“Uống nước nhớ nguồn” - Truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam

“Uống nước nhớ nguồn” - Truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam

Cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, đã đề xuất và sau đó Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chọn ngày 27/7 là ngày ghi nhớ công ơn của các thương binh (về sau đổi là Ngày Thương binh Liệt sĩ).

Cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, đã đề xuất và sau đó Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chọn ngày 27/7 là ngày ghi nhớ công ơn của các thương binh (về sau đổi là Ngày Thương binh Liệt sĩ). Từ đó đến nay, kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa, thiết thực và giàu tính nhân văn.

Trong thư động viên thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ năm1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân, cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu giúp đỡ họ”. Khắc ghi và thực hiện lời dạy của Người, trong suốt 70 năm qua, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong cả nước đã thể hiện tình cảm và trách nhiệm của mình bằng những việc làm thiết thực để chăm sóc sức khỏe, tạo công ăn việc làm, giúp đỡ về nhà ở, hỗ trợ con em của các thương binh, liệt sĩ, người có công; xây dựng, tu sửa các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đã và đang lan tỏa sâu rộng ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị mang lại những hiệu quả thiết thực, ý nghĩa.

Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên luôn quan tâm giải quyết vấn đề người có công, luôn dành những tình cảm đặc biệt và tấm lòng tri ân vô hạn cả về vật chất lẫn tinh thần. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”; huy động nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần gia đình người có công. Các cấp, các ngành và toàn xã hội đều có những việc làm thiết thực sâu đậm nghĩa tình, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.

Những năm qua, tỉnh Phú Yên đã xét và đề nghị Nhà nước công nhận cấp Bằng Tổ quốc ghi công hơn 13.200 liệt sĩ; đề nghị Nhà nước phong tặng và truy tặng 2.236 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; phát hiện và quy tập gần 12.000 hài cốt đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ. Đã huy động từ nhiều nguồn lực đầu tư xây

dựng 21 nghĩa trang liệt sĩ, 73 nhà bia và đài tưởng niệm ghi tên liệt sĩ, đặc biệt đã xây dựng Đài tưởng niệm Núi Nhạn ở TP Tuy Hòa khắc tên gần 14.000 liệt sĩ trong và ngoài tỉnh hy sinh trên đất Phú Yên. Vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 50.736 triệu đồng, xây dựng mới 1.462 nhà Tình nghĩa và sửa chữa 970 nhà ở cho 2.432 gia đình chính sách người có công đang gặp khó khăn về nhà ở. Phong trào toàn dân chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Hiện nay, 98% gia đình người có công của tỉnh có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Những việc làm thiết thực và ý nghĩa đã thể hiện lòng biết ơn và kính trọng đối với sự hy sinh vô giá của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh, người có công với cách mạng vì nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước, vì tương lai tươi sáng của nhân dân. Đồng thời tạo niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công khắc phục khó khăn, vươn lên bằng ý chí và nghị lực, ổn định cuộc sống và tiếp tục cống hiến sức mình vào sự nghiệp xây dựng quê hương.

Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ là dịp để tất cả chúng ta tri ân những anh hùng, liệt sĩ, người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; để các cấp, các ngành và toàn xã hội thể hiện tình cảm và trách nhiệm của mình đối với công lao của các anh hùng liệt sĩ, làm sáng ngời đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Và để mãi tỏa sáng đạo lý nhân văn của dân tộc, các hoạt động chăm lo cuộc sống gia đình người có công với cách mạng phải được thực hiện thường xuyên, các địa phương, đơn vị cần có nhiều hình thức, biện pháp và cách làm sáng tạo hơn nữa. Mỗi người, mỗi nhà, từng địa phương, đơn vị, doanh nghiệp... trong tỉnh hãy tiếp tục làm nhiều việc tốt thiết thực ghi ơn và tri ân những người đã hy sinh, cống hiến máu xương cho độc lập tự do của dân tộc, cho hạnh phúc và tương lai tươi sáng của nhân dân. Tiếp tục phát huy có hiệu quả truyền thống và đạo lý của dân tộc, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

PHÚ YÊN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn