Chớm thu, mùa của học sinh chuẩn bị tựu trường, cũng là mùa rực rỡ của những vườn cây đỏ trên cao nguyên Vân Hòa. Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nào cũng là đợt du lịch tham quan vườn đỏ, kéo dài cho đến đầu tháng 10 âm lịch.
Một tiểu vùng khí hậu ôn đới
Từ trung tâm TP Tuy Hòa đi về hướng bắc khoảng 15km là đến ngã tư Hòa Thái (xã An Mỹ, huyện Tuy An), rẽ về hướng tây gặp ĐT634 là hướng về cao nguyên Vân Hòa, vùng 3 xã (Sơn Xuân - Sơn Long - Sơn Định, huyện Sơn Hòa) và một phần huyện Tuy An. Vùng đất đỏ bazan này có độ cao trung bình khoảng 400m so với mực nước biển, tạo nên tiểu vùng khí hậu ôn hòa.
Đang giữa mùa nắng nóng cao điểm của miền Trung, nhưng chỉ cần bước qua địa giới cao nguyên Vân Hòa, cách TP Tuy Hòa chưa đầy 40 cây số, khí hậu đã chuyển trạng thái. Vượt qua dốc Súc thôn Tân Lập (Đất Cày, thuộc xã An Thọ, huyện Tuy An), có người đã thấy bùng tai vì thay đổi áp suất do độ cao và sau đó là một cảm giác dễ chịu bởi khí hậu mát mẻ.
Qua khỏi Đất Cày là tới địa danh Suối Mây, ở khu vực này thuộc thôn Quảng Đức (xã An Thọ, huyện Tuy An), hiện nay có một điểm đến tâm linh thu hút khá đông khách thập phương đến vãng cảnh, chiêm bái, tĩnh tâm. Đó là Thiền viện Trúc Lâm Phú Yên với diện tích trên 34ha.
Cổng tam quan Thiền viện Trúc Lâm Phú Yên vút lên như chạm mây trời. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Công trình mới hoàn thành và đưa vào hoạt động những hạng mục chính như: Cổng tam quan, chánh điện, lầu chuông, lầu trống và đường giao thông nội bộ. Từ trên đỉnh cao này, mọi người có thể phóng tầm mắt về bốn hướng bao la hùng vĩ. Về hướng nam là TP Tuy Hòa, hướng đông là biển Đông, hướng bắc, hướng tây là trập trùng đồi núi. Cổng tam quan vút lên mây trắng tựa cổng trời. Đặc biệt không khí ở đây mát mẻ cả ngày.
Với lợi thế khí hậu mát mẻ quanh năm và hệ thống di tích lịch sử phong phú, nơi đây đang hình thành các nhà vườn, trang trại trồng rau màu, cây công nghiệp phục vụ sản xuất kết hợp du lịch. Các nhà vườn phục vụ du khách rượu ngâm trái đỏ, những bữa cơm quê dân dã, đặc trưng của vùng miền núi: cơm lúa rẫy, gà kho mắm thơm, muối ớt, rau rừng, cá suối nướng…
“Nghe mọi người kháo nhau, và nổi bật trên mạng xã hội về vùng đất có khí hậu ôn đới giữa xứ miền Trung, nay đến đây, chúng tôi ngạc nhiên trước không khí mát mẻ, trong lành; được ăn bữa cơm quê đặc sản, rất ngon lành”, chị Hoàng Thanh Tuyền, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ.
Ngắm cây đỏ chi chít trái như tổ ong khổng lồ
Vùng cao nguyên Vân Hòa nổi tiếng với bơ, mít, chuối..., riêng thôn Liên Sơn (xã Sơn Xuân) có thêm một loại cây rừng được thuần dưỡng trở thành cây hái ra tiền nhờ thu hút khách du lịch, đó là cây đỏ. Từ xa trông như những chùm nho khổng lồ, mùa sai trái, có những cây đỏ chi chít trái như một tổ ong lớn đỏ rực.
Du khách tạo dáng với những chùm trái đỏ rực rỡ. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Theo ông Nguyễn Văn Bình (vườn đỏ Bốn Bình), cây đỏ ra hoa từ dưới gốc lên ngọn. Từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch, trái có màu tím thẫm, rồi nhạt dần và chuyển sang màu đỏ khi bắt đầu chín. Từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9 âm lịch, những trái đỏ chín có màu đỏ rực rất đẹp mắt. Màu đỏ rực rỡ làm cho những tấm ảnh càng trở nên nổi bật.
Lạ mắt đến ngỡ ngàng khi trước mặt bạn là những cây đỏ lúc lỉu, đúng hơn là chi chít trái, một màu đỏ rực rỡ. Trái đỏ tựa như trái dâu da ở miền Nam (màu xanh), chỉ khác là trái đỏ to hơn, khi chín da màu đỏ rực, vị chua chua, ngọt ngọt, thanh mát.
Loại cây này cũng khá lạ, ra hoa kết trái thì từ gốc lên ngọn, nhưng khi bắt đầu chín thì ngược lại, từ trên ngọn xuống. Trong vườn, ngoại trừ một số cây có trái sai, xoay tròn đều khắp thân, chủ vườn luôn gìn giữ, nhắc nhở khách tham quan không được hái trái, thì những cây ở ngoài rìa vườn hoặc trái ít, chủ vườn mời khách ăn thử hoặc có thể mua về làm quà.
Cuối mùa, khi trái chuyển sang màu đỏ sậm, vị ngọt hơn lúc đầu mùa, chủ vườn hái hết trái, bán cho khách hoặc để dành ủ rượu đỏ. Rượu ủ từ trái đỏ có vị thơm nồng, hơi chua nhẹ, có thể hòa với đá lạnh uống được cả ngụm lớn giải khát rất sảng khoái.
Anh Nguyễn Quốc Hội, con trai ông Bốn Bình cho biết: “So với năm trước, năm nay đỏ không sai trái bằng, nhưng vẫn có nhiều cây khá đẹp, phục vụ cho khách check-in. Cả thôn Liên Sơn có khoảng trên dưới chục nhà vườn có cây đỏ, nhưng năm nay chỉ được vài vườn là có trái sai đẹp, như vườn đỏ Bốn Bình, Bốn Phương, Bảy Hợi”. Từ khi cây đỏ hút khách, những nhà vườn có cây đỏ đã đầu tư khai thác phục vụ khách đến tham quan. Họ cải tạo vườn rộng rãi, thoáng mát, trang trí cho khu vườn trở nên đẹp hơn với điểm nhấn là cây đỏ chi chít trái.
Sau khi tham quan, chụp ảnh với cây đỏ cũng đã tới bữa ăn. Chỉ cần khách dặn chủ vườn làm cơm từ lúc vào vườn đỏ, sau hành trình tham quan, chụp ảnh là có ngay bữa cơm quê đúng chất. Anh Nguyễn Quốc Hội cho biết thêm: “Rất nhiều nhóm khách khi đến tham quan mới đặt cơm trưa, hoặc cơm chiều. Nhà vườn không chuyên ẩm thực, nên chúng tôi thường nấu theo quê kiểng, với các nguyên liệu thông thường, chủ yếu là heo, bò, gà. Một mâm cơm, gồm gà kho mắm thơm hoặc gà kho sả ớt, canh gà lá dít hoặc lá giang, cơm lúa rẫy, bún, rau rừng luộc, măng luộc, ớt muối… chỉ 450.000 đồng cho 5 người ăn”.
Tuyến cao nguyên Vân Hòa được công nhận là tuyến du lịch địa phương, có nhiều điểm đến hấp dẫn. Đến với tuyến du lịch này, du khách được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, tận hưởng không khí trong lành; tìm hiểu các di tích văn hóa, lịch sử; trải nghiệm các món ăn đậm đà chất quê. |
TRẦN QUỚI