Thứ Ba, 30/04/2024 21:37 CH
Các Liệt sĩ - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên
Thứ Hai, 24/07/2017 08:30 SA

Qua 87 năm hoạt động, Đảng bộ Phú Yên có 3 liệt sĩ là Bí thư Tỉnh ủy. Đó là các liệt sĩ Trần Hào (1913-1944), liệt sĩ Lê Đài (1917-1954), liệt sĩ Trương Chí Cương (Trương Kiểm, Trương Thuận 1919-1975).

 

Trần Hào (1913-1944)

 

Trần Hào sinh ngày 15/6/1913 tại làng Nho Lâm, xã Hòa Quang, huyện Tuy Hòa, nay là huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Trong lịch sử cách mạng chống thực dân Pháp ở tỉnh Phú Yên, Trần Hào được ghi nhận là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất, có đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng của tỉnh.

 

Năm 14 tuổi, đang học sơ học, cha mất sớm, mẹ đi lấy chồng, Trần Hào phải nghỉ học để chăm sóc ba đứa em, đồng thời học nghề thuốc Đông y và trở thành ông lang chữa bệnh rất hiệu quả. Trần Hào tham gia cách mạng từ khá sớm: năm 1933, đứng ra lập Hội sách báo và Hội tương tế ở xã Hòa Quang; năm 1935, ông được kếp nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ở Chi bộ La Hai, huyện Đồng Xuân.

 

Là một đảng viên trẻ, rất hăng hái, dũng cảm, có nghề chữa bệnh, Trần Hào đi lại nhiều nơi trong huyện, tỉnh, tuyên truyền cách mạng. Ông đã tổ chức cơ sở Đảng ở các làng Phước Hậu, Nho Lâm, Hạnh Lâm, Long Tường, Phụng Tường, trực tiếp làm Bí thư chi bộ Nho Lâm - Hạnh Lâm. Các tổ chức Đảng trong tỉnh sau một thời gian gặp khó khăn, bị đình trệ dần dần được khôi phục và phát triển. Nhà máy đường Đồng Bò, một xí nghiệp lớn của tư bản thực dân ở Phú Yên cũng tổ chức được chi bộ Đảng. Tháng 11/1935, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Phú Yên được thành lập tại làng Phước Hậu, xã Bình Kiến. Tại hội nghị này, Trần Hào được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

 

Năm 1936, trong cao trào hoạt động của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, các tổ chức cách mạng hợp pháp và nửa hợp pháp phát triển mạnh. Tại Phú Yên, các tổ chức quần chúng do Tỉnh ủy lãnh đạo cũng phát triển rộng khắp. Các hội cày, hội cấy, hội truyền bá Quốc ngữ, Hội thanh niên dân chủ, Phụ nữ chức nghiệp, Gia đình học hiệu… hoạt động có hiệu quả. Hai nhà trí thức, nhân sĩ được Đảng bộ tỉnh giới thiệu ra tranh cử nghị sĩ Viện dân biểu Trung Kỳ đã giành thắng lợi.

 

Rất nhiều người đã ký tên vào Bản dân nguyện gửi cho phái bộ Godar từ Pháp sang Đông Dương tìm hiểu tình hình.

 

Cuối năm 1939 đầu năm 1940, ông vận động một số thanh niên ở các làng Phước Hậu, Liên Trì, Ninh Tịnh đứng ra thành lập các gia đình học hiệu, trường tư thục. Trong các cuộc tranh luận công khai, Trần Hào đã đánh bại các luận điệu tuyên truyền chống cách mạng của các nhóm chính trị đối lập với chủ trương của Đảng. Bằng nhiều biện pháp hoạt động uyển chuyển, linh hoạt, Đảng bộ tỉnh Phú Yên đã khơi dậy tinh thần yêu nước trong nhân dân, đặc biệt là trong thanh niên. Ông trực tiếp lãnh đạo nhân dân các làng Tân Mỹ, Phước Thành, Mỹ Thạnh xã Hòa Mỹ chống lại bọn lính của Nhà máy đường Đồng Bò đàn áp nông dân và công nhân ở đây. Trần Hào đã cùng Tỉnh ủy khéo léo tổ chức các cơ sở kinh doanh vừa làm tài chính vừa làm nơi liên lạc của đảng bộ và phát triển hoạt động cách mạng.

