Thời gian gần đây, tình trạng người cao tuổi điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông có dấu hiệu tăng cao. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc mất an toàn khi để người cao tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Các ngành chức năng khuyến cáo, gia đình, người thân không nên để người cao tuổi tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi tình hình sức khỏe không đảm bảo. (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: NAM KHÁNH |
Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra
Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người cao tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Đơn cử là vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TP Tuy Hòa làm 2 người chết. Vào 9 giờ 20 ngày 29/5, tại khu phố 3, phường 4, TP Tuy Hòa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa ô tô 78A-096.50 do ông P.N.M, 70 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa điều khiển lưu hành theo hướng Tây - Đông va chạm với mô tô 78H4-0930 do ông N.N, 86 tuổi điều khiển, chở bà C.T.M.H, 82 tuổi, lưu hành hướng Bắc - Nam. Hậu quả, ông N và bà H chết tại chỗ.
Trước đó, lúc 6 giờ 50 ngày 16/1, tại Km1265+100 quốc lộ 1, đoạn qua thôn Hòa Mỹ, xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người cao tuổi điều khiển phương tiện giao thông. Thời điểm này, ô tô tải 77C-166.51 do ông T.T.H, 44 tuổi điều khiển lưu hành hướng Nam - Bắc đã xảy ra va chạm với mô tô 78D1-434.38 do ông N.S, 87 tuổi, trú thôn Trung Trinh, xã Xuân Phương, TX Sông Cầu điều khiển, lưu hành cùng chiều. Vụ tai nạn xảy ra khi ông N.S đi phía trước, đang rẽ trái qua đường thì xảy ra tai nạn, làm ông S chết tại chỗ.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến người trên 60 tuổi, làm chết 18 người, 12 người bị thương (chiếm 20,9% tổng số vụ, 24,7% số người chết và 13% số người bị thương).
Cảnh báo nhiều nguy cơ
Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ không quy định tuổi tối đa đối với người điều khiển mô tô, xe máy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện đi lại. Tuy nhiên, trong điều kiện cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế, việc để người cao tuổi điều khiển phương tiện giao thông tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất ATGT.
Về lâu dài, Chính phủ cần sớm xây dựng những tiêu chuẩn sức khỏe cho người lái xe cao tuổi phù hợp với tình hình thực tế; nghiên cứu bổ sung quy định độ tuổi tối đa được điều khiển đối với tất cả các loại phương tiện giao thông. |
Cụ thể, đối với người cao tuổi, sức khỏe không đảm bảo, kỹ năng xử lý tình huống hạn chế, khả năng cơ bản (gồm thể lực và trí lực) giảm sút nhanh, nhất là các bộ phận như mắt, thần kinh, cơ xương khớp... Thêm vào đó, người cao tuổi còn hay mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiền đình, huyết áp... ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt nói chung và khả năng điều khiển xe nói riêng. Tình trạng mắt mờ chân chậm sẽ dẫn tới thiếu quan sát, không xử lý kịp các tình huống bất ngờ... dẫn đến va chạm với người, phương tiện khác, gây tổn thất nặng nề cho gia đình, xã hội.
Vì vậy, người cao tuổi cần phải biết tình trạng sức khỏe của bản thân; chủ động không trực tiếp điều khiển phương tiện nếu sức khỏe không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, gia đình, người thân và cả cộng đồng cần quan tâm chia sẻ, hỗ trợ, ngăn ngừa không để người cao tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông nếu sức khỏe không tốt, góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác.
Về lâu dài, Chính phủ cần sớm xây dựng những tiêu chuẩn sức khỏe cho người lái xe cao tuổi phù hợp với tình hình thực tế; nghiên cứu bổ sung quy định độ tuổi tối đa được điều khiển đối với tất cả các loại phương tiện giao thông.
Thiếu tá NGUYỄN PHƯƠNG VIÊN
Đội trưởng đội Tuyên truyền, PC08 Công an tỉnh