Thứ Sáu, 20/09/2024 05:06 SA
Chạm vào di tích lịch sử quốc gia ở Trường Sa
Thứ Bảy, 06/07/2019 10:23 SA

Bất cứ người dân Việt Nam nào khi ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), được đứng bên Cột mốc chủ quyền để chụp một bức hình lưu niệm là điều vinh dự và vô cùng thiêng liêng. Và càng tự hào, vinh dự hơn khi được tận tay chạm vào những di tích lịch sử quốc gia, đó là Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Nam Yết.

 

Cột mốc Song Tử Tây. Ảnh: LẠC VIỆT

 

Quần đảo Trường Sa còn được gọi với nhiều tên khác như Spratley, khu vực này là nơi sinh ra các cơn bão ở biển Đông nên đôi khi còn gọi là “quần đảo bão tố”. Trong số hơn 100 đảo và bãi san hô, có 23 đảo và bãi san hô nhô lên mặt nước. Thực chất đó là những đỉnh nhô cao của một cao nguyên ngầm với tổng diện tích khoảng 414.00km2.

 

Các đảo, bãi đá, bãi ngầm ở đây có dạng hình vành khăn hay elíp. Đảo lớn nhất là Thái Bình (Ba Bình), có diện tích 0,6km2. Đảo này hiện do Đài Loan (Trung Quốc) chiếm giữ trái phép. Tiếp theo là các đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Nam Yết…, diện tích mỗi đảo khoảng 0,1-0,2km2.

 

Vị trí chiến lược

 

Ghi nhận những giá trị lịch sử tiêu biểu của di tích trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc và góp phần khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, ngày 13/6/2014 Bộ VH-TT-DL đã ra Quyết định 1825/ QĐ-BVHTTDL xếp hạng di tích Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Nam Yết là Di tích lịch sử quốc gia.

Lần đầu tiên tôi được đặt chân đến các đảo trên quần đảo Trường Sa cách đây đã gần 15 năm và gần đây là năm 2018. Nhìn trên bản đồ thế giới, quần đảo Trường Sa nằm giữa biển Đông, phía bắc là quần đảo Hoàng Sa (bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974); phía đông giáp vùng biển Philippines; phía nam giáp vùng biển Malaysia, Brunei và Indonesia; phía tây là vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải và tuyến đảo ven bờ vùng biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ của Việt Nam.

 

Từ xa xưa, không chỉ giành độc lập, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền mà chủ quyền trên biển Đông cũng đã được cha ông ta đổ bao xương máu để khẳng định, giữ gìn. “Từ xa xưa, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu trước tiên và thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Với tư cách là người làm chủ, Nhà nước Việt Nam trong nhiều thế kỷ đã liên tiếp điều tra, khảo sát, khai thác, lập bản đồ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”, đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 Hải quân khẳng định.

 

Sau khi xâm lược nước ta, đánh giá cao vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa, người Pháp đã tổ chức khảo sát, đo đạc, biên vẽ bản đồ vùng biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa. Với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa chiến lược nên khi bàn về biển Đông, nhiều nhà quân sự thế giới cho rằng: ai làm chủ Trường Sa sẽ làm chủ biển Đông. Đã từ lâu, quần đảo Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ căn cứ khoa học một cách vững chắc cả về lịch sử và pháp lý phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế để khẳng định điều này. Nhưng chính vì vị trí chiến lược này, nhiều nước trong khu vực cũng giành chủ quyền về mình một cách phi lý.

 

Thời kỳ Pháp thuộc, Pháp chia nước ta thành ba kỳ, gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Trong đó, quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Kỳ (triều đình phong kiến nhà Nguyễn quản lý), còn quần đảo Trường Sa thuộc Nam Kỳ (do Pháp quản lý). Nhưng thực ra, nhân danh Việt Nam, thực dân Pháp đã có những hành động cụ thể thực thi chủ quyền ở quần đảo Paracel (tức Hoàng Sa và Trường Sa). Pháp đã cho đặt bia chủ quyền và đài khí tượng trên quần đảo này.

 

Ngày 22/8/1956, Phái bộ quân sự của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đến thị sát và cùng với việc kéo cờ là đặt bia chủ quyền trên các đảo chính của quần đảo Trường Sa. Trải qua thời gian cùng những biến động của lịch sử, đến nay chỉ có đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết còn tồn tại bia chủ quyền được xây dựng từ năm 1956 và đó cũng là hai bia chủ quyền cũ nhất còn lại, được bảo tồn ở quần đảo Trường Sa hiện nay.

 

Thiêng liêng và tự hào

 

Trong chuyến thăm huyện đảo Trường Sa vào đầu năm 2018, chúng tôi thật sự ấn tượng và xúc động mạnh khi được chạm tay vào những tấm bia Cột mốc chủ quyền đã nhuốm màu thời gian này. “Đây là sự minh chứng cho sự kế thừa liên tục về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta”, đại tá Bùi Đình Dương khẳng định.

 

Bia chủ quyền đảo Song Tử Tây thuộc xã Song Tử, được đặt tại vị trí 11025’55’’vĩ Bắc và 114018’00’’ kinh Đông. Bia chủ quyền đảo Nam Yết được đặt tại vị trí 100010’45’’ vĩ Bắc và 114022’00’’ kinh Đông. Các chữ trên thân các bia được khắc lõm chìm vào trong, ghi rõ: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy(*). Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22/8/1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”. Nằm trong không gian rợp bóng cây xanh cổ thụ như phong ba, bàng vuông, Bia chủ quyền đảo Song Tử Tây tọa lạc tại một trong những vị trí trọng yếu, được coi là linh hồn của đảo, trên tuyến đường từ cầu cảng vào trung tâm đảo. Năm 2011, khuôn viên di tích đã được xây hệ thống hàng rào bằng gạch, vôi vữa cao 80cm bao quanh bia với diện tích 16m2.

 

Còn Bia chủ quyền đảo Nam Yết có cùng nội dung, nằm trong khuôn viên chùa Nam Huyên, đã bị mất phần chóp, chỉ còn phần thân cao 1,32m. Đại đức Thích Tâm Tri (quê TX Sông Cầu, Phú Yên), trụ trì chùa Nam Huyên cho biết: So với nhiều công trình khác trên đảo, kiến trúc, vị trí của di tích này không nổi bật, nhưng từ những vết nứt, mỗi nét chữ khắc sâu trên bia đều khiến mỗi người dân Việt Nam khi tới đây trào dâng một niềm tự hào khôn tả và rất thiêng liêng.

 

Ngoài ra, trên Song Tử Tây hiện vẫn còn Trạm khí tượng (trực thuộc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ) do người Pháp xây dựng. Song Tử Tây cũng là đảo cấp 1 hoàn thiện về hạ tầng với chùa Song Tử Tây, Trường tiểu học xã Song Tử Tây, hải đăng Song Tử Tây, khu dân cư Song Tử Tây, âu tàu Song Tử Tây và làng chài cho ngư dân khai thác thủy sản trên quần đảo Trường Sa. Còn trên đảo Nam Yết có Trung tâm văn hóa, Hải đăng Nam Yết, chùa Nam Huyên, công viên và tượng đài Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn…

 

Cùng với các cột mốc bia chủ quyền (cũ và mới), những ngọn hải đăng trên các đảo là để ngư dân khai thác ở ngư trường Trường Sa lấy đó là điểm đánh dấu để trở về. Đặc biệt, hệ thống cây xanh, nhất là các cây di sản trên quần đảo Trường Sa, ngoài việc tạo môi trường xanh, che chắn sóng gió, mang lại sức sống cho đảo còn là những “Cột mốc chủ quyền xanh”. Đó là: cây bàng vuông 8 nhánh (hơn 100 năm tuổi ở đảo Nam Yết), cây mù u (hơn 300 năm tuổi ở đảo Nam Yết), cây phong ba (hơn 100 năm tuổi ở đảo Song Tử Tây) và cây mù u (hơn 100 năm tuổi trên đảo Sơn Ca). Những loài cây này đặc biệt thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng ở quần đảo Trường Sa, quanh năm tươi tốt.

 

--------------

(*): Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay

 

Cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa – thơ Đ.X.T

 

Cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa

Dẫu chưa đến nhưng lòng tôi đã đến

Từ đỉnh núi Hùng nhìn về phía biển

Cột mốc chủ quyền như cột Đá Thề đây

Sừng sững hiên ngang lồng lộng gió trời mây

Cắm vào biển, tạc lên trời kiêu hãnh

Cờ Tổ quốc, ngôi sao vàng lấp lánh

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư”

Biển trời này xương máu của ông cha

Tự thuở Lạc Long Quân dẫn con đi mở nước

Những Mai An Tiêm hiền lành chất phác

Như quả dưa lòng đỏ một lời thề

Biển nơi đây là chốn đi về

Của ngư dân những người con nước Việt

Đáp sóng gió bão giông cả kẻ thù rình rập

Biển của ta - mỗi ngư dân một cột mốc chủ quyền

Ra đảo rồi em thoải mái làm duyên

Bên cột mốc chủ quyền đứng chụp hình tạo dáng

Tựa vào lịch sử cha ông để thăng hoa cất cánh

Đẹp vô cùng! Đất nước nơi đầu sóng! Em cười!

Lời thề cha ông nguyện giữ em ơi!

Từ đỉnh núi Hùng đến Trường Sa bất diệt

Khắc ở trong tim vững như bàn thạch

Độc lập Tự do! Thiêng liêng Tổ quốc tôi!

 

LẠC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek