T26 là mật danh đợt 2 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968 của tỉnh Phú Yên. Hai ngôi mộ tập thể của các liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc, đã anh dũng hy sinh cả cuộc đời mình cho quê hương đất nước, được nhân dân thôn Ninh Tịnh (phường 9, TP Tuy Hòa) giữ gìn, tôn tảo, cúng giỗ tri ân.
Kết thúc đợt 1 (T25) ngày 12/2/1968, Đảng ủy A9 (mật danh của Chỉ huy tiền phương Mậu Thân 1968) họp để đánh giá thắng lợi của T25, đề ra nhiệm vụ, mục tiêu của đợt 2 (T26) là tập trung lực lượng, phương tiện, với nỗ lực cao nhất, đánh chiếm TX Tuy Hòa, đánh vào các căn cứ quân sự của Mỹ, Nam Triều Tiên, các quận lỵ, chi khu tiêu diệt sinh lực, nhất là sinh lực cao cấp, phá hủy phương tiện chiến tranh, làm cho địch hoang mang dao động, càng hoang mang dao động hơn, hỗ trợ phong trào quần chúng, vùng lên phá ấp chiến lược trở về làng cũ.
Thực hiện chủ trương trên, A9 tổ chức một bộ phận cán bộ đi chuẩn bị chiến trường, hướng trọng điểm TX Tuy Hòa, thành phần gồm: Chỉ huy của Tiểu đoàn bộ binh 85, Chỉ huy Đại đội Đặc công 202, chỉ huy của Tiểu đoàn bộ binh 12 của Trung đoàn 10 (Ngô Quyền) tăng cường cán bộ của cơ quan tham mưu, do đồng chí Nguyễn Tất Lưu, Tỉnh đội trưởng phụ trách.
Tình hình địch lúc này đang tập trung đề phòng ta tấn công. Địch tổ chức lực lượng để bảo vệ các căn cứ, quận lỵ chi khu, bố trí lực lượng thành nhiều vòng, vòng ngoài do lữ đoàn dù 173 Mỹ đảm nhận, thường xuyên sử dụng trực thăng đổ biệt kích xuống các cao điểm, gò Sân, gò Chợ, giếng Da, Tây Tuy Hòa 2, Vân Hòa, Trại Cháy, Hòn Lúp, Sơn Hòa. Mục đích là ngăn chặn các hành lang từ vùng giải phóng xuống đồng bằng, kết hợp pháo binh, máy bay đánh phá liên tục các căn cứ của ta, quân Nam Triều Tiên, Trung đoàn 26 của Sư đoàn Mãnh Hổ, chốt giữ các cao điểm dọc theo quốc lộ 1 từ đèo Cù Mông (Sông Cầu) đến núi Hùng (xã An Chấn, huyện Tuy An), lên La Hai (Đồng Xuân); Trung đoàn 28 thuộc Sư đoàn Bạch Mã chốt giữ từ Gò Đá (xã An Chấn, huyện Tuy An) vào đèo Cả (xã Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa 1) thường xuyên phục kích các hành lang, quân ngụy về chốt giữ vòng trong, các quận lỵ, chi khu, tiến hành các biện pháp bình định, khống chế quần chúng. Do đó công tác chuẩn bị của ta gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày 30/1, A9 triệu tập đồng chí Tỉnh đội trưởng và một số đồng chí chỉ huy các đơn vị về Sở Chỉ huy để báo cáo về công tác chuẩn bị, số cán bộ còn lại tiếp tục chuẩn bị chiến trường theo ý định.
Tư lệnh A9 quán triệt tình hình, nghe đoàn cán bộ báo cáo công tác chuẩn bị gặp nhiều khó khăn, địch tăng cường tuần tra canh gác chưa vào được bên trong, chưa xác định được phương án tác chiến, đề nghị thêm thời gian cho công tác chuẩn bị chiến trường. Tư lệnh A9 xác định tấn công nổi dậy đợt 2 (T26) là yêu cầu chính trị chuẩn bị chưa được, nhưng đúng ngày giờ phải nổ súng tấn công, để hiệp đồng chung trên chiến trường toàn miền, sau đó tư lệnh vừa giao nhận nhiệm vụ vừa tổ chức hiệp đồng tác chiến.
Diễn biến chiến đấu đợt 2 (T26)
Đêm ngày 3 rạng sáng 4/3/1968, Tiểu đoàn bộ binh 85, Đại đội Đặc công 202, theo đường Long Thủy hành quân 1 trục đến 3 giờ ngày 4/3 vào cách rào 300m triển khai chiến đấu, Đại đội Đặc công 202 tiếp tục thâm nhập vào bên trong, đến lớp rào thứ nhất, địch phát hiện đại đội nổ súng tấn công, B40, B41, ĐKZ của tiểu đoàn tập trung bắn vào các lô cốt tiền duyên Đại đội 3 của Tiểu đoàn 85, tranh thủ dùng mìn phá các lớp rào bên trong, phát triển đánh chiếm được một góc của Trung đoàn bộ 47 và một phần khu cố vấn Mỹ, diệt một số tên, phá sập ba lô cốt, địch lui về Trung tâm chống cự quyết liệt, dùng máy bay thả đèn sáng để phát hiện ta. Sử dụng pháo binh bắn chia cắt đội hình, cho xe tăng ra phản kích, ta và địch đánh nhau quyết liệt, giành giật từng lô cốt. Đại đội trưởng 202 Lê Trung Kiên hy sinh, lúc này trời đã sáng, ta không có công sự, nên Tiểu đoàn 85 và Đại đội Đặc công 202 vừa chiến đấu vừa rút lui, không đưa được liệt sĩ về phía sau.
