Hỏi: Cháu năm nay 15 tuổi, gần đây trên da tay thường xuất hiện các vết thâm không đau, ngứa ít, sau một thời gian tự mất, nhưng thỉnh thoảng lại xuất hiện chỗ khác. Có phải đó là bệnh ung thư máu, cháu có cần làm xét nghiệm gì không, thưa bác sĩ?
Nguyễn Thị Châu Giang (Phường 8, TP Tuy Hòa)
Ảnh minh họa: Internet |
Trả lời:
Nhiều khả năng là cháu chỉ bị bệnh sạm da, một bệnh thường xảy ra ở phụ nữ. Biểu hiện bằng những dát màu nâu đậm ở hai má, trán và vùng nhân trung. Dát này có giới hạn rất rõ. Bệnh thường xảy ra trong thời kỳ mang thai hay ở giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh. Ngoài ra, bệnh còn có thể xảy ra ở những giai đoạn có thay đổi nội tiết tố khác như dậy thì. Phụ nữ uống thuốc ngừa thai cũng có thể bị sạm da. Tuy nhiên, bệnh có thể xuất hiện không liên quan đến những yếu tố trên và đôi khi cũng có ở nam giới.Cho đến nay, y học vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh sạm da. Theo một số chuyên gia, yếu tố di truyền và tác dụng của ánh nắng mặt trời là những yếu tố quan trọng chắc chắn ảnh hưởng đến sự xuất hiện của bệnh. Có hai loại sạm da:
- Sạm da lan tỏa: rải rác nhiều nơi hoặc toàn thân. Loại sạm da này thường có liên quan đến các bệnh nội tiết, thần kinh như rối loạn chức năng gan, thận, tuyến yên.
- Sạm da khu trú từng vùng: nối thành từng đám màu nâu sẫm, hoặc đen kèm theo cảm giác ngứa. Nguyên nhân chủ yếu do dị ứng hóa chất hoặc cảm ứng với ánh nắng.
Để đề phòng bị sạm da hoặc làm cho vết sạm bớt sậm màu bằng cách khi đi ra đường hoặc làm việc ngoài trời nắng cần đội nón rộng vành, mang khẩu trang, găng tay hay dùng kem chống nắng.
Dùng kem trắng da cần chú ý những điều sau: các loại kem tẩy nám thường chứa chất tẩy trắng (trong đó chất chủ yếu là hydroquinone) và kem chống nắng. Sau khi dùng kem tẩy nám, đầu tiên da sẽ đỏ sau đó sậm dần thành màu đen và tróc đi sau khoảng một tuần. Tác dụng của kem tùy thuộc nguyên nhân sinh bệnh. Nếu sạm da do ánh nắng mặt trời, kết quả điều trị sẽ rất tốt nếu biết bảo vệ da mặt kỹ sau khi da đã trắng.
Ở phụ nữ mang thai, sạm da thường biến mất khoảng vài tháng sau khi sinh. Nếu sạm da do uống thuốc ngừa thai thì phải nhiều năm sau khi ngừng uống thuốc, vết sạm mới mất hết. Nếu sạm da do bệnh ở buồng trứng hay rối loạn nội tiết ở nữ, kết quả trắng da chỉ tạm thời và có thể tái phát.
Cháu có thể đi khám, xét nghiệm thêm các bệnh cơ bản về máu, gan. Nếu không có bệnh lý gì khác, thì trường hợp của cháu có thể chỉ do ảnh hưởng thay đổi sinh lý ở tuổi dậy thì, không phải lo lắng nhiều; cần ăn uống cân bằng dinh dưỡng, hạn chế ánh nắng trực tiếp là đủ.
BS ĐOÀN VĂN HẢI