Quy định khảo sát lấy ý kiến mức độ hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương nắm được nhu cầu, nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân.
Quy định này của UBND tỉnh tạo điều kiện để người dân, tổ chức phát huy vai trò giám sát, tham gia vào công tác cải cách hành chính (CCHC) và đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan nhà nước.
Nâng cao mức độ hài lòng
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Phan Công Trinh cho biết: Qua khảo sát lấy ý kiến mức độ hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức họp, phân tích, làm rõ nguyên nhân đối với những tiêu chí, chỉ tiêu còn thấp. Từ đó, huyện xây dựng, triển khai hiệu quả kế hoạch cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, góp phần nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức.
Ông Trần Nhất Nhất ở xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) cho rằng, phiếu khảo sát lấy ý kiến về mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là một cách làm rất hay, người dân đồng thuận.
Năm 2023, chỉ số hài lòng về sựphục vụ hành chính Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Tây Hòa đạt 98,6%, tăng 0,2% so với năm 2022. Tất cả hồ sơ trễ hẹn đều được thông báo và gửi thư xin lỗi đến tổ chức và công dân. 100% người được hỏi trả lời không có việc công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc; không có công chức gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí theo quy định.
“Thời gian đến, Tây Hòa tăng cường đẩy mạnh CCHC; đơn giản hóa các TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức và xây dựng một nền hành chính phục vụ theo yêu cầu; khi trễ hẹn phải thông báo và công khai xin lỗi, đem lại sự hài lòng cho người dân, tổ chức đến giải quyết công việc”, ông Phan Công Trinh cho biết thêm.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa Đinh Công Thạch, việc khảo sát lấy ý kiến mức độ hài lòng trong giải quyết TTHC giúp lãnh đạo huyện thấy được những điểm mạnh cũng như điểm yếu để tiếp tục có giải pháp khắc phục. Từ đó, mỗi cán bộ, công chức tự nâng cao vai trò, trách nhiệm để đáp ứng ngày càng tốt công tác CCHC.
Ông Thạch khẳng định Phú Hòa rất quan tâm công tác cải cách TTHC và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao của công dân. Cụ thể, chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính năm 2023 của huyện đạt gần 97%, trong đó, lĩnh vực đất đai, tư pháp đạt 100%.
Kênh thông tin phản hồi quan trọng
Theo UBND tỉnh, việc khảo sát lấy ý kiến đã tạo điều kiện để người dân, tổchức phát huy vai trò giám sát và tham gia vào công tác CCHC. Đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có biện pháp cải thiện chất lượng cung ứng các dịch vụ hành chính công và nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Việc khảo sát lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức phải đánh giá được 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công, bao gồm: Tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước; TTHC; công chức trực tiếp giải quyết công việc; kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công và tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh kiến nghị.
Kết quả khảo sát sự hài lòng phải đảm bảo tính tin cậy, chính xác, đại diện, giúp các cơ quan hành chính nhà nước xác định được các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế và cải thiện chất lượng phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức...
Giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Phương Đông chia sẻ: Thời gian qua, Sở GT-VT luôn tập trung thông tin, tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hình thức khảo sát, đo lường nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về trách nhiệm phối hợp tham gia khảo sát lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của họ đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC và công khai minh bạch các quy trình thực hiện.
Theo đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, kết quả khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng đã phản ánh một cách khách quan đánh giá của tổchức, công dân về chất lượng dịch vụ công được cung ứng; tạo xu hướng cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ quan, đơn vị.
Từ đó giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương cung ứng dịch vụ hành chính công đề xuất, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, công dân. Việc khảo sát cũng cho thấy, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên; nền hành chính chính quy, mang tính phục vụ.
Do đó, UBND tỉnh yêu cầu việc tổ chức khảo sát, lấy ý kiến đánh giá của người dân, tổ chức phải được thực hiện thường xuyên. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác lấy ý kiến nhằm tăng cường việc tự động hóa, tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu sựảnh hưởng của các yếu tố chủ quan trong việc tổng hợp kết quả lấy ý kiến.
“Kết quả khảo sát trở thành kênh thông tin phản hồi quan trọng, tăng thêm niềm tin của công dân đối với công tác CCHC của tỉnh. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan, đơn vị có sự đánh giá khách quan về quy trình, hồ sơ, cách thức phục vụ, thái độ của công chức tại bộphận tiếp nhận và trả kết quả để có những điều chỉnh, cải thiện về cơ chế, chính sách và chất lượng phục vụ”, đồng chí Lê Tấn Hổ nhấn mạnh.
PHẠM THÙY