Chủ Nhật, 13/10/2024 07:55 SA
Bảo tồn đa dạng sinh học rạn san hô biển
Thứ Bảy, 12/02/2022 07:00 SA

Lặn ngắm san hô khu vực Hòn Yến khi nước lớn. Ảnh: TRẦN QUỚI

Các rạn san hô biển có giá trị rất lớn trong đa dạng sinh học và đời sống con người. Ngày nay, khi nhu cầu khám phá, thưởng ngoạn đại dương càng cao thì ý nghĩa, giá trị của các rạn san hô càng lớn. Phú Yên có bờ biển dài 189km, với khoảng 180 loài san hô, riêng tại Di tích danh thắng quốc gia Quần thể Hòn Yến có 17 loài sinh sống và phát triển tốt.

 

Dọc dài biển đảo Phú Yên từ Bắc vào Nam, từ vịnh Cù Mông (giáp Bình Định) đến vịnh Vũng Rô (giáp Khánh Hòa) có nhiều núi non hùng vĩ chạy song song, thỉnh thoảng chồm ra biển, tạo nên nhiều vũng, vịnh đẹp êm ả. Thỉnh thoảng lại có những hòn đảo nhỏ ven bờ như Nhất Tự Sơn, cù lao Ông Xá, cù lao Mái Nhà, Hòn Yến, Hòn Chùa, Hòn Nưa… Chính ở những vũng, vịnh và quanh các đảo nhỏ đấy là môi trường phát triển phong phú của các rạn san hô.

 

San hô đẹp, đa dạng chủng loại

 

Rạn san hô là nơi trú ngụ của các loài cá bướm, cá thia, cá mó nhiều màu sắc... Ngoài ra, rạn san hô còn là “bãi đẻ”, ngôi nhà trú ngụ của hàng ngàn loại sinh vật biển khác. Về giá trị sinh thái, san hô là cấu trúc sống lớn nhất trên hành tinh. Về giá trị kinh tế và tác động đến con người, các rạn san hô là nguồn tài nguyên tuyệt vời cho con người. Rạn san hô có thể coi là những “khu rừng” dưới biển bảo vệ con người khỏi các cơn bão khi phá vỡ năng lượng sóng. Đặc biệt, các rạn san hô là những “cung điện” kỳ ảo dưới lòng đại dương để con người thưởng ngoạn và khám phá.

 

Theo khảo sát “Thực trạng hệ sinh thái rạn san hô vùng biển Phú Yên” do Viện Hải dương học (Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam) thực hiện, vùng ven biển Phú Yên có bốn khu vực có rạn san hô với diện tích hơn 300ha, gồm 182 loài. Trong đó, khu vực An Hòa Hải và An Chấn (huyện Tuy An) có hơn 167ha. Đây là tài nguyên quan trọng duy trì nguồn lợi thủy sản ven bờ, phát triển du lịch sinh thái biển. Tuy nhiên, hầu hết rạn san hô đều ở gần bờ nên bị xâm hại, khai thác.

 

Gần đây, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã tiến hành khảo sát các rạn san hô tại một số điểm có khả năng phát triển du lịch sinh thái biển. Những điểm được chọn khảo sát gồm: cù lao Mái Nhà, Hòn Yến, Hòn Chùa (huyện Tuy An) và khu vực biển Hòn Nưa, vịnh Vũng Rô (TX Đông Hòa). Kết quả cho thấy, các rạn san hô ở những nơi này tương đối đa dạng về chủng loại, đẹp và có giá trị nhiều mặt, trong đó có thể phát triển du lịch. Ngoài ra, ở khu vực Hòn Chùa (xã An Chấn), còn có bãi cỏ biển đặc trưng, lộ lên vào mỗi buổi chiều giữa những tháng mùa hè rất đẹp.

 

Hiện trạng cũng cho thấy các rạn san hô ở đây đã và đang bị hủy hoại do các yếu tố tự nhiên (bão biển đánh gãy), và phần lớn là tác động tiêu cực từ con người (ô nhiễm môi trường, khai thác san hô, giẫm đạp, đánh bắt hải sản...), trong đó nghiêm trọng nhất là rạn san hô ở khu vực Hòn Yến.

 

Theo TS Hoàng Thị Thùy Dương, người trực tiếp lặn khảo sát, thì rạn san hô khu vực Hòn Yến rất đẹp, là dạng san hô nước cạn (nông), khi thủy triều rút có thể lộ hoàn toàn lên mặt nước. Đây là điều bất lợi trong quá trình bảo vệ, bảo tồn. “Rạn san hô ở đây có cả san hô cứng, san hô mềm và đang chịu nhiều tác động tiêu cực bởi con người như: bị giẫm đạp khi thủy triều xuống, rác thải dân sinh, ô nhiễm môi trường nước do nuôi trồng thủy sản... Nếu không có phương án bảo vệ khẩn cấp, một thời gian không xa, rạn san hô ở khu vực này sẽ biến mất và khó có khả năng phục hồi, vì san hô phát triển rất chậm”, TS Dương nói.

 

Các chuyên gia Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga lặn khảo sát san hô khu vực cù lao Mái Nhà và Hòn Yến (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An). Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Bảo tồn khẩn cấp rạn san hô Hòn Yến

 

Trong số 4 khu vực biển đảo có rạn san hô, thì rạn san hô ở Quần thể danh thắng quốc gia Hòn Yến là phong phú, đa dạng về chủng loại, rất đẹp mắt. Tuy nhiên, nơi đây cũng bị tàn phá nhiều nhất vì gắn với danh thắng, điểm du lịch. Vào những ngày nước ròng (các ngày giữa tháng mùa hè), nhiều người dân lội trên thảm san hô để bắt các loài thủy sản mắc cạn; du khách cũng bì bõm giẫm đạp để tìm chụp hình những vạt san hô, những bông hoa tuyệt đẹp của biển mà bình thường phải dùng bình hơi lặn xuống đáy mới thấy…

 

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, việc bảo vệ, bảo tồn và phát triển các rạn san hô hiện nay là quan trọng và cấp bách. Điều này không chỉ phục vụ phát triển du lịch, lặn ngắm san hô mà nó có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường biển và phát triển kinh tế biển một cách bền vững.

 

UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường quần thể Hòn Yến đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu chung nhằm chặn đứng mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; hướng đến khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên; bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan quần thể Hòn Yến phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội huyện Tuy An nói riêng, tỉnh Phú Yên nói chung.

 

Quần thể Hòn Yến thuộc thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An, nằm cách TP Tuy Hòa 15km đường ven biển qua các làng quê thanh bình. Quần thể Hòn Yến được xác định bao gồm: Hòn Yến, Hòn Đụn, Bàn Than, Gành Yến, Hòn Choi, Vũng Choi. Trong đó, khu vực bảo vệ I có diện tích 100.275,82m2; khu vực bảo vệ II có diện tích 246.270,35m2.

 

Để bảo vệ khẩn cấp rạn san hô ở đây, cuối năm 2020, dự án Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến được tỉnh khởi động. Dự án do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc, Quỹ Môi trường toàn cầu, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tài trợ và phần đối ứng của địa phương. Dự án này đã tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường biển, chống rác thải nhựa, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô...

 

TS Đặng Hồng Triển, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, cho rằng: “Rạn san hô khu vực quần thể Hòn Yến là rất có giá trị và quan trọng trong bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học, hơn nữa nơi đây, còn là di tích danh thắng quốc gia cần được bảo tồn theo Luật Di sản. Nơi đây có nhiều rạn san hô đẹp và đa dạng, phong phú về chủng loại. Cũng chính rạn san hô nơi đây đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ con người. Do đó, cần thiết phải có những giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt để phát huy giá trị đa dạng sinh học cũng như kinh tế của rạn san hô ở khu vực này.

 

Nghị quyết 36-NQ/TW (khóa XII, ngày 22/10/2018) về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chỉ rõ: “Tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển. Gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu”.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek