Chủ tịch Hồ Chí Minh từng giáo dục chúng ta phải biết ơn liệt sĩ, Bác nói: Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói; sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do; nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta. Đối với thương binh, Bác nói: Anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân; anh em đã làm tròn nhiệm vụ, anh em không đòi hỏi gì cả; song đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào báo đáp thế nào cho xứng đáng.
Thực hiện lời dạy của Bác, phát huy truyền thống, đạo lý cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta, trải qua các giai đoạn cách mạng, nhất là sau khi thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; đã đề ra và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, tổ chức nhiều phong trào hành động thiết thực, hiệu quả chăm sóc người có công, thương binh, gia đình liệt sĩ. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công ngày càng được nâng lên rõ rệt; nhiều thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tiếp tục phấn đấu vươn lên, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của quê hương, đất nước trong thời kỳ mới.
Là địa phương giàu truyền thống anh hùng cách mạng, chịu nhiều thiệt hại trong chiến tranh, số lượng thương bệnh binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng nhiều, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên luôn xác định việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ, chăm sóc người có công là trách nhiệm và nghĩa vụ to lớn. Cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh cũng đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách và tổ chức hiệu quả các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh đã phát triển sâu rộng, trở thành phong trào xã hội rộng lớn, thu hút đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân tham gia.
Đáng chú ý, từ các nguồn lực của cộng đồng xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, trong khoảng 10 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới hơn 1.460 nhà, sửa chữa hơn 970 nhà ở cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng, với tổng kinh phí hơn 43 tỉ đồng; các cấp, các ngành đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhà hảo tâm tặng hơn 290 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình chính sách. Hàng năm, vào các dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, các cấp, các ngành đều trích một phần ngân sách để tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công và tổ chức các đoàn đại biểu đi thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách. Ngoài ra, các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi trong tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao mức sống; các hoạt động tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ, xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ, tặng nhà Tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng suốt đời các Mẹ Việt Nam anh hùng… được thực hiện khá tốt. Qua đó đã góp phần động viên, tạo điều kiện cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công trong tỉnh vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, tiếp tục lao động và công tác tốt, có đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới và phát triển tỉnh nhà.
Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là chủ trương lớn, việc làm thường xuyên của Đảng và Nhà nước ta, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để tiếp tục làm tốt công tác này trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, nhất là ngành LĐ-TB-XH cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, nhất là các chủ trương, chính sách mới ban hành; đồng thời thường xuyên tuyên truyền giáo dục về truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tình cảm và nghĩa vụ của các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và toàn dân trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ. Xem việc chăm sóc người có công là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là việc làm thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ cha anh đi trước về những mất mát, hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, cho cuộc sống bình yên hôm nay.
Thứ hai, triển khai thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước. Tập trung rà soát, giải quyết và kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết dứt điểm các hồ sơ còn tồn đọng liên quan đến chế độ, chính sách đối với người có công theo quy định; tiếp tục phối hợp tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ… Thường xuyên tổ chức điều tra, khảo sát, nắm chắc tình hình đời sống thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng còn đang gặp khó khăn trong cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần, để có biện pháp trợ giúp thích hợp, tạo điều kiện giúp đỡ con liệt sĩ, con thương bệnh binh, con của người có công với cách mạng được ưu tiên trong học tập, đào tạo nghề và sắp xếp việc làm phù hợp để có cuộc sống ổn định; phấn đấu các gia đình thương bệnh binh, liệt sĩ, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình chung của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Thứ ba, đẩy mạnh thường xuyên, liên tục phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công; đặc biệt quan tâm đến các đối tượng người có công ở địa bàn miền núi, vùng khó khăn, vùng căn cứ cách mạng. Tiếp tục duy trì các hoạt động ý nghĩa như tặng nhà Tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, nhận chăm sóc phụng dưỡng suốt đời các Mẹ Việt Nam anh hùng, nhận đỡ đầu con em gia đình thương binh, liệt sĩ trong học tập… Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác chăm sóc người có công.
Thứ tư, tiếp tục phát huy vai trò của thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong việc tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương; tuyên truyền giáo dục về truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc cho thế hệ trẻ; mãi xứng đáng là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu và nhân dân địa phương học tập, noi theo.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với ngưới có công, không để thiếu sót, tiêu cực. Kịp thời tổ chức đánh giá, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công; biểu dương nhân rộng các trường hợp thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công có thành tích trong phát triển kinh tế, tham gia hoạt động xã hội, có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
HUỲNH TẤN VIỆT
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh