Hơn 30 năm trong ngành Đông y, thạc sĩ, bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Lê Văn Thức, nguyên Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên không những tận tâm với sứ mệnh trị bệnh cứu người, mà ông còn để lại công trình nghiên cứu về cây thuốc nam có ý nghĩa đặc biệt với nền Đông y tỉnh nhà.
Bước ra từ lửa đạn
Nhớ lại thời trai trẻ, bác sĩ Thức cho biết khi đang theo học năm thứ hai chuyên ngành Tây y với hoài bão trở thành một bác sĩ cứu người giúp đời thì cuộc chiến tranh của dân tộc ngày càng ác liệt. Ở khắp các làng quê, nhiều trai tráng đã ra chiến trường và hy sinh. Những sinh viên đang ngồi trên giảng đường cũng phải xếp bút nghiên để cầm súng. Khi xe lăn bánh chở những sinh viên vào mặt trận, Lê Văn Thức cũng như bao sinh viên khác mạnh mẽ ngẩng cao đầu.
Sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, học đại học ở Hà Nội và có 35 năm sinh sống ở Phú Yên, bác sĩ Thức từ lâu đã coi Phú Yên là quê hương thứ hai. Nơi ông đã nửa đời tận tâm cống hiến với vai trò là người thầy thuốc. Nơi những đứa con trai và con gái của ông nói “rặt ri” tiếng Nẫu. Nơi mà ông biết rồi sẽ gắn bó với ông hết phần đời còn lại. |
Bắt đầu đời lính bằng kỳ huấn luyện gian khổ giữa cái rét cắt da cắt thịt vùng rừng núi Yên Thế (tỉnh Bắc Giang), Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lê Văn Thức và đồng đội sau đó được chuyển vào Quảng Trị. Năm 1972, Quảng Trị là một trong những chiến trường ác liệt: bom từ máy bay B52 rải thảm suốt đêm ngày, phản lực gầm rú, rốc két liên hồi; các loại pháo từ hạm đội, từ các trận địa địch phía nam dội xuống không lúc nào ngớt... Ở mảnh đất bom giày đạn xéo ấy, đêm đến, làng xóm yên ắng đến mức không nghe thấy cả một tiếng gà gáy hay chó sủa, không còn một bóng dân thường. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, gian khổ không sao kể xiết. Nhiều đồng đội của ông liên tục ngã xuống, có những sự hy sinh còn ám ảnh đến tận giờ. May mắn, Lê Văn Thức đợi được đến ngày độc lập. Hòa bình được đánh dấu bằng một ngày bầu trời Quảng Trị xanh cao vời vợi, không có B52; sau đó là các chuyến xe từ miền Nam bắt đầu chạy bon bon ra Bắc; ở vùng chiến tranh ác liệt nhất, người dân tay xách nách mang trở về làng cũ. Đêm, tiếng chó sủa, ngày tiếng gà gáy làm lòng người náo nức. Không khí độc lập ùa về, xóa tan những ngày gian khổ, khiến con người hiểu rõ giá trị của sự sống để từ đó biết yêu thương nhiều hơn.
Học cho cả đồng đội đã ngã xuống
Năm 1975, Lê Văn Thức về lại Trường đại học Y Hà Nội. Sau 5 năm ở nhiều mặt trận, rời khỏi cuộc chiến khốc liệt và được quay lại trường, Lê Văn Thức tự nhủ phải học gấp 5, gấp 10 lần cho thỏa niềm mong mỏi những ngày cơ cực và ác liệt của chiến tranh. Học cho mình, cho những đồng đội vẫn đang phải tiếp tục cầm súng và cho cả phần của những người đã nằm xuống!
Lê Văn Thức học ngày đêm và tốt nghiệp loại giỏi, được Trường đại học Y Hà Nội giữ lại để đào tạo tiếp hệ bác sĩ nội trú. Đang náo nức thì bác sĩ trẻ Lê Văn Thức cùng một người bạn được chuyển sang học chuyên khoa Đông y. Thời đó, Đông y chưa có điều kiện phát triển, không được xã hội đánh giá cao. Nhiều người còn cho rằng học kém mới phải đi Đông y. Từ một bác sĩ trẻ với khao khát được áp dụng kỹ thuật hiện đại vào việc cứu giúp người bệnh, giờ phải đối diện với cảnh hái thuốc, sao tẩm chế biến giản đơn, như đi lùi về quá khứ, bác sĩ Thức thấy suy sụp.
Cũng may, khi vào Viện Y học cổ truyền Trung ương, bác sĩ Thức được học tập và làm việc với những thầy thuốc Đông y tiếng tăm như: Trần Thúy, Hoàng Bảo Châu, Nguyễn Tài Thu. Nhờ sự dẫn dắt của thầy giỏi, chứng kiến nhiều bệnh nhân đến Viện Y học cổ truyền được chữa bằng Đông y khỏi bệnh diệu kỳ, bác sĩ Thức ngày càng tin tưởng vào cơ duyên và không ngừng trau dồi, học tập. Ông cho rằng, y học hiện đại chữa trị triệu chứng cho hiệu quả nhanh, y học cổ truyền chữa trị từ gốc rễ. Hầu hết mọi người nhìn vào hiệu quả ban đầu nên bảo Đông y mơ hồ. Tuy nhiên, ai học sâu hiểu rõ lý luận của y học cổ truyền mới biết đó quả là khoa học, triết học phương Đông thâm sâu.
Năm 1984, bác sĩ Lê Văn Thức, người con của vùng quê Quảng Trị được điều về Bệnh viện Đông y tỉnh Phú Khánh vì lúc đó, ở các bệnh viện miền Trung quá thiếu bác sĩ Đông y. Ban đầu, ông được phân công làm Trưởng Khoa Ngoại phụ; một năm sau - 1985, được bổ nhiệm Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn. Năm 1989, tỉnh Phú Yên tái lập, ông được điều về làm Chủ tịch Hội Đông y, rồi Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên cho đến ngày nghỉ hưu.
Với bác sĩ Thức, dù là lúc giữ chức vụ quản lý bệnh viện hay khi đã nghỉ hưu, ông luôn nghiêm túc, cẩn trọng với nghề; quan tâm, chăm sóc người bệnh để sẻ chia nỗi đau với họ cũng như đồng cảm với lo lắng của người nhà bệnh nhân. Hiện phòng khám tại nhà của bác sĩ Thức luôn có nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị. Ông được nhiều người bệnh đau xương khớp tin tưởng với phương pháp điều trị bấm huyệt, xoa bóp, uống thuốc... theo đông - tây y kết hợp.
Trăn trở cùng cây thuốc nam
Gắn bó với nền y học cổ truyền, nhìn thấy nguồn thuốc nam bị suy giảm nghiêm trọng do khai thác liên tục không tái sinh, những kinh nghiệm sử dụng thuốc nam của các lương y giỏi dần mai một, người khám bệnh bằng y học cổ truyền dần thưa thớt…, bác sĩ Lê Văn Thức trăn trở nhiều và quyết định đi về các địa phương, gặp hầu hết các lương y để thực hiện công trình nghiên cứu tìm cây thuốc, bài thuốc hay phục vụ nhân dân.
Về cơ sở, bác sĩ Thức nhận ra một vấn đề hóc búa hiện nay là nhiều lương y sở hữu bài thuốc hay nhưng khi tham gia hội nghị kế thừa, họ không nói hết mà giữ lại một phần để hành nghề. Mà khi giữ lại một phần bí quyết, kinh nghiệm thì bài thuốc ấy không còn hay nữa. Chính vì không truyền lại những bài thuốc hay một cách bài bản, đầy đủ nên thế hệ sau không phát huy được tác dụng của những bài thuốc này. Như trước kia, TP Tuy Hòa tập trung nhiều lương y giỏi như các thầy thuốc Đặng Trung Ba, Nguyễn Hữu Tấn chẳng hạn, đến khi mất đi, con cháu họ không kế thừa và phát huy được giá trị các bài thuốc Đông y.
Mang nỗi niềm ấy, bác sĩ Lê Văn Thức cùng cộng sự đã đi đến 112 xã, phường, thị trấn; gặp 201 lương y cơ sở, phỏng vấn 172 thầy thuốc Đông y tiêu biểu; sưu tầm và biên tập 118 cây thuốc nam thành 590 bài thuốc. Trong đó, mỗi cây thuốc đều được biên tập tên gọi, cách trồng, bộ phận sử dụng và cách thu hái, bào chế, tác dụng, liều dùng và bài thuốc ứng dụng cây thuốc đó.
Công trình đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh nghiệm thu, xếp loại xuất sắc; được UBND tỉnh cho phép in thành sách “Những cây thuốc nam thông dụng ở tỉnh Phú Yên” và phát hành rộng rãi trong nhân dân. Ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN và nhiều chuyên gia đầu ngành Y đã dành rất nhiều lời khen cho nhóm tác giả với công trình công phu, tỉ mỉ, tính khoa học và ứng dụng cao. Kết quả đánh giá đề tài xếp loại xuất sắc, là một trong bốn đề tài nghiệm thu xếp loại xuất sắc trong 5 năm 2011-2015 của tỉnh Phú Yên.
Nghỉ hưu từ năm 2010, nhưng bác sĩ Lê Văn Thức chưa ngày nào rời xa công việc chuyên môn. Không chỉ dồn hết tâm huyết để chữa bệnh cứu người, ông còn trăn trở trước nỗi lo thất truyền các bài thuốc và tình trạng khai thác tràn lan, vô tội vạ tới mức cạn kiệt nhiều cây thuốc quý tại địa phương cũng như nhiều địa phương trên cả nước. Mong muốn lớn nhất của ông là công trình nghiên cứu đầy tâm huyết của mình có thể góp phần gìn giữ, phát triển ngành Đông y tỉnh nhà.
Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên giai đoạn 2002-2010 dưới sự lãnh đạo của bác sĩ Lê Văn Thức luôn quan tâm xây dựng đội ngũ thầy thuốc sáng về y đức, giỏi về y thuật. Hiện nay, các thầy thuốc của bệnh viện này đã và đang phát huy nét đẹp ấy bằng tấm lòng, y thuật qua từng lời nói, cử chỉ, hành động chăm sóc sức khỏe nhân dân... Đặc biệt, công trình khoa học “Những cây thuốc nam thông dụng ở tỉnh Phú Yên” của bác sĩ Thức mang tính ứng dụng cao và đóng góp quan trọng cho nền Đông y tỉnh nhà.
Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hưởng, nguyên Giám đốc Sở Y tế Phú Yên |
THÁI HÀ