Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) ngay từ những tháng đầu năm 2023. Nhờ vậy, tai nạn giao thông (TNGT) cả nước đã giảm mạnh đối với 2 tiêu chí về số vụ và số người chết.
Tinh thần “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong những năm tiếp theo.
Nỗ lực đẩy lùi tai nạn giao thông
Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2023, các ngành chức năng đã đẩy mạnh các hoạt động kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT. Tiêu biểu, Bộ Công an triển khai cùng lúc 5 nhóm chuyên đề: nồng độ cồn, ma túy; quản lý phương tiện vận tải; chở hàng quá khổ, quá tải; tốc độ và sử dụng giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện. Bộ GT-VT cũng triển khai 8 nội dung thanh tra, kiểm tra về các lĩnh vực liên quan đến bảo đảm TTATGT. Các chuyên đề trên được triển khai quyết liệt, “không có vùng cấm” nên đã phát huy được hiệu quả tích cực.
Kết quả, năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý trên 3,4 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền hơn 6.576 tỉ đồng. Bộ GT-VT cũng xử phạt hơn 38.000 vụ vi phạm với số tiền trên 189 tỉ đồng.
Đặc biệt, chuyên đề tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải hành khách và ô tô vận tải hàng hóa bằng container trên toàn quốc đã giúp tình hình TNGT liên quan đến ô tô vận tải hành khách giảm mạnh trên cả ba tiêu chí: giảm 34% số vụ, 18,4% số người chết và 47,8% số người bị thương.
TNGT liên quan đến ô tô vận tải hàng hóa bằng container cũng giảm hơn 42,5% số vụ, giảm 50% số người chết và giảm 21,4% số người bị thương. Các chỉ tiêu về TNGT của cả nước đã giảm mạnh về số vụ và số người chết. Đặc biệt, tại 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, TNGT đều giảm sâu.
Năm 2023, tỉnh Thừa Thiên - Huế được ghi nhận là một trong những điểm sáng về giảm TNGT trên cả ba tiêu chí của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Trong năm 2023, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các lực lượng chức năng mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm TTATGT. Địa phương cũng quy trách nhiệm, điều chuyển công tác những cán bộ cảnh sát giao thông để xảy ra tình trạng TNGT trên địa bàn tăng cao.
Thừa Thiên - Huế cũng đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống điện chiếu sáng và xử lý các vị trí điểm đen, điểm mất ATGT; lắp đặt hệ thống camera để giám sát, phạt nguội… nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT.
Tăng cường các giải pháp
Theo Ban ATGT tỉnh, ngay từ đầu năm 2023, Phú Yên đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT trên toàn địa bàn. Cụ thể, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 38.810 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 43,6 tỉ đồng, tăng 52% so với năm 2022. Lực lượng thanh tra giao thông cũng xử lý 323 trường hợp với số tiền gần 873 triệu đồng. Mặc dù vậy, tình hình TTATGT trên địa bàn vẫn diễn biến rất phức tạp; TNGT tăng cả ba tiêu chí.
Để thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT, Ban ATGT tỉnh yêu cầu các đơn vị quyết liệt triển khai kế hoạch Năm An toàn giao thông 2024 với chủ đề: “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn.
Ban ATGT tỉnh cũng yêu cầu lực lượng chức năng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT; xử lý các hành vi tiêu cực trong công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe; xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT…
Trong năm 2024, Bộ Công an cũng chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, xử lý vi phạm TTATGT. Đặc biệt, Bộ Công an đã xác định 2 nhóm vi phạm có nguy cơ gây TNGT cao là hành vi cơi nới thành thùng phương tiện để chở hàng quá tải trọng và nhóm vi phạm nồng độ cồn. Do đó, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông xử lý quyết liệt 2 nhóm hành vi này nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cũng như những bước đột phá trong công tác đảm bảo TTATGT.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác TTATGT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ GT-VT, Bộ Công an cần ứng xử nghiêm khắc hơn, không để xảy ra tình trạng gửi gắm trong xử lý vi phạm TTATGT. Các bộ, ngành cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác theo dõi, phát hiện và xử lý vi phạm TTATGT; tăng cường phạt nguội để nâng cao tính răn đe, minh bạch với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn kỹ thuật đối với phương tiện giao thông; tiếp tục nâng cao chất lượng và an toàn với các hoạt động kinh doanh vận tải… nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT trên cả ba tiêu chí trong năm 2024.
Trong năm 2024, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, xử lý vi phạm TTATGT. Đặc biệt, Bộ Công an đã xác định 2 nhóm vi phạm có nguy cơ gây TNGT cao là hành vi cơi nới thành thùng phương tiện để chở hàng quá tải trọng và nhóm vi phạm nồng độ cồn. |
NGÔ XUÂN