Những năm gần đây, không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra do người chưa đủ tuổi thành niên điều khiển. Cha mẹ phải chịu trách nhiệm pháp lý khi giao xe cho con khi con chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Phú Yên tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh ở Phú Hòa. Ảnh: CTV |
Hành vi vi phạm pháp luật
Hiện nay, tình trạng học sinh đi mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi, chưa đủ điều kiện diễn ra khá phổ biến. Tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh vào giờ đến trường hay tan học, không ít học sinh điều khiển xe máy, mô tô không đội mũ bảo hiểm, không có gương chiếu hậu, nhiều em còn điều khiển xe với tốc độ cao, lạng lách gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông… Mặc dù thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT được lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức, nhưng tình trạng học sinh vi phạm các quy định về trật tự ATGT vẫn ở mức cao, đặc biệt là tình trạng điều khiển các loại phương tiện tham giao thông khi chưa đủ tuổi.
Trong năm 2023, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 312 trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT, xử phạt 194 triệu đồng, phạt cảnh cáo 51 trường hợp, tạm giữ 251 mô tô, xe gắn máy. Trong đó có 251/312 trường hợp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông. Qua đó, lực lượng chức năng đã gửi thông báo các trường hợp học sinh vi phạm đến nhà trường để có hình thức xử lý, nhắc nhở, giáo dục.
Ông Nguyễn Văn Nam ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) cho hay: “Bây giờ ra đường thấy tụi nhỏ phóng xe máy nhanh, vượt ẩu, có đứa còn không đội mũ bảo hiểm, tôi ngán ngại vô cùng. Tôi nghĩ cha mẹ cần quan tâm, nhắc nhở con cái mình nhiều hơn, không thể giao cho con đi xe máy khi chưa đủ tuổi. Điều này không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho con mình và người tham gia giao thông, mà đó còn là hành vi vi phạm pháp luật”.
Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện gây ra. Điển hình như vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra hồi tháng 6/2023 tại đường bê tông khu phố Định Thắng 1, thị trấn Phú Hòa, em T.N.H (13 tuổi, trú xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa), mặc dù chưa đủ tuổi nhưng vẫn lén gia đình lấy mô tô chở 3 người, điều khiển xe chạy với tốc độ cao, do không chú ý quan sát đã tự gây tai nạn, làm 1 người ngồi sau tử vong.
Đây không chỉ là bài học của riêng H mà còn dành cho các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là cần quản lý, nhắc nhở con không điều khiển xe tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện để tránh xảy ra điều đáng tiếc.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Trung tá Nguyễn Ngọc Cường, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân, đặc biệt là học sinh, thanh thiếu niên, thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát và nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm; lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT khu vực cổng trường và huấn luyện các kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; xây dựng các mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, “Văn hóa giao thông trong trường học”…
Đơn vị cũng đã tổ chức tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT tại 152 trường học với 117.187 lượt học sinh, sinh viên, giáo viên, công nhân viên các trường tham dự; đồng thời tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật trật tự ATGT; hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, Công an tỉnh đã tổ chức cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về trật tự ATGT năm 2023 bằng hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến trên Trang thông tin điện tử Công an tỉnh để học sinh, sinh viên toàn tỉnh tham gia; đăng tải các tin, bài đăng lên các trang mạng xã hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung này… Qua đó giúp học sinh hiểu rõ các quy định pháp luật về trật tự ATGT, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
“Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, điều mà chúng tôi mong muốn là các bậc phụ huynh hiểu được sự nguy hiểm của việc để con em mình chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe mà điều khiển xe. Phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên nhắc nhở các em về những mối nguy hiểm tai nạn giao thông có thể xảy ra để tránh những hậu quả khôn lường đối với tương lai của con em, gia đình và toàn xã hội”, trung tá Nguyễn Ngọc Cường nhấn mạnh.
Việc người lớn giao xe cho người chưa đủ tuổi thành niên điều khiển, tùy theo mức độ hành vi, hậu quả xảy ra, người giao xe ngoài việc có thể phải bồi thường dân sự còn bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cha mẹ giao xe hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự như mô tô tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng; đối với ô tô thì phạt tiền từ 4-6 triệu đồng.
Còn theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì cha, mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển, gây thiệt hại cho người khác: gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, thiệt hại về tài sản, hoặc làm chết người… có thể bị phạt tiền hoặc bị phạt tù cao nhất đến 7 năm tù.
Luật sư Trần Hải Lâm, Văn phòng luật sư Dân Tín (TP Tuy Hòa) |
NGỌC QUỲNH