Qua hơn 1 năm thực hiện, Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh bước đầu mang lại những kết quả đáng khích lệ.
Đề án này được thực hiện với 3 nội dung đổi mới, bao gồm: tổ chức lại bộ phận một cửa (BPMC) theo nguyên tắc “Mỗi địa bàn hành chính cấp xã chỉ có một BPMC nhưng không làm thay đổi, ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)”; mở rộng phạm vi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho BPMC cấp huyện; thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh.
Cắt giảm nhiều bộ phận một cửa
Theo Chủ tịch UBND TX Sông Cầu Phan Trần Vạn Huy, Sông Cầu đã triển khai thực hiện việc đưa cơ quan ngành dọc BHXH vào làm việc tại BPMC thị xã. Trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, công chức BPMC tận tình hướng dẫn, giải thích, cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời về TTHC cho cá nhân, tổ chức; có tác phong, thái độ lịch sự, hòa nhã; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn khi có nhu cầu giải quyết TTHC công. Qua đó giúp các tổ chức, cá nhân tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại.
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Văn Trọng, để thực hiện nguyên tắc “Mỗi địa bàn hành chính cấp xã chỉ có một BPMC nhưng không làm thay đổi, ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết TTHC”, Đồng Xuân đã chuyển BPMC thị trấn La Hai đến BPMC của UBND huyện.
Theo đó, UBND huyện đã bố trí phòng làm việc đầy đủ tiện nghi; xây dựng nội quy làm việc, quy tắc ứng xử của công chức tại bộ phận này đảm bảo các điều kiện phục vụ công chức làm việc và người dân đến giao dịch giải quyết công việc.
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết: Đến nay, 9/9 UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã chuyển BPMC của 9 phường, thị trấn vào tiếp nhận tại BPMC cấp huyện, cắt giảm BPMC của UBND cấp xã còn 101/110 xã, phường, thị trấn.
Đồng thời ban hành 65 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 6 sở, ngành được thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại BPMC cấp huyện; 29 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện thực hiện tiếp nhận và trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính cấp huyện; 26 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã thực hiện tiếp nhận và trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính cấp xã… Qua đó góp phần tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Khắc phục những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các nội dung đổi mới của đề án vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, các địa phương chủ yếu đưa công chức BPMC từ phường, thị trấn vào tiếp nhận hồ sơ tại BPMC cấp huyện mà chưa thực sự đổi mới cách thức thực hiện, chưa ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, cũng chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích để người dân đồng thuận tham gia và lợi ích mang lại cho người dân khi tỉnh triển khai các nội dung đổi mới..., dẫn đến việc thiếu hiệu quả trong triển khai thực hiện đề án.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành rà soát những TTHC có lượng phát sinh nhiều, những TTHC thật sự cần thiết cho người dân, doanh nghiệp, tham mưu trình UBND tỉnh công bố Danh mục TTHC mở rộng phạm vi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết qua BPMC cấp huyện và tiếp nhận giải quyết, trả kết quả theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi đến giải quyết TTHC. Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh |
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và triển khai hiệu quả đề án đổi mới, hoàn thành các chỉ tiêu về cải cách TTHC Chính phủ giao và của tỉnh đã đề ra, góp phần cải thiện các chỉ số liên quan đến công tác CCHC của tỉnh trong năm 2024 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng, ban chuyên môn thực hiện tốt việc ứng dụng chữ ký số đối với kết quả giải quyết hồ sơ TTHC và cập nhật trả kết quả ngay trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; chứng thực cấp bản sao điện tử từ bản chính theo đúng quy định và đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ TTHC và tái sử dụng hồ sơ số hóa đã giải quyết kết quả TTHC để góp phần cùng với tỉnh hoàn thành các nhiệm vụ của trung ương giao.
Riêng đối với nội dung tổ chức lại BPMC theo nguyên tắc “Mỗi địa bàn hành chính cấp xã chỉ có một BPMC nhưng không làm thay đổi, ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết TTHC”, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát nguồn lực, mức độ thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, tình hình thực tế và hiệu quả triển khai tại địa phương để tổ chức lại BPMC phường/thị trấn phù hợp với tình hình địa phương nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến được giao.
“UBND tỉnh đề nghị các địa phương tiếp tục chú trọng, quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho BPMC; tiếp tục triển khai có hiệu quả việc ứng dụng mã QR để thanh toán không dùng tiền mặt, niêm yết TTHC, đánh giá sự hài lòng của công dân, tổ chức khi đến giải quyết TTHC thuận tiện, dễ dàng. Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên quan tâm kiện toàn nhân sự của BPMC từ cấp huyện đến cấp xã; xem xét, bố trí cán bộ, công chức làm việc tại BPMC là đội ngũ trẻ, có trình độ chuyên môn phù hợp với từng vị trí tiếp nhận hồ sơ, đặc biệt am hiểu về công nghệ thông tin để thực hiện nhiệm vụ đáp ứng theo yêu cầu hiện nay. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân hiểu và nắm được lợi ích mang lại của việc triển khai đề án đổi mới để cùng với chính quyền các cấp thực hiện thắng lợi mục tiêu của công cuộc CCHC đã đề ra”, đồng chí Lê Tấn Hổ nhấn mạnh.
PHẠM THÙY