 

Do những hoạt động tích cực, có hiệu quả, năm 1937, Trần Hào được Xứ ủy Trung Kỳ bổ sung vào Ban chấp hành Liên tỉnh ủy Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên.

 

Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ ở châu Âu, Mặt trận Bình dân Pháp đổ, bọn phản động thực dân Pháp ở Đông Dương ráo riết đàn áp cách mạng, các tổ chức dân chủ bị xóa bỏ, báo chí tiến bộ bị đóng cửa. Ở Phú Yên, nhiều đảng viên nằm im. Trần Hào vẫn giữ vững lòng tin, kiên trì vận động cách mạng, giữ liên lạc với cơ sở cách mạng, hướng dẫn quần chúng đấu tranh hợp pháp, chống áp bức bóc lột.

 

Ngày 1/5/1944, sau vụ rải truyền đơn nhân Ngày Quốc tế Lao động tại phủ Tuy Hòa, Trần Hào bị địch bắt giam ở phủ Tuy Hòa rồi đem ra Quy Nhơn tra tấn nhưng ông vẫn giữ tròn khí tiết của người cộng sản không khai báo và khuất phục kẻ thù. Ông còn chửi thẳng vào mặt kẻ thù và đã anh dũng hy sinh ngày 16/6/1944 tại nhà lao Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Sự hy sinh dũng cảm của Trần Hào đã làm cho đồng bào, đồng chí ở nhà lao Quy Nhơn và nhân dân Phú Yên hết lòng thương tiếc và kính phục ý chí kiên cường bất khuất của người cộng sản. Hay tin Trần Hào hy sinh, một chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm ở nhà lao Quy Nhơn đã làm bài thơ Vĩnh biệt anh:

 

Tiếng sét dội tim tôi hồ tan vỡ

Khi hay tin tắt thở của bạn lòng

Anh Hào ơi! Bao uất hận bên trong

Bao căm tức dâng lên đôi hàng lệ.

Cả lao ngục Quy Nhơn cùng một thể

Dâng sóng lòng tràn ngập tiếng đau thương

Hò reo nhau, chung đứng lại một đường

Cùng chiến đấu diệt quân thù tàn ác.

Anh bị cướp bởi tử thần đói khát

Giơ cao tay đứng thẳng suốt đêm ngày

Những trận đòn như bão táp mưa bay

Thêm sức điện hai ngày ba tối.

Nhưng anh vẫn tinh thần cứng cỏi

Đem hy sinh khắc nổi nét tương lai

Ghi sâu lòng với tất cả những ai

Còn mê muội trong vòng xiềng đế quốc.

Anh Hào ơi!

Thân xác anh tiêu tan thành tro đất

Nhưng tinh thần vẫn sáng tỏ với thời gian!

Vẫn sống còn với điệu nhạc dân gian

Của nhân thế trên ngọn cờ tranh đấu.

Quân phát xít tham tàn đầy tội lỗi

Uống máu thề ta chẳng đội trời chung

Nguyền nâng cao một tâm chí siêu hùng

Nơi cõi thọ, anh nở nụ cười thanh khiết.

 

Trong lời giới thiệu tập sách Liệt sĩ Trần Hào lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Phú Yên, đồng chí Thái Phụng Nê, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, viết: “Cuộc đời liệt sĩ Trần Hào luôn khắc sâu trong lòng đồng chí, đồng bào như một tấm gương trong sáng về đạo đức, phẩm chất và khí tiết của người đảng viên cộng sản, người cán bộ lãnh đạo tràn đầy nhiệt tình, năng nổ, dũng cảm và bất khuất…”.

 

Ghi nhận công lao và vai trò của Trần Hào đối với phong trào cách mạng ở Phú Yên, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã Hòa Quang được chính quyền lúc bấy giờ đặt tên là xã Trần Hào. Năm 1990, Trần Hào được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Ngôi nhà của ông đã được chính quyền địa phương xây lại thành nhà tưởng niệm và di tích lịch sử của phong trào cách mạng địa phương. Và hiện nay, một trường THCS xã Hòa Quang được vinh dự mang tên Trần Hào - một cán bộ xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của nhân dân Phú Yên.

 

Trương Kiểm (1919-1975)

 

Trương Kiểm còn có tên khác là Trương Chí Cương, Trương Thuận sinh năm 1919 tại xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình thợ thủ công.

 

Ông tham gia cách mạng rất sớm, năm 1936 (17 tuổi) gia nhập Đoàn thanh niên Dân chủ. Năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt giam, kết án tù một năm, giam ở nhà lao Hội An. Ra tù, Trương Kiểm tiếp tục hoạt động cách mạng, được bầu vào Phủ ủy Duy Xuyên. Năm 1939, Trương Chí Cương được Đảng phân công làm Bí thư Phú Yên Tam Kỳ. Tháng 6/1942, Trương Kiểm bị địch bắt giam, kết án tù, đày lên nhà lao Buôn Ma Thuột.

 

Khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Đảng ủy Nhà lao Buôn Ma Thuột (hai ông Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực) phân công ông cùng 3 người khác về Phú Yên tham gia Tỉnh ủy, nếu Tỉnh ủy không còn hoạt động thì tổ chức xây dựng lại. Lúc này ở Phú Yên, ông Trần Hào (Bí thư Tỉnh ủy 1936-1938) bị địch bắt giam, tra tấn dã man và hy sinh ở nhà lao Quy Nhơn năm 1944, còn ông Huỳnh Nựu (Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên 1938-1939) bị địch bắt giam ở nhà lao Sông Cầu và bị quản thúc chặt chẽ.

 

Tỉnh ủy tạm thời không còn hoạt động. Trương Kiểm tích cực móc nối liên lạc với các đảng viên cũ thành lập Tỉnh ủy Phú Yên lâm thời ngày 12/6/1945. Trương Kiểm được bầu làm Bí thư và được Tỉnh ủy phân công làm Trưởng ban khởi nghĩa. Ông là linh hồn, vị lãnh đạo cao nhất tại Phú Yên trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được phân công vào công tác ở chiến trường Cục Nam Trung Bộ, đầu năm 1947 là Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, Ủy viên Phân ban Cục Nam Trung Bộ (Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận).

 

Năm 1950-1952, ông là Khu ủy V, phụ trách Bí thư Ban cán sự Cục Nam Trung Bộ (gồm 4 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng). Năm 1952-1954, ông đảm nhận trọng trách Bí thư Ban cán sự Miền Tây Quảng Nam.

 

Sau Hiệp định Geneve (7/1954), Trương Kiểm được Đảng phân công trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Ủy viên Thường trực Khu ủy V. Tháng 7/1955-10/1959, ông được điều động ra miền Bắc đảm nhận trọng trách Phó Chủ nhiệm Ban Thống nhất Trung ương. Cuối năm 1959, ông được cử vào chiến trường miền Nam, bổ sung vào Thường vụ Khu ủy Khu V.

 

Tháng 1/1960, ông được Khu ủy V chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà.

 

Tháng 5/1961, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Khu ủy V, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Trung Trung Bộ, Ủy viên Trung ương Cục Miền Nam.

 

Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông được Khu ủy V chỉ định làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà. Tháng 11/1971, ông được Đảng phân công làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Do bị bệnh nặng, ông được đưa sang Liên Xô chữa bệnh. Trở về nước, chuẩn bị trở lại chiến trường tham gia cuộc Tổng tấn công và nổi dậy năm 1975 thì bệnh cũ tái phát. Ông mất đột ngột vào tháng 3/1975 tại Hà Nội. Ghi nhận công lao đóng góp to lớn của ông, HĐND TP Đà Nẵng thông qua nghị quyết đặt tên Trương Chí Cương cho một con đường dài 290m, rộng 8m ở phường Hòa Cường, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

 

Với những công lao to lớn, ông đã được Đảng và Nhà nước truy tặng: Bằng Tổ quốc ghi công số 26, Quyết định 2826 ngày 25/3/1975; truy tặng Lão thành cách mạng (từ 1936-1945); Huân chương Hồ Chí Minh (ngày 24/3/1975); 1 Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất; 1 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

 

Lê Đài (1917-1956)

 

Lê Đài sinh năm 1917 tại làng Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông là người cộng sản kiên trung anh dũng ngã xuống ở Phú Yên trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam với nhiều u uẩn và mãi đến 35 năm sau mới được làm sáng tỏ và công nhận là liệt sĩ.

