Thứ Sáu, 03/05/2024 03:28 SA
Ngư dân kiên trì bám biển mưu sinh
Thứ Bảy, 23/09/2023 21:21 CH

Tàu cá của ngư dân cập cảng Dân Phước (TX Sông Cầu). Ảnh: LẠC VIỆT

Những ngày này, tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh, tàu thuyền và người mua bán hải sản vẫn vào ra nhộn nhịp. Nhiều tàu công suất lớn sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển trở về với niềm vui đong đầy vì khoang thuyền đầy tôm cá.

 

Giữ vững ngư trường truyền thống

 

Tại cảng cá Dân Phước (phường Xuân Thành, TX Sông Cầu), ngay từ sáng sớm đã có hàng chục tàu cá lớn nhỏ lần lượt cập cảng. Ở cầu cảng phía đông, trong khi các thuyền nhỏ chở tôm hùm, cá nuôi từ các lồng bè ngoài vịnh Xuân Đài đưa lên các xe tải nhẹ 3-4 bánh chuyển đi các nhà hàng, vựa cá để tiêu thụ, thì tại khu vực cảng có mái che, những tàu công suất lớn đang vận chuyển cá từ các hầm đá lên bờ. Thuyền trưởng tàu cá PY-94635 Lê Hữu Hùng (khu phố Vạn Phước, phường Xuân Thành) phấn khởi cho biết: Thời điểm cuối vụ cá nam (từ tháng 4-9) làm nghề đánh bắt hải sản xa bờ dễ bị lỗ tổn do sản lượng khai thác sụt giảm. Tuy nhiên, chuyến đánh bắt này hầu hết các tàu đều có dư nhờ trúng luồng cá.

 

Ông Nguyễn Văn Tình cũng ở khu phố Vạn Phước, cùng hai người trong gia đình đang vá lưới trên cảng cho hay: Cao điểm của mùa khai thác vụ cá nam là những tháng đầu năm. Thời điểm này sóng yên biển lặng, hành nghề thuận lợi, tàu thuyền công suất lớn vươn khơi xa đánh bắt cá lớn. Còn từ nay đến mùa biển động, bà con chủ yếu đánh bắt gần bờ, đi về trong ngày hoặc 2-3 ngày đối với tàu công suất nhỏ. Với tàu lưới kéo, lưới vây khai thác ở vùng lộng mỗi chuyến biển từ 5-7 ngày. “Trên địa bàn TX Sông Cầu hiện có hàng ngàn tàu cá lớn nhỏ. Nghề biển giã rất bấp bênh, thu nhập không ổn định, nếu trúng thì mỗi chuyến biển thu nhập vài chục hoặc cả trăm triệu đồng, còn không thì huề tổn hoặc về tay trắng. Nhưng vì mưu sinh, bà con luôn kiên trì bám biển, lấy chuyến này bù cho chuyến kia”, ông Tình chia sẻ.

 

Tại cảng cá Tiên Châu (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An), sau khi cho tàu cập cảng xuất bán cá ngừ đại dương cho thương lái xong, ông Lê Sang, thuyền trưởng cũng là chủ tàu cá PY-93467 đã có mặt tại điểm kiểm soát biên phòng. Ngư dân có hơn 30 năm “ăn sóng nói gió” này cho biết: “Năm nay sản lượng đánh bắt không thấp nhưng giá cá ngừ đại dương giảm so với năm ngoái nên kém vui. Từ sau tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, tàu của tôi đã xuất biển 6 chuyến, bù qua sớt lại, trừ chi phí, lãi được vài trăm triệu đồng”. Còn ông Lê Công Dần, chủ tàu PY-93557 chia sẻ: “Trong những năm qua hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân Phú Yên nói chung, ngư dân Tuy An nói riêng gặp những khó khăn, trở ngại nhất định. Nhất là lúc giá nhiên liệu tăng, trong khi sản lượng khai thác thấp, thời gian kéo dài, giá lại xuống dốc. Cùng với đó, ngư dân phải đối mặt với thời tiết giông bão ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả khi bị tàu nước ngoài uy hiếp, ngư dân chúng tôi vẫn kiên trì bám biển, giữ vững ngư trường truyền thống của mình là Hoàng Sa, Trường Sa, vừa bám biển mưu sinh, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

 

Nhộn nhịp hơn là tại cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa) và cảng cá Phú Lạc (TX Đông Hòa), ngày nào cũng có hàng chục tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ cập cảng. Trong khi tàu này khẩn trương đưa hải sản vừa khai thác lên bờ thì tàu cá kia đưa lương thực thực phẩm dự trữ, bốc đá lạnh xay cho vào khoang, chuẩn bị cho chuyến biển mới. Bà Trần Thị Bảy ở phường Phú Đông, chủ tàu cá PY-90235 cùng thuyền trưởng Phan Hiệp Huy và các bạn thuyền có mặt tại cảng Đông Tác, cho biết tháng tư vừa qua, khi đang hành nghề câu cá ngừ ở vùng biển Trường Sa, tàu cá của gia đình bà bị một tàu vận tải của Hải Phòng va chạm, hư hỏng phải dừng hoạt động một thời gian. Sau khi sửa chữa lại, tàu cá tiếp tục vươn khơi bám biển. “Trước đây, phí tổn cho mỗi chuyến biển chỉ 100 triệu đồng, nay giá xăng dầu, thực phẩm tăng cao, chi phí gần gấp đôi. Nếu khai thác không hiệu quả, bạn sẽ bỏ biển, tìm bạn mới không phải dễ. Tuy nhiên, dù như thế nào, mỗi năm cũng phải ra khơi đánh bắt ít nhất 5, 6 chuyến”, ông Huy cho biết.

 

BĐBP trao đổi thông tin với bà con ngư dân. Ảnh LẠC VIỆT

 

Điểm tựa vững chắc

 

Ðại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chính ủy BĐBP tỉnh, cho biết toàn tỉnh có hơn 4.100 tàu cá, trong đó có trên 650 tàu khai thác vùng khơi. Để hỗ trợ bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển mưu sinh, trong thời gian qua, cùng với phối hợp với các ban ngành, đoàn thể vận động thành lập các tổ tàu thuyền an toàn, tổ sản xuất an toàn trên biển, BĐBP sử dụng bộ đàm, thường xuyên kết nối liên lạc với ngư dân để tiếp nhận, trao đổi thông tin giữa bờ và biển; thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi trú tránh bão, áp thấp nhiệt đới an toàn; kịp thời hỗ trợ, ứng cứu khi ngư dân bị nạn trên biển. Đồng thời thông qua công tác vận động quần chúng, tuần tra, kiểm soát, BĐBP tuyên truyền các chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên nắm vững pháp luật, xác định được ranh giới các vùng biển để tự tin hơn khi vươn ra khơi, không vi phạm vùng biển của nước ngoài.

 

Không chỉ BĐBP, các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư… cũng là những điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển. Thượng tá Trần Quang Trung, Phó Chính ủy Lữ đoàn 682 (Vùng 4 Hải quân), cho biết: Với tinh thần “Lo cho ngư dân như người thân của mình”, trong thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ bộ đội hải quân nói chung, Lữ đoàn 682 nói riêng luôn đồng hành, sát cánh với bà con ngư dân. Đứng chân trên địa bàn tỉnh, cùng với thường xuyên chú trọng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tổ chức huấn luyện kỹ thuật - chiến thuật, tạo thế chủ động thực thi nhiệm vụ chính trị bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, hàng năm Lữ đoàn 682 đều phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”.

 

Chương trình lồng ghép tuyên truyền về vai trò, vị trí của biển đảo Việt Nam; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)…; trao tặng quà, cờ Tổ quốc, phao cứu sinh cho bà con ngư dân; tổ chức dọn vệ sinh, thu gom rác thải, làm sạch bãi biển, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển cho người dân địa phương. “Ngày 28/9 này, tại cảng cá Phú Lạc (phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa) Lữ đoàn 682 tiếp tục tổ chức chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, tuyên truyền vận động Nhân dân và ngư dân địa phương nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển đảo và trách nhiệm cùng các lực lượng tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc”, thượng tá Trần Quang Trung cho biết thêm.

 

Phú Yên đã đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cá ngừ Phú Yên” và ký bản ghi nhớ với tập đoàn của Nhật Bản về phát triển thủy sản. Theo đó, việc tổ chức và phát triển sản phẩm cá ngừ đại dương, xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ tại Đông Tác, hợp tác về công nghệ khai thác, bảo quản với Nhật Bản, là cơ hội tốt để phát triển các chuỗi liên kết trong khai thác, chế biến cá ngừ, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, mà đối tượng được hưởng lợi trước tiên là ngư dân. Từ đó, ngư dân có thêm niềm tin vươn khơi bám biển.

 

LẠC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek