người lính với đầy tình người, tình đồng chí và luôn yêu thương đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.
Với những cống hiến của bản thân, chị Liễu được Đảng và Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhất (năm 1978); Huân chương Quyết thắng (1973); Kỷ niệm chương TNXP, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển GT-VT... Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Đồng Xuân Đặng Văn Long |
PHẠM THÙY