Giữa du lịch và văn hóa có mối quan hệ rất chặt chẽ. Phát triển du lịch không ngoài mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Ngược lại bảo tồn phát huy được vốn văn hóa sẽ là nguồn tài nguyên phong phú cho du lịch. Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện phát triển Phương Đông, Câu lạc bộ giao lưu Văn hóa Kinh tế quốc tế đã tổ chức tọa đàm về chủ đề “Văn hóa và du lịch Việt - Nga”. Tại buổi tọa đàm này, phóng viên Báo Phú Yên đã lược ghi ý kiến của PGS.TS Tôn Phương Lan (Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) về “mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch”.
VĂN HÓA LÀM GIA TĂNG GIÁ TRỊ DU LỊCH
“Giờ đây bạn bè quốc tế đã biết đến một Việt Nam không chỉ qua cuộc chiến tranh giữ nước trước đây mà còn là một đất nước có những điểm du lịch hấp dẫn, chí ít là qua những di sản văn hóa được UNESCO vinh danh. Duyên hải miền Trung là vùng đất có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và kỳ thú. Ví như Phú Yên có gành Đá Đĩa, Vũng Rô và nhiều bãi tắm, đảo nhỏ… Hơn nữa, dải đất miền Trung còn lưu dấu nền văn hóa Champa, Sa Huỳnh rực rỡ. Thiên nhiên đẹp và con người miền Trung hiền hòa, thân thiện. Đây là điều hấp dẫn với những ai có nhu cầu du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa”, PGS.TS Tôn Phương Lan nói. |
Du lịch là một ngành công nghiệp không khói. Nếu biết tận dụng những lợi thế của nó, du lịch sẽ đem lại nhiều nguồn lợi cho bất kỳ một nền kinh tế nào. Giữa du lịch và văn hóa có mối quan hệ rất chặt chẽ bởi nó là một trong những biểu hiện cụ thể của mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, trong đó con người là hạt nhân. Hơn nữa, bản thân văn hóa là một giá trị. Địa điểm du lịch mới chỉ là một điểm đến có tính vật thể, nếu đó còn là địa chỉ văn hóa thì giá trị của nó được tăng lên nhiều lần. Vì thế, để tạo nên một địa chỉ hút khách, địa phương phải thấy được vai trò hết sức quan trọng của văn hóa trong du lịch.
Lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta kêu ca nhiều về vấn đề văn hóa trong du lịch. Nào là sản phẩm du lịch nghèo nàn, người đi du lịch muốn mua một vật kỷ niệm nhưng không tìm ra được; nào là chất lượng dịch vụ chưa tốt, nhân viên chưa được đào tạo bài bản, vấn đề ứng xử, thái độ thân thiện, môi trường sinh thái… những khía cạnh khác nhau của văn hóa du lịch. Những điều trên là những biểu hiện cụ thể ai cũng biết và cũng nhìn thấy được.
Bản thân mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch chứa đựng trong nó một cách sâu xa, nhiều chiều mà những điều vừa kể trên chỉ là những hệ quả nhỏ của sự hiểu biết về mối quan hệ này. Vấn đề cơ bản của văn hóa là con người. Mà con người làm nên nhiều giá trị, trong đó có du lịch và văn hóa. Những con người cá thể trong những trường hợp cụ thể góp phần làm gia tăng hay giảm bớt giá trị của văn hóa, một vấn đề có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch phát triển. Không quan tâm đúng mức đến vai trò của yếu tố văn hóa trong du lịch thì không thể có được sự phát triển bền vững.
Ở một phương diện khác cũng cần nói thêm về văn hóa đi du lịch. Những năm gần đây, do đời sống đã khấm khá nên du lịch trở thành “mốt”. Tuy nhiên, vì một thời gian dài, vai trò của văn hóa đối với việc đào tạo con người như là mối quan hệ cơ bản, thiết yếu làm nên giá trị bền vững chưa được đặt đúng tầm của nó cho nên những bất cập đã xảy ra. Những hệ lụy không lường hết được mà quan trọng hơn là nó làm giảm giá trị có thực trong cách nhìn nhận về nhân cách con người, rộng ra là thể diện quốc gia. Nhiều người đến địa điểm du lịch chưa thể hiện được văn hóa ứng xử của mình, đơn giản như chuyện vứt rác trên đường phố.
VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT – NGA
Việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài vẫn là một nhiệm vụ đặt ra trong văn hóa. Ví dụ, các nhà văn Việt Nam lâu nay thường chú ý dịch các tác phẩm văn học nước ngoài hơn là giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Cũng như chúng ta hầu hết chú ý đưa tour khách Việt đi du lịch nước ngoài hơn là quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài để đón khách nước ngoài đến tham quan. Tôi thuộc thế hệ những người sinh ra, lớn lên trong thời kỳ mối quan hệ Việt Nam - Liên Xô là quan hệ anh em thân thiết. Văn hóa Nga đã thấm vào chúng tôi từ những tác phẩm văn học, điện ảnh, âm nhạc đến cả thị hiếu thẩm mỹ. Hiểu biết về nước Nga thời ấy gần như một thước đo đẳng cấp về trình độ mỗi người. Chúng tôi yêu người Nga, “tính cách Nga” như tên một truyện ngắn nổi tiếng của Tolstoy: dũng cảm, thủy chung, hồn hậu.
Mối quan hệ Việt Nam và Nga có từ rất lâu. Cho dù tình hình chính trị trên thế giới có những diễn biến phức tạp thì mối quan hệ hai nước vẫn tốt đẹp. Từ sau ngày Việt Nam thống nhất đất nước, hàng trăm cán bộ và công nhân Nga đã sang giúp đỡ chúng ta khai thác dầu khí và nhiều lĩnh vực khác. Chuyên gia, công nhân Nga có mặt ở Việt Nam ngày càng nhiều ở các địa phương trong cả nước. Khách du lịch Nga tăng trưởng mạnh hàng năm trong các thị trường du khách quốc tế đến Việt Nam. Điều băn khoăn là việc quảng bá hình ảnh Việt Nam đến các bạn Nga đến đâu; chúng ta đã tận dụng mối tình cảm sâu đậm giữa hai dân tộc trong việc đưa khách Việt sang Nga và ngược lại được bao nhiêu? Tôi vừa xem trên mạng xã hội một video clip của hai bạn trẻ Nga đi du lịch và đã “chộp” được những khoảnh khắc đẹp mê hồn ở Sa Pa. Có lẽ với tình yêu đất nước Việt Nam cùng niềm đam mê du lịch, các bạn này mới ghi lại được những clip đẹp đến thế. Đây cũng là một cách quảng bá du lịch Việt mà tôi tin nó góp phần phát triển văn hóa du lịch Việt - Nga trong thời gian tới.
TRẦN QUỚI (lược ghi)