Thứ Hai, 25/11/2024 01:00 SA
Văn hóa du lịch và hội nhập quốc tế
Chủ Nhật, 19/04/2015 08:39 SA

Khách du lịch quốc tế rất thích thú khi tham quan di tích văn hóa kiến trúc Tháp Nhạn - Ảnh: T.QUỚI

Mở cửa và hội nhập quốc tế là nguyên tắc sống còn để phát triển và tạo nên sự bình đẳng giữa các quốc gia. Những điều kiện do hội nhập quốc tế mang lại mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển.

 

HỘI NHẬP QUỐC TẾ

 

Với Việt Nam, khi nền kinh tế thị trường phát triển thì những thách thức cho nền văn hóa cũng rất lớn. Trong khi cố gắng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, đốt cháy một số giai đoạn nhờ công nghệ mới, phải chịu áp lực từ những nước lớn về kinh tế. Và cùng với những áp lực đó là thay đổi những giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần. Sự khủng hoảng có nguồn gốc từ sự du nhập ồ ạt và khó kiểm soát của những luồng văn hóa đến từ các quốc gia trong dòng hội nhập. Biên giới văn hóa cả nhân loại được xóa nhòa bởi những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin. Các dân tộc hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn và đặc biệt văn hóa trở thành tài sản quý báu chung của cả nhân loại. Trong một mức độ nhất định, các nước nhỏ, kém phát triển có thể nhờ đó mà hiện đại hóa nền văn hóa của dân tộc mình, đi kịp văn hóa thời đại. Chúng ta vẫn coi đó là những yếu tố tích cực cho một nền văn hóa. Các nền văn hóa tồn tại và phát triển được nhờ sự tiếp nhận giao lưu, tiếp nhận những yếu tố mới. Nhưng cũng không ai dám đảm bảo rằng việc tiếp nhận những cái mới, những cái hiện đại mà chúng ta vẫn gọi là tiếp biến, đều tốt, đều là cần thiết. Rõ ràng những cái không tốt trong văn hóa cũng nhanh chóng du nhập, nó như một sự xâm lăng mới làm băng hoại đạo đức, làm phá vỡ văn truyền thống.

 

Sâu xa trong tiềm thức, ai cũng biết bản chất của toàn cầu hóa không hướng tới việc xóa nhòa văn hóa các dân tộc, làm mất đi bản sắc của mỗi một dân tộc, mà ngược lại nó giúp cho các dân tộc xích lại gần nhau hơn trên cơ sở chấp nhận, đồng đẳng và bình đẳng. Nhưng trong thực tế, dường như trái đất càng nhỏ bao nhiêu thì sự phân hóa trong nhân loại càng lớn bấy nhiêu. Sự phân hóa giữa các nước giàu và nước nghèo, người giàu, người nghèo ngày càng có khoảng cách lớn. Tuy nhiên cần thấy rằng, một dân tộc dù có lạc hậu đến đâu, mức sống thấp đến đâu, cũng có nền văn hóa của riêng mình. Và rằng, dù nền văn hóa đó có thể tồn tại hàng mấy nghìn năm, nhưng cũng có nguy cơ lặng lẽ biến thành di tích trong một tương lai gần bởi vòng xoáy của toàn cầu hóa. Trong 12 điểm cam kết của Hội nghị liên chính phủ và chính sách văn hóa vì sự phát triển tại Stockholm năm 1998, khẳng định: “Cần phải bảo vệ các nền văn hóa bản địa và khu vực bị đe dọa bởi quá trình toàn cầu hóa, không được biến các nền văn hóa thành di tích và làm cho văn hóa bị tước đi sức sáng tạo, sự phát triển năng động của chính nó”.

 

HÒA NHẬP KHÔNG HÒA TAN

 

Ở Việt Nam có một câu rất hay, đó là “hòa nhập chứ không hòa tan”. Đúng vậy, nền văn hóa Việt Nam rất phong phú, từ văn hóa nghệ thuật, văn hóa cộng đồng, văn hóa gia đình, văn hóa tín ngưỡng, văn hóa ẩm thực… và chính khi nói đến du lịch là nói đến văn hóa. Văn hóa du lịch là một loại văn hóa tổng hợp, đa ngành. Chúng ta cần hòa nhập quốc tế để phát triển văn minh, hiện đại, nhưng không thể để sự du nhập ấy xóa bỏ nền văn hóa truyền thống, nhất là ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường, coi vật chất hơn tinh thần.

 

Chính văn hóa mới là lĩnh vực quan trọng hàng đầu mà nhân loại phải luôn quan tâm bảo vệ. Trong điều kiện toàn cầu hóa, những rủi ro về kinh tế, những vấn nạn mang tính toàn cầu như nghèo đói, lạc hậu, thất nghiệp… nhân loại đều có thể khắc phục được, nhưng những rủi ro trong lĩnh vực văn hóa nếu xảy ra thì mãi mãi sẽ trở thành khiếm khuyết. Chính vì thế chúng ta cần đặt lại một vấn đề, làm thế nào để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở nước ta nói riêng và một quốc gia đang phát triển nói chung trước những thách thức của toàn cầu hóa? Ở một quốc gia đang phát triển, điều này được coi như một yếu tố quyết định sự sàng lọc được, mất. Bởi nếu giữ được bản sắc của nền văn hóa dân tộc, chính là giữ được bản lĩnh dân tộc để chủ động chấp nhận và hòa nhập quốc tế.

 

Đảng ta xác định, “xây dựng văn hóa, phải lấy xây dựng phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm”. Và “con người Việt Nam là sự kết tinh của nền văn hóa Việt Nam”. Mục tiêu chung về phát triển văn hóa được xác định: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Văn hóa với hội nhập quốc tế trong Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI nêu rõ: “Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc, hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa”.

 

Để làm được điều này, trước nhất phải có cơ sở lý thuyết đáng tin cậy thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm khoa học… Khi có cơ sở khoa học thì sẽ có những quyết sách đúng, lộ trình hợp lý để hội nhập nhanh chóng, đưa nền văn hóa nước nhà phát triển, nhằm nâng cao trí tuệ con người, đưa xã hội phát triển bền vững.

 

Nền văn hóa hai dân tộc Việt - Nga là nền văn hóa có truyền thống lâu đời, phong phú, đa dạng. Nước Nga hôm nay và Liên Xô trước kia đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cách mạng, đến tri thức và con người Việt Nam. Hai nền văn hóa đã hợp tác đưa tình hữu nghị bền chặt lâu dài. Du lịch là một ngành gắn chặt với văn hóa và nó là nhịp cầu cho sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai đất nước, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Du lịch là ngành công nghiệp sạch, mang tính tổng hòa các ngành kinh tế khác khi một địa phương du lịch phát triển, hạ tầng giao thông, các ngành nông, lâm, thủy sản phát triển, không gian kiến trúc, kể cả đường phố, ẩm thực được phát triển… Trên tất cả những điều đó là văn hóa và nét văn minh của con người.

 

GS. TS TRÌNH QUANG PHÚ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek