Ngày 15/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại điểm cầu Phú Yên, đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị.
Du lịch phục hồi, nhưng phát triển chậm
Trong 10 tháng qua, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế 10 tháng qua chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch); khách du lịch nội địa đang có dấu hiệu chững lại. Ngành Du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được.
Báo cáo của Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.
![]() |
Hội nghị đã chỉ ra những hạn chế, khó khăn, đồng thời đề xuất những giải pháp phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững. Nguyên nhân của những hạn chế được Bộ VH-TT&DL và các đại biểu nhận diện, đó là: Một số thị trường trọng điểm truyền thống mởcửa từng bước, chưa lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19; công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng gặp nhiều khó khăn; chậm kết nối, chậm khôi phục tần suất các đường bay quốc tế như trước dịch COVID-19; các yếu tố tác động khác như lạm phát, tỉ giá tăng, xung đột chính trị, chi phí cho du lịch của du khách sụt giảm; truyền thông chính sách, quảng bá thông tin về những quy định mới của du lịch Việt Nam còn hạn chế; công tác quản lý điểm đến, xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường chưa kịp thời, tình trạng “chặt, chém” giá dịch vụ làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam…
Giải pháp đột phá phát triển du lịch bền vững
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình sáng tạo trong phát triển du lịch và đề xuất tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc nhằm tạo đột phá trong phục hồi và phát triển du lịch. Theo Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển du lịch trong thời gian tới. Đó là, tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch (miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn; đơn giản hóa quy trình xin cấp thị thực điện tử; tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, các hãng hàng không quốc tế; điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất; chính sách thuế…).
Đẩy mạnh phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch và xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện. Tập trung triển khai quyết liệt các hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế. Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có thương hiệu, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 82 của Chính phủ với phương châm liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện, trong đó tập trung liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam); vai tròđầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn. Hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập. Xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa. Bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách.
TRẦN QUỚI