 

Năm 22 tuổi (1939), Lê Đài rời quê mẹ vào Phú Yên dạy học và gắn bó với Phú Yên suốt cuộc đời còn lại. Trong những năm 1939-1945, Lê Đài dạy học ở Trường An Thổ (An Dân, Tuy An), Khoan Hậu (Xuân Thọ, Sông Cầu), Vân Hòa (Sơn Long, Sơn Hòa) và sớm giác ngộ cách mạng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Lê Đài tham gia cướp chính quyền ở tỉnh lỵ Sông Cầu, nhận trọng trách chủ nhiệm Việt Minh tổng Xuân Đài và sau đó được điều động về tỉnh. Trong 9 năm kháng chiến, Lê Đài giữ nhiều trọng trách của tỉnh Phú Yên: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh phụ trách công tác dân quân, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chính trị viên Tỉnh đội Phú Yên.

 

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ tháng 7/1954, Thường vụ Khu ủy V phân công Lê Đài ở lại miền Nam tiếp tục chiến đấu, giữ trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên.

 

Trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Lê Đài cùng với những cán bộ được phân công ở lại dày công xây dựng củng cố tổ chức Đảng và các cơ sở cách mạng, thắp lên ngọn lửa của ý chí và niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng.

 

Một ngày cuối đông năm 1955 (27/12/1955), trên đường công tác tại xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), Lê Đài bị địch phát hiện và vây bắt. Ông kiên cường chống trả, làm bị thương một số tên nhưng địch quá đông, vòng vây quá dày, ông rơi vào tay giặc và bị chúng biệt giam tại nhà lao Phú Yên. Địch hí hửng khi bắt được Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Tên tỉnh trưởng ngụy quyền Lương Duy Ủy dùng thủ đoạn “tiên lê, hậu binh” không từ thủ đoạn nào để lung lạc Lê Đài, từ dụ dỗ mua chuộc đến những ngón đòn khảo tra man rợ nhất.

 

Trong địa ngục trần gian của lao tù Mỹ - Diệm, người cộng sản Lê Đài vẫn một lòng sắt son với Đảng, trong nanh vuốt kẻ thù vẫn ngẩng cao đầu đứng trên đầu thù.

 

Tỉnh ủy Phú Yên dày công tổ chức giải thoát đồng chí Bí thư kính yêu của mình. Kế hoạch vạch ra khá tỉ mỉ song do sơ hở có nội gián nên những người tham gia giải thoát đều bị địch bắt. Hai chiến sĩ gan dạ ấy là cô gái Võ Thị Kim Đính và chiến sĩ thiếu niên 16 tuổi Lê Văn Thống (Lê Khánh Nam). Sau chín tháng bị tra tấn dã man, Lê Đài trút hơi thở cuối cùng trong nhà lao Mỹ ngụy ngày 26/10/1956. Địch vùi xác ông sân bay Chóp Chài. Trải bao biến thiên dâu bể của chiến tranh khốc liệt, địa hình xưa đã thay đổi mấy lần, thi hài của ông vẫn nằm đâu đó trong lòng đất lạnh, bao cuộc kiếm tìm đều vô vọng.

 

Lê Đài đã vĩnh viễn ngã xuống quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Nhưng kẻ thù thâm độc đã dựng lên một màn kịch nham hiểm làm cho người cộng sản Lê Đài tiếp tục hy sinh 35 năm trong lòng đồng bào đồng chí. Trong chiến dịch tố cộng khốc liệt năm 1956, kẻ thù tập trung hàng ngàn cán bộ đảng viên cũ và quần chúng yêu nước tại sân bay Chóp Chài để nghe “Bí thư Tỉnh ủy Việt cộng Lê Đài nói chuyện, sau khi đã quy thuận chính nghĩa quốc gia”! Lợi dụng đêm tối chập choạng đèn đuốc nhập nhèm, bọn địch học sách “Khương Duy giả” trong Tam quốc diễn nghĩa, bố trí một tên cảnh sát ngụy người gốc Quảng Bình có vóc dáng và giọng nói hao hao Lê Đài lên diễn đàn nói xấu Đảng và Cách mạng.

 

Vậy là tin dữ đồn xa, trắng đen phải trái lẫn lộn. Cái tin “Lê Đài đầu hàng phản bội” lan xa và tạo một cú sốc cực nặng cho phong trào cách mạng tỉnh nhà trong hoàn cảnh đen tối nhất của cách mạng miền Nam. Đồng đội dù kính yêu và tin tưởng Lê Đài, vẫn nửa ngờ nửa tin và góc độ nào đó đã “lâm thế” âm mưu thâm độc của kẻ thù.

 

Năm 1982, trong một chuyến xe về công tác tại Phú Khánh (cũ), Trung tướng Trần Nam Trung (Trần Lương), nguyên Bí thư Khu ủy V, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hòa miền Nam Việt Nam thổ lộ điều day dứt với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Khánh: “Tôi không tin anh Lê Đài đầu hàng phản bội. Các đồng chí phải làm sáng tỏ những uẩn khúc của lịch sử”. Tấm lòng của vị cách mạng lão thành - người anh cả Khu V Trần Nam Trung cũng chính là suy nghĩ của những cộng sản Phú Yên - bạn chiến đấu của Lê Đài.

 

Sau gần 10 năm sưu tra tài liệu, gặp gỡ hàng trăm chứng nhân cùng ở tù với Lê Đài và đối chiếu với tài liệu địch để lại, vấn đề lịch sử của Lê Đài đã được Tỉnh ủy Phú Yên làm sáng tỏ.

 

Tài liệu địch lưu lại Ty Cảnh sát ngụy Phú Yên đề ngày 21/3/1956 chua chát thú nhận: “Tên Lê Đài chứa chấp biết bao nhiêu sự việc bí mật của Phú Yên ở trong người y nhưng trước nhà chức trách y luôn tráo trở, tỏ thái độ ngoan cố, một lòng trung thành với già Hồ”.

 

Ngày 1/8/1956, Ty Thông tin ngụy quyền đưa Lê Đài 7 câu hỏi và buộc phải trả lời. Chúng đã bất lực và cay cú thừa nhận: “Không đủ khả năng khai thác can phạm”, “tên Lê Đài ngoan cố đến cùng, luôn bảo vệ đường lối của Cộng sản”.

 

Trong điếu văn đọc tại lễ tưởng niệm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Lê Đài ngày 26/10/1991, ông Nguyễn Duy Luân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cùng với những người cộng sản Phú Yên kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ vong linh Lê Đài và khẳng định: “Đồng chí Lê Đài của chúng ta là một con người như vậy, sống chiến đấu và làm việc vì lợi ích của cách mạng, của nhân dân, vào tù thì kiên cường dũng cảm, địch mua chuộc không ngã lòng, khảo tra không sờn chí, một lòng một dạ giữ trọn khí tiết của người cán bộ cách mạng, của người đảng viên Cộng sản. Do điều kiện chiến tranh và thủ đoạn thâm độc của kẻ thù nên từ ngày đồng chí hy sinh đến nay, Đảng bộ chưa có điều kiện để làm rõ sự hy sinh của đồng chí. Năm 1990, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định phải làm rõ vấn đề hy sinh của đồng chí và đến nay đã có đủ chứng cứ để kết luận đồng chí Lê Đài trong thời gian bị địch bắt đã dũng cảm chịu đựng mọi cực hình tra tấn của địch, không khai báo đầu hàng, giữ vững khí tiết người cộng sản đến hơi thở cuối cùng…”.

 

Ngày 16/10/1991, Tỉnh ủy Phú Yên long trọng tổ chức lễ tưởng niệm Lê Đài - vị Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đầu tiên thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, hy sinh oanh liệt trong nhàtù Mỹ - Diệm ngày 26/10/1956. Tỉnh ủy Phú Yên dày công sưu tra tài liệu 10 năm trời để làm rõ những uẩn khúc về sự hy sinh cao cả của ông và ra quyết định kết luận những vấn đề lịch sử của Lê Đà

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek