Thời gian qua, việc cải thiện chỉ số Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức (SIPAS) được tỉnh quan tâm, chỉ đạo sâu sát; các cơ quan, đơn vị nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức. Tuy nhiên, kết quả mang lại chưa cao, còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Chỉ số SIPAS được xác định qua việc khảo sát, điều tra xã hội học của các tổ chức đối với người dân, doanh nghiệp.
Còn nhiều nội dung chưa hài lòng
Theo kết quả công bố, chỉ số SIPAS năm 2022 của Phú Yên đạt 77,95%, xếp vị thứ 48/63 tỉnh, thành, tăng 6 bậc so với năm 2021. Kết quả này cho thấy, công tác cải thiện chỉ số SIPAS được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai. Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành để thực hiện chỉ số này. Người dân, các tổ chức cũng cảm nhận được sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong công cuộc cải cách hành chính (CCHC) thông qua việc tiếp cận dịch vụ công dễ dàng hơn, được phục vụ tốt hơn trong quá trình giải quyết công việc và nhận được kết quả dịch vụ công có chất lượng cao hơn.
Kết quả khảo sát 8 nhóm chính sách được lựa chọn (chính sách phát triển kinh tế; chính sách khám, chữa bệnh; chính sách giáo dục phổ thông; chính sách trật tự, an toàn xã hội; chính sách giao thông đường bộ; chính sách điện sinh hoạt; chính sách nước sinh hoạt; chính sách an sinh, xã hội) cho thấy người dân hài lòng và đánh giá tương đối cao đối với sự phù hợp của chính sách trật tự, an toàn xã hội với 86,1%. Các nội dung khác người dân chưa thật sự hài lòng và đánh giá rất thấp. Cụ thể, sự phù hợp của chính sách giao thông đường bộ với tỉ lệ 68,58%; chính sách nước sinh hoạt 70,98%; chính sách về khám, chữa bệnh 71,17%. Kết quả đo lường cũng cho thấy mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung trên địa bàn tỉnh là 78,73%, thấp hơn giá trị trung bình của cả nước là 1,7%. Bên cạnh đó, người dân vẫn còn đánh giá thấp đối với các nội dung cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh, như: thủ tục hành chính (TTHC) 78,6%, công chức 78,08%…
Khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém
Theo Sở Nội vụ, thông qua khảo sát cũng cho thấy, mức độ hài lòng thấp của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách của cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; vẫn có tình trạng công chức gây phiền hà sách nhiễu và chất lượng giải quyết TTHC. Người dân cũng chưa tiếp cận nhiều với dịch vụ công trực tuyến. Người dân mong đợi nhiều ở các nội dung: nâng cao hơn nữa chất lượng trụ sở, trang thiết bị phục vụ giải quyết công việc cho người dân với tỉ lệ 64,49%; nâng cao hơn nữa chất lượng cung cấp thông tin cho người dân với tỉ lệ 63,18%; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết công việc cho người dân với tỉ lệ 62,96% và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước với tỉ lệ 62,53%.
Theo UBND tỉnh, thời gian qua, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động đôn đốc, chấn chỉnh, chỉ đạo tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém cho cơ quan, địa phương mình, dẫn đến kết quả các chỉ số có liên quan đến công tác CCHC vẫn còn nằm trong nhóm thấp nhất so với cả nước. Chính vì vậy cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật hiệu quả cũng như trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước. Người dân, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều trong việc tiếp cận các tiện ích, dịch vụ công trực tuyến. Công tác triển khai thực hiện và tổ chức cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ.
Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Từ đây đến cuối năm, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo trực tiếp và quyết liệt hơn công tác CCHC trên tất cả các ngành, lĩnh vực, gắn trách nhiệm cá nhân với kết quả thực hiện CCHC, nhất là cải cách thủ tục hành chính của ngành, lĩnh vực, địa phương được phân công phụ trách chỉ đạo; nâng cao tính năng động, tiên phong, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn, thủ trưởng các sở, ban ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo trực tiếp công tác CCHC, có giải pháp cụ thể khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém trong công tác CCHC của tỉnh và của cơ quan, đơn vị, địa phương; triển khai thực hiện tốt và hoàn thành 100% các nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch CCHC năm 2023 của tỉnh. Đồng thời thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm 100% thủ tục hành chính được công bố, công khai đầy đủ, đúng hạn và 100% các hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết tại các cơ quan, đơn vị được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh (tại địa chỉ dichvucong.phuyen.gov.vn). Đảm bảo giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn thực chất trên 95%; tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, công tác dân vận kịp thời, đúng quy định, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích, không để xảy ra khiếu kiện, phát sinh thành điểm nóng về an ninh trật tự. Thực hiện kịp thời, đúng quy định việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về vướng mắc, bất cập trong thực hiện thủ tục hành chính, tránh để trường hợp phản ánh, kiến nghị kéo dài, vượt cấp.
Chỉ số SIPAS đã mang lại những kết quả, tác động tích cực đối với cả cơ quan hành chính nhà nước và người dân, tổ chức. Để cải thiện chỉ số này, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải hết sức nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục và vận hành bộ máy thông suốt; chấn chỉnh những khuyết điểm, rút kinh nghiệm kịp thời, đồng thời nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền.
Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ |
PHẠM THÙY