Tiểu đoàn 12 của Trung đoàn 10 (Ngô Quyền) hành quân theo trục đường Liên Trì, nhiệm vụ tấn công Ty Cảnh sát, nhưng vừa hành quân đến xóm Chùa, Ninh Tịnh, gặp địch, tiểu đoàn triển khai đánh địch khu vực xóm Chùa, không thực hiện tấn công vào mục tiêu quy định (Ty Cảnh sát). Lúc này địch triển khai dọc theo đường 6 (Nguyễn Huệ) để ngăn chặn ta tấn công vào thị xã, máy bay và pháo binh liên tục bắn và thả đèn sáng để phát hiện lực lượng ta. Khi trời vừa sáng, chúng phát hiện Tiểu đoàn 85 và Đặc công 202 rút lui, chúng tập trung lực lượng tấn công Tiểu đoàn 12 khu vực xóm Chùa. Địch sử dụng xe bọc thép quân Mỹ và quân Nam Triều Tiên theo đường biển ra bắc Liên Trì hình thành thế bao vây, dùng xe bọc thép đột kích bị tiểu đoàn bắn cháy 3 xe bọc thép, diệt một số tên lính Mỹ và Nam Triều Tiên, bọn chúng lui ra dùng pháo và máy bay bắn phá rất ác liệt; gây cho ta nhiều thương vong, nhưng cán bộ và chiến sĩ tiểu đoàn kiên quyết bám trụ, phản công quyết liệt giữ vững trận địa.
Đến 13 giờ, chúng điều một tiểu đoàn của Trung đoàn 47 ngụy phát triển dọc theo Liên Trì đánh vào Ninh Tịnh hình thành thế bao vây xóm Chùa, nhưng chúng vừa đến đầu thôn Ninh Tịnh thì bị lực lượng bảo vệ Sở Chỉ huy nổ súng tấn công, tiêu diệt một số, chúng lùi lại, sử dụng pháo binh và máy bay bắn phá ác liệt vào khu vực Sở chỉ huy (Ninh Tịnh), Sở chỉ huy trúng bom, đồng chí Tỉnh đội trưởng Nguyễn Tất Lưu, đồng chí chính trị viên Tỉnh đội Đỗ Khánh Đáp và một số đồng chí của cơ quan tham mưu hy sinh, đài 15w bị hỏng, địch sử dụng xe tăng tấn công nhưng cán bộ chiến sĩ ta rất ngoan cường, hiệp đồng với hỏa lực của Tiểu đoàn 12 tiếp tục chiến đấu giữ vững trận địa.
Đến 18 giờ cùng ngày lợi dụng khói mù, trời vừa tối, đơn vị vừa chiến đấu vừa tổ chức rút lui, trong điều kiện địch hình thành thế bao vây nên không đưa liệt sĩ về phía sau được, sáng 5/3 chúng bắt tù chính trị ở nhà giam sân bay khu chiến, đưa tử sĩ của ta về hai hố bom tại thôn Ninh Tịnh chôn lấp. Nơi đây thành hai ngôi mộ tập thể của các liệt sĩ trên mọi miền của Tổ quốc, đã anh dũng hy sinh cả cuộc đời mình cho quê hương đất nước, nơi đây được nhân dân thôn Ninh Tịnh giữ gìn tôn tảo, ngày tết, ngày 5/3 hàng năm, nhân dân thôn Ninh Tịnh tự nguyện đóng góp để cúng giỗ tri ân, UBND TP Tuy Hòa đã tôn tảo, nâng cấp khang trang, được UBND tỉnh giao cho TP Tuy Hòa, Bộ CHQS tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, đến ngày lễ, ngày tết tổ chức đặt vòng hoa thắp nến tri ân cùng với Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác.
Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Phú Yên là cuộc tấn công bằng ý chí quật cường, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không ngại hy sinh, gian khổ, quyết giành lấy độc lập tự do, cho dù phải hy sinh to lớn, quân và dân Phú Yên cùng với cả nước đã giáng một đòn vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh rút quân Mỹ về nước, chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc, ngồi vào đàm phán với ta ở Paris, khởi đầu cho quá trình đi xuống về chiến lược, và quá trình không thể đảo ngược được cho dù 5 năm sau đó Mỹ mới rút hết quân Mỹ ở miền Nam về nước và phải 2 năm sau, chế độ Sài Gòn mới sụp đổ nhưng về mặt chiến lược Mỹ đã thua từ mùa xuân Mậu Thân năm 1968.
Đại tá TRẦN VĂN MƯỜI
Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Phú Yên