Với mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) do uống rượu, bia, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đang triển khai chuyên đề kiểm tra người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn trên diện rộng.
Trong năm 2023, hoạt động này sẽ được triển khai thường xuyên, liên tục và không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tuần tra, xử lý xuyên suốt
Theo Phòng CSGT Công an tỉnh, từ ngày 15/2-15/3, tổ công tác của Cục CSGT (Bộ Công an) triển khai đợt cao điểm xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trong đó tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng rượu bia, chất kích thích khi lái xe. Theo đó, mỗi ngày lực lượng CSGT duy trì trên dưới 40 ca tuần tra, xử lý về nồng độ cồn, tập trung ở các khu vực gần các nhà hàng, quán ăn. Các vị trí chốt chặn cũng thay đổi thường xuyên và kết hợp giữa kiểm tra công khai với hóa trang khi xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Tại TP Tuy Hòa, từ dịp cao điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, các chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (CSGT-TT) Công an TP Tuy Hòa vẫn thường xuyên duy trì các tổ kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Trung tá Trương Chí Thông, Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an TP Tuy Hòa, cho biết: Trong dịp cao điểm này, các cán bộ chiến sĩ đã làm việc liên tục, xuyên suốt, nhằm tập trung xử lý dứt điểm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy. Từ tết Nguyên đán đến nay, đơn vị đã xử lý 266 lượt người vi phạm quy định về nồng độ cồn; trong đó có 23 ô tô con, 3 ô tô tải, bán tải, 239 mô tô và 1 xe máy điện. Đặc biệt, có 3 trường hợp người lái ô tô và 51 trường hợp người lái mô tô có nồng độ cồn vượt 0,4 miligam/1 lít khí thở, bị xử lý với mức phạt cao nhất là 35 triệu đồng (đối với ô tô) và 7 triệu đồng (đối với xe gắn máy).
Thượng tá Võ Hùng Tường, Trưởng phòng CSGT, cho biết: Trong năm 2022, lực lượng CSGT đã tổ chức 5.400 ca tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý 2.265 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Năm 2023, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo tăng cường hơn nữa việc xử lý hành vi vi phạm về nồng độ cồn. Riêng trong đợt cao điểm từ 15/2 đến nay, đơn vị đã xử lý 548 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, xử phạt số tiền trên 2 tỉ đồng.
Không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Theo Phòng CSGT Công an tỉnh, hành vi điều khiển xe sau khi đã uống rượu bia là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ TNGT. Vụ TNGT nghiêm trọng trên đường Độc Lập vào tối mùng 1 tết và vụ TNGT trên đường Lê Duẩn - Phan Lưu Thanh (phường 7, TP Tuy Hòa) vào tối 11/2 khiến hai người chết đều có nguyên nhân do người lái xe đã uống rượu bia. Do vậy, để kéo giảm TNGT, việc kiên quyết xử lý đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn là rất cần thiết. Rất nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia đã bị xử lý với mức phạt cao nhất. Ví như vụ khuya 5/3, trên đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Yên, TX Sông Cầu, Đội CSGT-TT, Công an TX Sông Cầu phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với ông L.N.C đang lái xe nhưng trong hơi thở có nồng độ cồn. Qua kiểm tra, nồng độ cồn trong hơi thở của ông C đạt 0,459 miligam/1 lít khí thở nên bị xử phạt vi phạm hành chính 35 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Trong quá trình các đơn vị tuần tra, xử lý, các trường hợp có thái độ không hợp tác, chống đối đều được các cán bộ, chiến sĩ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ xử lý thỏa đáng. Tiêu biểu, ngày 7/3, Công an huyện Đồng Xuân yêu cầu dừng xe và kiểm tra nồng độ cồn đối với anh Đ.N.T.L, nhưng anh L có thái độ không hợp tác. Sau khi làm việc, Công an huyện Đồng Xuân đã xử phạt anh L 7 triệu đồng vì hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn. Ngoài ra, anh L còn bị phạt thêm 1,8 triệu đồng vì các hành vi không có giấy phép lái xe, không mang giấy đăng ký xe và xe không có gương chiếu hậu bên trái.
Đại tá Nguyễn Thái Hoàng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Thông điệp Đã uống rượu bia thì không lái xe được phát động từ rất nhiều năm nay. Tuy nhiên, trên thực tế hành vi vi phạm nồng độ cồn vẫn chưa giảm. Nhiều người vẫn có tâm lý đối phó, né tránh lực lượng kiểm tra hoặc tìm cách can thiệp, nhờ trợ giúp… Tuy nhiên, Bộ Công an đã chỉ đạo rất quyết liệt: không cả nể, bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm nồng độ cồn. Các trường hợp cả nể, cố tình bao che vi phạm sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc. Riêng với các trường hợp chống đối, không hợp tác, lực lượng chức năng sẽ tuyên truyền, giải thích, sau đó sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xử lý thỏa đáng, quyết liệt.
Quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT nói chung, vi phạm về nồng độ cồn nói riêng, tất cả các cán bộ, chiến sĩ được quán triệt tinh thần thượng tôn pháp luật và không chịu sự tác động của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Các trường hợp cả nể, cố tình bao che vi phạm sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc.
Đại tá Nguyễn Thái Hoàng, Phó Giám đốc Công an tỉnh |
NGÔ XUÂN