Với địa thế nằm bên bờ biển Đông, xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) đang từng bước tận dụng vị trí đắc địa này để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.
Xã An Hòa Hải trước đây gồm 2 xã An Hòa và An Hải thuộc huyện Tuy An. Từ ngày 1/1/2020, thực hiện Nghị quyết 817/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Phú Yên, 2 xã An Hải và An Hòa sáp nhập thành một với tên gọi An Hòa Hải.
Tiềm năng và lợi thế
Xã An Hòa Hải có tổng diện tích hơn 36km2, dân số hơn 15.500 người, phân bổ không đều ở 14 thôn: Diêm Hội, Hội Sơn, Nhơn Hội, Phú Điềm, Phú Thường, Tân An, Tân Định, Tân Hòa, Đồng Môn, Đồng Nổ, Tân Qui, Xóm Cát, Phước Đồng và Xuân Hòa.
Nằm sát bên bờ biển Đông, An Hòa Hải là vùng đất đồng bằng xen kẽ những đồi nhỏ, cư dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Nơi đây nổi tiếng với nước mắm Yến và Di tích danh thắng quốc gia quần thể Hòn Yến.
Mới đây, quần thể Gành Đá - Lăng Hội Sơn và Lăng Phú Thường được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Quần thể di tích này không chỉ có giá trị về thắng cảnh, nơi lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, mà còn mang các giá trị khoa học về địa chất, địa mạo...
Đây là tiềm năng để xã khu vực biên giới biển này và huyện Tuy An phát triển du lịch biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hòn Lao Mái Nhà nằm cách bờ hơn 2 hải lý, có diện tích khoảng 1,2km2. Trên đảo không có nhà dân, còn giữ được vẻ hoang sơ, là nơi lý tưởng để du khách nghỉ ngơi, trải nghiệm thiên nhiên, có thể lặn ngắm san hô, câu cá biển… tránh những ồn ào nơi phố thị.
Ngoài ra, cách An Hòa Hải không xa là những danh lam thắng cảnh quốc gia nổi tiếng, như: Gành Đá Đĩa, Đầm Ô Loan, Vịnh Xuân Đài… Vì thế, An Hòa Hải lọt vào mắt xanh không chỉ một, mà rất nhiều nhà đầu tư. Trong đó có dự án đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Cù Lao Mái Nhà quy mô 137ha, vốn đầu tư gần 20.000 tỉ đồng.
Hòn Lao Mái Nhà nhìn từ làng chài Phước Đồng lúc sáng sớm. Ảnh: NGÔ MẠNH HÙNG |
Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra
Ông Trần Sáu, Bí thư Đảng ủy xã An Hòa Hải cho biết: Đảng bộ xã An Hòa Hải hiện có 358 đảng viên, sinh hoạt ở 22 chi bộ, là hạt nhân nòng cốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của địa phương.
Sau khi sáp nhập An Hòa với An Hải thành An Hòa Hải, Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng - an ninh”.
Theo đó, An Hòa Hải phấn đấu đưa tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đến năm 2025 lên 602 tỉ đồng, mức tăng hằng năm đạt 6,85%; giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp 289 tỉ đồng, mức tăng hằng năm đạt 1,15%; giá trị tiểu thủ công nghiệp - xây dựng 130 tỉ đồng, tăng hằng năm 11,62%; giá trị thương mại - dịch vụ 183 tỉ đồng, tăng hằng năm 16,84%.
Đồng thời đưa tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2025 đạt trên 3.150 tấn; thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 8%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 58 triệu đồng/người/năm; mỗi năm giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%; tỉ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đến năm 2025 đạt trên 65%; giải quyết việc làm cho hơn 4.685 lao động. Toàn đảng bộ và toàn dân đoàn kết một lòng, tập trung xây dựng xã An Hòa Hải trở thành phường thuộc TX Tuy An vào năm 2025.
Theo UBND xã An Hòa Hải, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù gặp không ít khó khăn, cả khách quan và chủ quan, nhất là chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song dưới sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo địa phương, cùng với sự phối hợp của các ban ngành, hội đoàn thể xã và ban nhân dân 14 thôn, kinh tế - xã hội của địa phương tiếp tục phát triển, chuyển dịch theo hướng tích cực, quốc phòng - an ninh giữ ổn định. Trong đó, hoạt động du lịch, thương mại và một số lĩnh vực khác phát triển.
Công tác cho vay vốn ở các ngân hàng phần nào đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh xã hội. Hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế và xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác đầu tư, quản lý xây dựng được chú trọng, góp phần làm cho bộ mặt địa phương ngày càng khang trang.
Năm 2021, An Hòa Hải được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2023, An Hòa Hải vượt kế hoạch hầu hết các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 100,09%; thu nhập bình quân đầu người đạt 112,13% (52,7/47 triệu đồng); giải quyết việc làm mới đạt 103,4%; thu ngân sách đạt 107,35%...
Đặc biệt, với lợi thế là xã giáp biển, trong thời gian qua, địa phương luôn chú trọng phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Chủ tịch UBND xã An Hòa Hải Bùi Sinh Nhật cho biết: Toàn xã hiện có 124 phương tiện đánh bắt hải sản với tổng công suất 6.467CV.
Cùng với hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trên biển, bà con ngư dân còn thả nuôi tôm thẻ trên diện tích 205ha, nuôi cá nước ngọt 7,7ha, nuôi cá biển 170 lồng, nuôi ươm tôm hùm 2,875 triệu con (11.200 lồng).
Địa phương cũng đã tổ chức hoán đổi nghề chấn cho bà con ở 2 thôn Tân Qui và Xuân Hòa theo chu kỳ với tổng số 580 miệng chấn. Trong năm, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đạt 4.500 tấn, đạt 100% kế hoạch.
Cùng với đó, An Hòa Hải còn đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chú trọng các ngành nghề tạo việc làm cho nhiều lao động và gắn với biển. Năm 2023, các cơ sở tư nhân và các hộ gia đình ngư dân đã chế biến 236 tấn cá khô xuất khẩu, 14 tấn mực khô, 1,1 triệu lít nước mắm… giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động.
Ông Võ Thanh Phương, Trưởng thôn Phước Đồng cho biết: Đối diện với hòn Lao Mái Nhà, thôn Phước Đồng những năm gần đây được nhiều người biết đến với tên gọi Làng chài Homestay Phú Yên. Điều hấp dẫn của làng chài này không chỉ có biển xanh, cát trắng, nắng vàng, không khí trong lành mà du khách còn được hòa mình với thiên nhiên và nhịp sống yên ả, bình dị của người dân làng biển đậm chất xứ Nẫu.
“Trong thời gian tới, An Hòa Hải tiếp tục vận động người dân địa phương đầu tư nguồn vốn mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề có thế mạnh như: Chế biến nước mắm, mực khô, cá khô xuất khẩu…
Năm 2024, địa phương thả nuôi 205ha tôm thẻ chân trắng, dự ước đạt sản lượng 826,5 tấn; ương nuôi tôm hùm trên 3 triệu con; tiếp tục phát triển, nâng công suất tàu thuyền đánh bắt xa bờ, phấn đấu đạt sản lượng đánh bắt và nuôi trồng cả năm đạt 4.700 tấn; chế biến cá khô xuất khẩu đạt 240 tấn, mực khô 15 tấn, nước mắm hơn 1,1 triệu lít…
Đồng thời vận động người dân tôn tạo, bảo vệ cảnh quan, môi trường biển để thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế theo hướng bền vững”, ông Bùi Sinh Nhật cho biết.
Toàn xã hiện có 124 phương tiện đánh bắt hải sản với tổng công suất 6.467CV. Cùng với hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trên biển, bà con ngư dân còn thả nuôi tôm thẻ trên diện tích 205ha, nuôi cá nước ngọt 7,7ha, nuôi cá biển 170 lồng, ương nuôi tôm hùm 2,875 triệu con (11.200 lồng).
Chủ tịch UBND xã An Hòa Hải Bùi Sinh Nhật |
LẠC VIỆT