Trường Sa nằm giữa biển khơi hiển nhiên có đảo nổi đảo chìm, có lính và một số đảo lớn có dân, trường học, bệnh viện... Trường Sa còn có cây phong ba biểu tượng, các di tích từ thời chiến tranh, tượng đài, nhà lưu niệm, đường băng máy bay, hải đăng hướng dẫn tàu bè, âu tàu cho thuyền ngư dân ra vào trú ngụ tiếp nhiên liệu, các loài chim biển và thú nuôi, gia cầm… Và đặc biệt Trường Sa còn có những ngôi chùa gần gũi đời sống người Việt. Ðó là những cột mốc chủ quyền văn hóa tâm linh, đêm ngày vang vọng tiếng chuông ngân giữa muôn trùng sóng biếc. Hình ảnh những ngôi chùa linh thiêng và tiếng chuông kỳ diệu xa khơi mãi ám ảnh tôi sau mỗi chuyến ra thăm quần đảo máu thịt Tổ quốc thân yêu!
CẦU NGUYỆN SÓNG YÊN BIỂN LẶNG
Khởi đầu một năm mới, dù là Phật tử hay người thường, ai cũng lắng lòng nhớ về cội nguồn, mà ngôi chùa chính là điểm tựa quan trọng cho đời sống tâm linh lâu đời của người Việt. Đi chùa đã thành một nhu cầu tất yếu, như trong tác phẩm Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam, nhà văn Sơn Nam từng viết: “Tháng Giêng, tuy không là Phật tử, người Việt thấy mình có phận sự đi chùa, khấn vái, thắp nhang một lần.
Đó là cử chỉ để nhớ đạo đức dân tộc, trong ấy có lòng yêu Tổ quốc. Sân chùa, Phật đài chứng kiến bao thế hệ người đã qua, hoặc cha mẹ ông bà mình, nay không còn. Đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh mà ngôi chùa hãy còn, dần được phục hồi là quý giá rồi. Đi chùa tháng Giêng còn là thái độ đoàn kết với đồng bào thôn xóm, phố phường, hẹn nhau sẽ cố gắng giữ thái độ lạc quan, cùng tô điểm cho đất nước phồn vinh hơn, nhất là sự ổn định gọi là cảnh thanh bình”.
Những điều trải nghiệm của nhà văn hóa Sơn Nam cũng chính là sự khác biệt từ việc “bản địa hóa” của Phật giáo Việt Nam, trong hoàn cảnh đất nước luôn chống chọi các cuộc ngoại xâm, nhiều lớp người ngã xuống để đổi lấy cảnh thanh bình. Và không chỉ đất liền mà tận những đảo xa như Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Phú Quốc, Côn Đảo và đặc biệt là quần đảo Trường Sa cửa Đông lãnh hải Tổ quốc,… các ngôi chùa được dựng lên như cột mốc chủ quyền, để người sống hương khói cầu nguyện và người chết có nơi “đi về trú ngụ”!
Đánh bắt xa bờ đã trở thành truyền thống lâu đời của người Việt. Sử liệu cho thấy có những người Việt còn sang tận đảo Hawaii giữa Thái Bình Dương để mưu sinh và ở lại lập nghiệp. Riêng ở biển Đông thân thuộc, ngư dân Việt đã dựng các am thờ trên các đảo để cầu nguyện trời phật, tổ tiên độ trì phù hộ mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, đánh bắt được nhiều tôm cá hải sản. Và những ngôi chùa được xây dựng ở quần đảo Trường Sa sau này là sự kế thừa, tiếp nối từ những am thờ đơn sơ xa xưa.
SUM VẦY DƯỚI MÁI CHÙA CONG CONG KHÓI HƯƠNG
Lần nào lênh đênh trên tàu ra thăm Trường Sa, chúng tôi cũng đến Song Tử Tây đầu tiên. Đây là đảo xa nhất nằm ở cực bắc quần đảo. Cách nay 45 năm, theo mật lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, một đội quân đặc công do trung tá Mai Năng chỉ huy đã bí mật ra giải phóng Trường Sa mà Song Tử Tây chính là đảo đầu tiên quân ta tiến chiếm ngày 14/4/1975. Và đây cũng là đảo có ngôi chùa đầu tiên được xây dựng hoành tráng, lớn nhất quần đảo Trường Sa.
Chùa Song Tử Tây hợp cùng tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và ngọn hải đăng sừng sững tạo thành quần thể kiến trúc, văn hóa độc đáo. Chùa được xây dựng bằng những cột gỗ lớn, lợp ngói nam và các vật liệu chất lượng cao, chống được sự bào mòn của gió muối và sức công phá của bão giông. Kết cấu một gian hai chái, chùa có kiến trúc mái cong giống các ngôi chùa cổ ở đất liền. Hai vị sư thường trực lo mọi hoạt động của chùa, từ kinh sách đến tiếp khách, bảo quản, quét dọn…
Từ ngôi chùa đầu tiên ở đảo Song Tử Tây, đến nay quần đảo Trường Sa xây dựng được thêm 5 ngôi chùa trên các đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết và mới nhất là chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh - tên của vị anh hùng tàu Không số thời đánh Mỹ. Tất cả 6 ngôi chùa ở Trường Sa chánh điện đều hướng về Thủ đô Hà Nội vọng tưởng cội nguồn dân tộc. Tương tự chùa Song Tử Tây, các ngôi chùa ở Trường Sa đều được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống với kết cấu một gian hai chái, mái cong vút trời xanh. Vừa là điểm hẹn văn hóa tâm linh của ngư dân mỗi khi đánh bắt hải sản xa bờ trên vùng biển Trường Sa, các ngôi chùa vừa là cột mốc khẳng định chủ quyền lịch sử của dân tộc.
Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đánh chuông chùa Vinh Phúc ở đảo Phan Vinh. Ảnh: PHAN HOÀNG |
Nếu như chùa Song Tử Tây và chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca tọa lạc gần ngọn hải đăng thì chùa Nam Nguyên ở đảo Nam Yết cũng nằm sát bờ biển, trong khi chùa Trường Sa Lớn nằm ngay giữa khu vực trung tâm thị trấn Trường Sa, cạnh đường băng máy bay, đối diện Đài tưởng niệm liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo thành cụm kiến trúc văn hóa đặc biệt.
Trong khi đó, chùa Sinh Tồn nằm bên các hộ dân, mà theo đại tá Chu Ngọc Sáng - Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân, chùa có diện tích khoảng 500m2, mang dáng vẻ một ngôi chùa làng quê điển hình ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, có sân vườn với những cây phong ba, bồ đề và một tấm bia ghi danh 64 liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong trận Gạc Ma năm 1988. Đại tá Chu Ngọc Sáng cho biết các cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân trên đảo vẫn đến thắp hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Mái chùa ở Trường Sa là nguồn cảm hứng cho tôi viết bài thơ Tiếng chuông chùa giữa đại dương đã lan tỏa đến nhiều bạn đọc, được một số tỉnh thành chọn đưa vào đề thi tham khảo môn Ngữ văn trung học, trong đó có đoạn:
Ở một vùng đảo khơi lắm điều kỳ diệu
làm sao biết từ đâu cây phong ba quen hát lời bão tố
hoa bàng vuông quen nở sau tiếng chuông vang vọng hoàng hôn
vẫn khi mờ khi tỏ biển trăng những chiến thuyền năm xưa như đội quân bí mật
Ở một vùng đảo khơi lắm điều kỳ diệu
gương mặt phụ nữ ngư dân thánh thiện như lời ru của sóng
trẻ con chắc nịch lớn nhanh trong thanh âm tiếng chuông nguyện cầu
những đàn cá mải mê bay lên níu cánh hải âu
nghe tiếng chuông cũng vội cúi mình im lặng…
Hồn sương nương đường chuông ngân
bao anh linh trẻ rời phiên gác mộ sóng
lặng lẽ bước gió trở về
sum vầy dưới mái chùa cong cong
khói hương
rầm rì chuyện gieo trồng cày cấy
rì rầm chuyện học hành thi cử
như trở về dưới mái nhà xưa mẹ già thắc thỏm chờ con mỗi bữa cơm chiều
Xuân về tết đến, tôi và gia đình đều đi lễ chùa để dâng hương tưởng nhớ tiền nhân, cầu nguyện sức khỏe, bình an cho mẹ tôi và mọi người. Những năm gần đây, sau khi thăm quần đảo Trường Sa trở về, mỗi dịp lễ chùa trong tôi lại luôn hiện lên hình ảnh những ngôi chùa cùng những nhà sư, chiến sĩ, ngư dân ở hải đảo đầu sóng ngọn gió. Họ đang thầm lặng canh giữ sự bình yên cho Tổ quốc. Và ngôi chùa âm vang tiếng chuông nguyện cầu không chỉ là một trong những điểm tựa tinh thần cho người đang sống mà còn là nơi trú ngụ cho hồn thiêng những người đã anh dũng hy sinh giữa lòng biển cả. Mùa xuân với tôi lại hướng về tiếng chuông ngân vang vọng phía Trường Sa. Và tôi lại cầm viên đá có chữ Tâm do sư thầy Thích Nhuận Tựu trụ trì chùa Trường Sa Lớn viết tặng với bao cảm hứng trào dâng…
Những năm gần đây, sau khi thăm quần đảo Trường Sa trở về, mỗi dịp lễ chùa trong tôi lại luôn hiện lên hình ảnh những ngôi chùa cùng những nhà sư, chiến sĩ, ngư dân ở hải đảo đầu sóng ngọn gió. Họ đang thầm lặng canh giữ sự bình yên cho Tổ quốc. |
PHAN HOÀNG