Thứ Năm, 02/05/2024 14:37 CH
Doanh nhân Phạm Xuân Nam nặng lòng với quê hương
Thứ Bảy, 08/08/2015 09:52 SA

Ông Phạm Xuân Nam trao giấy khen cho các sinh viên Phú Yên tại TP. HCM có thành tích học tập xuất sắc.

Ở TP Hồ Chí Minh có CLB Doanh nhân Phú Yên, là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, tập hợp các nhà quản lý doanh nghiệp quê Phú Yên đang sống, làm việc tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Chủ tịch CLB hiện nay là anh Phạm Xuân Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Thuận, một tấm gương sáng trong kinh doanh.

 

KHỞI ĐẦU LẬP NGHIỆP

 

Lần đầu gặp anh Phạm Xuân Nam, tôi cứ ngỡ quê hương anh ở miền Bắc, bởi giọng nói của anh không có chút gì giống người “xứ Nẫu” cả. Qua câu chuyện mới biết cha của anh là ông Phạm Thứ quê ở TX Sông Cầu. Ông từng hoạt động cách mạng và bị thương, mất một chân, trong thời kỳ chống Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, gặp và lấy mẹ anh, bà Phạm Thị Gái, người Thanh Hóa. Sau đó ông làm Chính ủy Quân y viện 4 tại Nghệ An rồi về nghỉ chế độ tại Thanh Hóa. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cha của anh về quê hương tham gia hoạt động tại địa phương, làm Bí thư thị trấn Sông Cầu. Anh Nam sinh ra, lớn lên và học đến hết lớp 5 tại Nghệ An, sau đó chuyển ra Thanh Hóa. Anh có bốn anh em, hai trai, hai gái, cả bốn người đều tốt nghiệp đại học, có gia đình, con, cháu ngoan khỏe và đều trưởng thành trong sự nghiệp, là những lãnh đạo doanh nghiệp.

 

Nghe có vẻ phi lý, nhưng dường như “sự nghiệp” của anh đã bắt đầu từ hồi cấp 3, khi anh trúng tuyển vào lớp chuyên Toán, Trường THPT chuyên Lam Sơn ở TX Thanh Hóa, được Nhà nước nuôi ăn học, phải ở trọ xa nhà, hoàn toàn tự lập trong việc học và rèn luyện để thích nghi với môi trường cạnh tranh rất lớn ngay từ hồi đó (từ 30 học sinh vào học năm lớp 8, đến năm lớp 10 chỉ còn 20).

 

Anh cũng may mắn khi đạt điểm số thi đại học ở mức được tuyển đi học nước ngoài. Dù thời gian xa quê hương chỉ biết học và học, nhưng 7 năm sống ở một đất nước và châu lục phát triển cũng đã giúp anh có được tầm nhìn, sự hiểu biết để định hướng cuộc sống và công việc sau này một cách “sáng” hơn, dù phải trải qua khá nhiều bước ngoặt.

 

Học ngành chế tạo máy, năm 1984, anh về nước; cha già đã qua đời (1982) nhưng vẫn còn đó tâm nguyện của ông muốn anh trở về góp sức cho quê hương. Sau một năm tìm kiếm, xin việc, chàng kỹ sư chế tạo máy về làm tại Công ty Công cụ cơ khí nông nghiệp Phú Khánh với mong muốn hiện thực hóa “giấc mơ” thời sinh viên là trở thành một kỹ sư chế tạo giỏi ngay tại quê nhà. Nhưng chỉ sau mấy năm làm việc, anh nhận ra những hiểu biết về nghề nghiệp của mình còn hạn chế và phần nào khá khập khiễng so với thực tế. Hơn nữa, điều kiện sống, làm việc cũng như quy mô thị trường và mô hình hoạt động của ngành cơ khí nông nghiệp tại một địa phương miền Trung khi đó không phù hợp để phát triển sự nghiệp của một kỹ sư chuyên ngành chế tạo.

 

Năm 1989, sau một tai nạn nghề nghiệp, với thời gian dưỡng bệnh đủ để suy ngẫm và cân nhắc, anh quyết định chuyển sang làm việc trong công ty dịch vụ hàng hải, hàng không và người nước ngoài - chuyên trách mảng xuất khẩu gỗ. Công việc đang tiến triển tốt đẹp thì Nhà nước quyết định đóng cửa rừng, hạn chế xuất khẩu gỗ và lâm sản nói chung, khiến anh lại phải tìm hướng đi mới.

 

Năm 1992, với sự gợi ý của một thương nhân Đài Loan và người anh cả Phạm Xuân Phương, anh quyết định bước ngoặt “lịch sử”: Thôi không “làm nhà nước” để cùng họ đầu tư, lập Công ty TNHH Đại Thuận, chuyên về chế biến hải sản khô tẩm gia vị xuất khẩu và tiếp tục phát triển đến ngày nay.

 

 Doanh nhân Phạm Xuân Nam (đứng giữa) - Ảnh: Đ.H.TRUNG

 

LÀM NÊN THƯƠNG HIỆU ĐẠI THUẬN

 

Bước đầu, mọi chuyện có vẻ thuận lợi do được đối tác ngoại góp vốn, “bao” đầu ra và cử người bao luôn các công đoạn kỹ thuật chính. Nhưng sau hơn 2 năm hoạt động, do vấn đề sức khỏe của ông chủ Đài Loan và chuyện gia đình của họ, đối tác buộc phải ngừng hợp tác, rút kỹ thuật viên về nước, ngừng tiêu thụ sản phẩm và đề nghị rút vốn.

 

Đột ngột mất 100% thị trường, không còn các chuyên gia kỹ thuật, toàn bộ vốn góp cổ đông và vốn vay có thể huy động đều đã “chôn” trong hàng tồn, trong khi chi phí để duy trì hoạt động doanh nghiệp là rất lớn khiến Đại Thuận tưởng chừng phải phá sản. Chính giai đoạn này, năng lực ứng biến và bản lĩnh doanh nhân được bộc lộ. Một mặt anh trình bày rõ ràng, trung thực với các cổ đông về hiện trạng nguy kịch nhưng tương lai khả quan của công ty và kêu gọi họ tiếp tục giữ cổ phần, mặt khác anh chân thành đàm phán để đạt được lịch trình hợp lý với những cổ đông muốn rút vốn. Bên cạnh đó, anh tích cực tìm khách gia công, cho thuê kho, xưởng để có nguồn thu mà không cần thêm vốn. Bên cạnh đó, anh tích cực định hướng lại thị trường, tìm kiếm thêm đầu ra cho sản phẩm. Quả nhiên sau những nỗ lực liên tục, kể cả việc nhiều nhân viên phải vất vả mang hàng ra tận chợ bán, cuối cùng, kho hàng đã dần vơi đi, tiền quay về cùng với những khách hàng mới và phát hiện mới về thị trường. Điều bất ngờ là chính thị trường nội địa đã trở thành cứu tinh giúp Đại Thuận thoát hiểm và sau đó đứng vững, lớn mạnh trên đôi chân của chính mình. Giai đoạn khó khăn này đã giúp sàng lọc và tôi rèn nên một đội ngũ quản lý, kỹ thuật viên năng lực và gắn bó với công ty đến tận ngày nay. Cũng chỉ khi dám đối mặt và vượt qua được hiểm nguy, Phạm Xuân Nam mới thực sự tin vào khả năng của mình để tiếp tục vững vàng trên cương vị “thuyền trưởng” của “con tàu” Đại Thuận.

 

Cho đến nay, công ty vẫn tiếp tục khẳng định vị thế cạnh tranh bằng chất lượng vượt trội nhờ vào công nghệ độc đáo, quy trình chuẩn mực, đồng bộ và lực lượng nhân sự ổn định, giàu kinh nghiệm.

 

Phần lớn sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc, phần còn lại được phân phối rộng khắp vào tất cả các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi trong cả nước. Sản phẩm của công ty cũng thường xuyên được lựa chọn như món quà của xứ biển dành cho người thân và bạn bè khắp nơi, gồm cả người Việt sống ở nước ngoài.

 

Từ năm 2004, công ty đã từng bước chế biến các sản phẩm đông lạnh. Năm 2011, với việc đầu tư hệ thống cấp đông nhanh hiện đại, đông rời từng cá thể (Individual Quick Frozen - IQF), công ty đã chính thức bước vào lĩnh vực chế biến thực phẩm đông lạnh chất lượng cao - tập trung vào các mặt hàng giá trị gia tăng, đóng gói đa dạng, thuận tiện cho nhiều đối tượng sử dụng.

 

Bên cạnh sự phát triển của hoạt động sản xuất, từ năm 2006, Đại Thuận kết nối vào “chuỗi cung ứng thực phẩm tới người tiêu dùng” bằng cách gia nhập đội ngũ các nhà phân phối, bán lẻ. Đến nay, thông qua công ty con là TNHH Amart, Đại Thuận đã định hình phát triển trong lĩnh vực bán lẻ bằng chuỗi 17 cửa hàng tiện lợi Amart tại Nha Trang, Hội An, Huế, Mũi Né và TP Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối thực phẩm, công ty trở thành nhà cung cấp tin cậy cho các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi trong cả nước. Các sản phẩm và nhãn hàng của công ty đều được đánh giá cao.

 

Ngoài hoạt động cốt lõi là sản xuất và phân phối thực phẩm, Đại Thuận cũng đã đầu tư và gặt hái thành công nhất định trong lĩnh vực nhà hàng (nhà hàng bia tươi Louisiane, Nha Trang), dịch vụ, du lịch Trung tâm Bùn khoáng nóng Mũi Né (Công ty Việt Tín, Bình Thuận), Khu du lịch Đảo Khỉ, Suối Hoa Lan (Công ty cổ phần Du lịch Long Phú, Khánh Hòa), trạm dừng chân Astop (TX Sông Cầu, Phú Yên)...

 

Tới năm 2014, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đại Thuận là hơn 162 tỉ đồng, doanh số trên 230 tỉ đồng, nộp ngân sách trên 6,7 tỉ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 350 lao động (chưa bao gồm các công ty liên doanh, liên kết). Tốc độ phát triển bình quân của công ty trong 3 năm gần nhất xấp xỉ 20%/năm.

 

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, công ty vinh dự được nhận nhiều bằng khen của các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành. Đặc biệt, công ty đã vinh dự nhận ba bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước.

 

 

Nhà hàng Astop tại Sông Cầu - Ảnh: Đ.H.TRUNG

 

NẶNG LÒNG VỚI QUÊ HƯƠNG PHÚ YÊN

 

Mong mỏi quê hương sớm phát triển, đã có giai đoạn Phạm Xuân Nam chủ động xúc tiến và trực tiếp đầu tư một loạt dự án về du lịch tại TX Sông Cầu theo “thế” liên hoàn với nhau quanh vịnh Xuân Đài.

 

Tuy nhiên, do anh gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe nên quá trình bị gián đoạn. Đến cuối năm 2013, dự án Long Hải mới hoàn thành giai đoạn 1, là trạm dừng chân Astop tại TX Sông Cầu hiện nay. Phạm Xuân Nam đang chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 của dự án là khu nghỉ dưỡng với hồ bơi, nhà đơn lập và biệt thự ven biển. Ngoài ra, sau thời gian dài tìm kiếm ý tưởng đầu tư, hiện dự án Nhất Tự Sơn cũng đã xác định được mô hình kinh doanh và đang ở những bước cuối cùng trong việc chọn tư vấn quản lý. Hy vọng trong tương lai không xa, Sông Cầu sẽ có tên trên bản đồ của các khu nghỉ dưỡng chuyên đề (chăm sóc sức khỏe), cao cấp dạng “hide away”.

 

Yêu quê hương Phú Yên, Phạm Xuân Nam mong muốn bằng cách nào đó giúp được những đồng hương của mình để họ có thể tự vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Cách mà anh mong muốn nhất là tạo thêm công ăn việc làm cho họ thông qua các dự án cụ thể. Phạm Xuân Nam nhận thức được rằng quê hương Phú Yên rất đẹp, nhưng sự thật là Phú Yên vẫn là tỉnh nghèo. Anh tâm sự: “Tôi cho rằng dịch vụ du lịch là một trong những định hướng cần được quan tâm thỏa đáng. Trong đó, làm sao nhanh chóng thu hút nguồn lực để sớm tạo dựng hạ tầng du lịch là điều cấp thiết. Muốn làm vậy (và bằng cách ít tốn kém nhất), Phú Yên cần có chính sách khuyến khích phát triển bất động sản nghỉ dưỡng thông qua việc định giá đất ở mức hợp lý và cấp quyền sở hữu “đơn vị ở” (căn hộ, nhà đơn lập, biệt thự - được thiết kế và quản lý như một khu nghỉ dưỡng) cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, từ đó tạo nên hạ tầng du lịch, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và khách du lịch tới làm việc, tham quan và lưu lại Phú Yên, từng bước thu hút các tour và du khách tới nghỉ dưỡng dài ngày tại địa phương. Bên cạnh đó, để môi trường du lịch được cải thiện và hấp dẫn, cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ của Nhà nước để quy hoạch hạ tầng, cải tạo cảnh quan, môi trường và đời sống văn hóa của người dân địa phương, biến mỗi người dân thành một đại sứ du lịch tại chỗ”.

 

Với vai trò Chủ tịch CLB Doanh nhân Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh, anh đang cùng Ban Chấp hành CLB nhiệm kỳ II nỗ lực quy tụ các doanh nhân đồng hương - cả những doanh nhân kỳ cựu, điều hành các doanh nghiệp lớn lẫn những doanh nhân mới khởi nghiệp với nhiều đam mê, khát vọng - biến CLB thành điểm hẹn, với không gian thân thiện và môi trường thuận tiện để các thành viên cùng nhau chia sẻ tình cảm, thông tin về quê nhà; đồng thời chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm sống và kinh doanh - kết nối nguồn lực, tiêu thụ sản phẩm dịch vụ của nhau, giúp nhau cùng phát triển, cùng làm giàu, cùng đóng góp cho cộng đồng xã hội và cùng chung sức xây dựng quê hương, đất nước.

 

 

ĐOÀN HOÀI TRUNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek