Thời gian qua, Đội tình nguyện vớt rác Vũng Rô Xanh chạy ca nô từ bãi Ngà qua bãi Lách, bãi Mù U, bãi Lau rồi qua Hòn Nưa thuộc khu vực Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa) để vớt rác. Đội có 10 thành viên thường trực, tự nguyện vớt rác, làm sạch môi trường.
Vịnh Vũng Rô có hàng trăm lồng bè nuôi thủy sản, gần bờ có các bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống. Hàng ngày, hàng trăm du khách đến đây tham quan và nhiều người nuôi thủy sản đóng quân trên vịnh. Chỉ tính riêng người nuôi thủy sản, trong công việc làm ăn mỗi ngày họ thải ra nhiều rác.
Nhìn rác mà nhức cả mắt
Nói về rác thải trên vịnh Vũng Rô, ông Trần Văn Xuân ở thôn Vũng Rô, phân trần: Rác trên vịnh thì túi ni lông là nhiều nhất, bởi những người nuôi thủy sản ở đây chủ yếu là đàn ông, sáng vô bờ ăn sáng rồi mua thực phẩm về chế biến bữa cơm trưa, chiều đều chứa trong túi ni lông. Sau khi ăn xong họ thả rác thải xuống biển. Đi qua hàng trăm lồng bè không thấy ai có giỏ đựng rác thải để đưa vô bờ xử lý.
Cũng theo ông Xuân, đó là bữa ăn của người nuôi thủy sản bằng lồng bè, còn bữa ăn của cá tôm thì cũng “hùa theo” xả rác. Ở Vũng Rô, nuôi tôm hùm, cá bớp ăn thức ăn tươi sống (cá tạp), nên ngày nào người nuôi cũng phải đi chợ lo bữa ăn cho cá, tôm. Vì vậy chủ lồng bè phải sắm ghe để vận chuyển thức ăn từ bờ ra bè nuôi.
Vũng Rô được che chắn bởi ba dãy núi là Đèo Cả, Đá Bia và Hòn Bà từ các hướng bắc, đông và tây, còn phía nam của vịnh là đảo Hòn Nưa. Ven bờ có bãi Lách, bãi Mù U, bãi Chùa, bãi Chân Trâu, bãi Lau, bãi Nhãn... Cách đó không xa là Mũi Đại Lãnh với ngọn hải đăng và tấm bia điểm cực Đông của Tổ quốc cùng bãi Môn hiền hòa. Trong kháng chiến, Vũng Rô từng là địa chỉ đỏ khốc liệt, nơi đây có khu Di tích lịch sử tàu Không số huyền thoại năm xưa. Vịnh giờ vẫn còn chứng tích của con tàu đắm cùng tấm bia ghi lại chiến công hào hùng của những chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. |
Ông Xuân giải thích, thức ăn của tôm hùm, cá nuôi trong vịnh được chở đến bằng xe đông lạnh, mỗi gói thức ăn được đựng trong túi ni lông với trọng lượng 10kg. Trung bình mỗi lồng nuôi 70 con tôm hùm, mỗi ngày ăn 10kg mồi; nuôi 10 lồng, tôm ăn 1 tạ mồi; mỗi bè nuôi tôm hùm thường có 30 lồng nên hàng ngày người nuôi phải mua 3 tạ mồi cho tôm ăn và sử dụng 30 túi ni lông. Cá bớp cũng tương tự, vì vậy rác thải nhựa xả xuống Vũng Rô rất nhiều, gặp gió dồn lại thành đám rác rộng bằng nửa sào đất, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nhìn rác mà nhức cả mắt”, ông Xuân nói.
Rác ở Vũng Rô không chỉ do người nuôi thủy sản thải ra, mà còn do nhiều du khách đến đây tham quan, ăn uống. Bà Phan Thị Hiền ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết: Tôi đi du lịch ra đây nhiều lần và để ý một số người khi đi du lịch mang theo bịch trái cây, đến bè nổi, họ gọt trái cây, ăn xong thì thả túi ni lông đựng vỏ trái cây xuống biển luôn, dù trên bè có giỏ đựng rác.
Hãy thương Vũng Rô
Thấy rác thải bề bộn, bà Đào Vân Anh ở thôn Vũng Rô, đứng ra thành lập đội thu gom rác. Đội gồm 10 người thường trực (có lúc 12 người), mỗi tuần 2 lần vào chiều tối, chạy ca nô từ bãi Ngà qua bãi Lách, bãi Mù U rồi qua đảo Hòn Nưa cách Vũng Rô khoảng 5 hải lý để vớt rác.
Bà Anh cho biết: Tôi có ca nô nên không phải thuê mướn, còn công nhân là người trong nhà và thanh niên, nông dân trong thôn tham gia. Công việc vớt rác dưới biển có cái khó, đó là giỏ rác to đem đổ xuống biển trong nháy mắt, thế nhưng khi gom rác thì mất cả buổi vì rác trôi ra chỗ này chỗ kia. Bên Hòn Nưa khách du lịch cũng qua bên ấy mang theo thức ăn, vật dụng... Sau thời gian vớt rác mới thấy rằng, một người vớt, trăm người xả.
Các thành viên Đội thu gom rác Vũng Rô Xanh tiêu hủy rác. Ảnh: HOÀI NAM |
Bà Anh kể, ban đầu đội tình nguyện mặc đồ thường chạy ca nô đi vớt rác, có lần ca nô vừa chạy đến thì thấy có người đổ bao rác xuống biển, nghĩ mà tức vì tại sao họ không chờ ca nô của mình đến thì đổ rác, mà thả bừa xuống biển, mắc công mình đi vớt? Nói đi thì cũng nghĩ lại, chắc họ không biết mình là người vớt rác nên nghĩ ra cách để mọi người biết. Bà Anh đặt mua áo in dòng chữ: Đội tình nguyện vớt rác Vũng Rô Xanh, với hai màu áo xanh và đen. “Qua màu áo và dòng chữ in trên áo để mọi người nhìn thấy, tự giác không xả rác xuống biển mà bỏ rác vào ca nô”, bà Anh nói.
Cũng theo bà Anh, ở Vũng Rô có các bè nổi làm du lịch, mỗi tháng thu hút hàng ngàn du khách từ mọi miền đến chiêm ngưỡng cảnh đẹp hoang sơ của vịnh. Du lịch đang phát triển mà không giữ gìn môi trường thì hàng ngàn du khách sẽ chê Vũng Rô… ô nhiễm.
Ông Lê Văn Thanh, thành viên trong Đội tình nguyện vớt rác Vũng Rô Xanh, cho hay: Hàng tuần, đội điều khiển ca nô đi vớt rác. Có du khách ở miền Nam ra bè, thấy vậy xin cho đi theo để gom rác. Họ nhiệt tình gom ni lông rồi kể, hồi trước lá chuối dùng để gói mắm ruốc, đùm mắm nêm, còn bây giờ toàn là túi ni lông. Không phải ở đây mà ra vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) cũng vậy, rác rất nhiều mà không thấy ai gom! Họ còn động viên lại mình, nên thương Vũng Rô nước biển trong xanh như chiếc gương khổng lồ, bờ bãi đẹp, vì vậy đừng để rác tấn công vịnh.
Ông Trương Quang, Chị hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Vũng Rô, chia sẻ: Hiện Vũng Rô, hàng ngày đón hàng trăm lượt khách. Để giải quyết nhu cầu tham quan, dã ngoại của du khách khi đến vịnh, UBND huyện Đông Hòa quy hoạch tạm thời khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống trên bè nổi gần bờ. Dù các chủ bè bố trí nhiều giỏ đựng rác trên bè, nhưng du khách vẫn vứt nhiều túi ni lông, hộp đựng thức ăn bằng nhựa... xuống vịnh, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nhờ đội tình nguyện này mà vịnh Vũng Rô sạch rác. Mô hình gom rác thải này cần được nhân rộng. Mấy lần họp UBND xã, tôi nêu vấn đề này ra để các hội đoàn thể tuyên truyền đến các bè nuôi thủy sản giữ gìn môi trường.
MẠNH HOÀI NAM