Kết nối, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong khu vực là xu hướng tất yếu. Thực tế, việc kết nối đã mang lại hiệu quả tích cực. Báo Phú Yên ghi nhận một số ý kiến, đề xuất của các đại biểu tại hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch các thành phố Tây Nguyên và TP Tuy Hòa xung quanh hoạt động này.
GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT&DL PHÚ YÊN NGUYỄN THỊ HỒNG THÁI: Đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách
Từ năm 2016, ngành Du lịch các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk đã ký kết chương trình hợp tác liên kết phát triển sản phẩm du lịch trước sự chứng kiến của Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Từ khi thiết lập mối liên kết giữa các tỉnh, ngành Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức, tham gia nhiều hoạt động, sự kiện du lịch trong nước đạt hiệu quả; luân phiên tổ chức các sự kiện, hoạt động lễ hội được nhiều địa phương tham gia hưởng ứng. Ngành cũng thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch; phối hợp tổ chức đoàn khảo sát và đón các đoàn famtrip đến Phú Yên; triển khai có hiệu quả các chương trình kích cầu du lịch nội địa. Từ đó, từng bước đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách... Lượng khách du lịch đến địa phương năm sau cũng tăng hơn năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra.
Từ hiệu quả của mối liên kết này, năm 2021, chương trình mở rộng kết nối thêm tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum.
Việc 5 thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) - Pleiku (Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Kon Tum (Kon Tum) - Gia Nghĩa (Đắk Nông) có sáng kiến kết nối, quảng bá sản phẩm du lịch là một bước cụ thể hóa mối liên kết giữa các tỉnh. Điều này giúp các địa phương phát huy thế mạnh để mở rộng, tiếp cận thị trường hiệu quả, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
CHỦ TỊCH UBND TP TUY HÒA CAO ĐÌNH HUY: Phát huy lợi thế cửa ngõ ra biển Đông
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 xác định Phú Yên là cửa ngõ mới ra biển Đông cho vùng Tây Nguyên. Trên cơ sở này, tỉnh cũng đặt mục tiêu đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030, trong đó liên kết vùng với các tỉnh Tây Nguyên là một trong những giải pháp quan trọng.
Tuy Hòa là thành phố trung tâm của tỉnh, có cảnh quan thiên nhiên hữu tình, có đường bờ biển dài trên 30km, có dòng sông Đà Rằng gối đầu lên thượng nguồn Tây Nguyên, đuôi uốn lượn giữa lòng thành phố, bồi đắp những cánh đồng màu mỡ. Thành phố còn có di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn, núi Chóp Chài, gần đây tháp Nghinh Phong bên bờ biển, được lấy cảm hứng truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên và sự kết hợp hình ảnh gành Đá Đĩa đã trở thành biểu tượng du lịch mới của Tuy Hòa. Ngoài ra, địa phương còn lưu giữ nhiều di tích vật thể, phi vật thể được tôn tạo, hiện hữu trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trở thành nguồn tài nguyên vô giá.
Những năm gần đây, Tuy Hòa được quy hoạch và đầu tư xây dựng với mục tiêu trở thành cửa ngõ mới hướng ra biển Đông của vùng Tây Nguyên; các tuyến đường được nâng cấp đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc rút ngắn thời gian di chuyển từ các tỉnh Tây Nguyên tới TP Tuy Hòa với các tuyến quốc lộ được xem là huyết mạch như quốc lộ 25, 29 và 19C. Với những tiềm năng và lợi thế đó, việc tăng cường quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch với các thành phố Tây Nguyên sẽ mang lại nhiều giá trị phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DU LỊCH PHÚ YÊN HỒ VĂN TIẾN: Đề ra giải pháp liên kết hiệu quả hơn
Liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch là cần thiết, là xu thế tất yếu. Câu nói “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau” có ý nghĩa trong việc liên kết phát triển du lịch hiện nay.
Thời gian qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, với những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong quá trình liên kết phát triển du lịch này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng. Ngành Du lịch các địa phương cần nhìn lại, phân tích kết quả, chỉ ra những hạn chế, bất cập, bổ sung giải pháp để hướng đến hiệu quả cao nhất.
Những năm gần đây, lượng khách du lịch từ các tỉnh Tây Nguyên đến Phú Yên ngày càng tăng. Hàng năm, Phú Yên tổ chức đoàn lên các tỉnh Tây Nguyên để quảng bá, giới thiệu du lịch của mình và ngược lại các tỉnh Tây Nguyên cũng tổ chức các đoàn famtrip đến Phú Yên. Lần này, TP Tuy Hòa và các thành phố Tây Nguyên tiếp tục đặt vấn đề liên kết sản phẩm du lịch giữa các thành phố, có thể nói đây là một trong những kết quả sinh động cho việc thực hiện liên kết vùng.
CHỦ TỊCH UBND TP PLEIKU ĐỖ VIỆT HƯNG: Định vị sản phẩm đặc trưng “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”
Trong những ngày diễn ra ngày hội Quảng bá và kết nối du lịch giữa thành phố Tuy Hòa và 4 thành phố Tây Nguyên, các địa phương, doanh nghiệp đã giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP đặc sắc vùng miền; đồng thời lan tỏa thông điệp đến với bạn bè và du khách về một Tây Nguyên phát triển du lịch xanh gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Đây là một trong những giải pháp cụ thể của các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Tây Nguyên là vùng đất có những bộ sử thi, trường ca hùng tráng; có không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Du khách đến với Tây Nguyên để ngắm nhìn sự hùng vĩ của núi Ngọc Linh, thác Liêng Nung hoang sơ, hay cảm nhận vị cà phê Ban Mê dưới bóng kơ nia mỗi sáng… và hòa mình vào những buổi lễ hội đặc sắc, thưởng thức văn hóa ẩm thực, đặc sản Tây Nguyên.
Riêng với Pleiku, trên cơ sở những thế mạnh, tài nguyên, thành phố định hướng phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, du khách đến đây có thể trải nghiệm một “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, hướng du lịch đến sự phát triển bền vững.
GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI DU LỊCH SINH THÁI GIA LAI TRƯƠNG THỊ THU NGA: Hướng đến xây dựng tour du lịch quốc tế
TP Tuy Hòa nói riêng và Phú Yên nói chung có lợi thế lớn khi được thiên nhiên ban tặng bờ biển đẹp và những điểm đến thiên nhiên kỳ thú, cùng hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch những năm gần đây không ngừng phát triển, đáp ứng nhiều phân khúc thị trường khách, giá cả dịch vụ mềm, thức ăn ngon... Nhiều công ty du lịch các tỉnh Tây Nguyên đưa khách đến Tuy Hòa và du khách rất thích thú các sản phẩm du lịch biển.
Ngược lại, các sản phẩm du lịch về với đại ngàn, khám phá nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em ở Tây Nguyên là điều mà du khách ở vùng đồng bằng, ven biển háo hức khám phá. Du khách trong nước và quốc tế cũng có thể mua tour “lên rừng - xuống biển” để trải nghiệm trọn vẹn. Không những vậy, Tây Nguyên có lợi thế có cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum), cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai), hoàn toàn có thể hình thành những tour du lịch quốc tế, thu hút khách từ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Ngược lại, du khách Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng cũng dễ dàng du lịch sang các nước nói trên.
TRẦN QUỚI (ghi)