Hiện nay, một số hộ dân trên địa bàn tỉnh, nhất là trên địa bàn TP Tuy Hòa tự phát nuôi chim yến, gây tiếng ồn và có nguy cơ phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân trong vùng. Đề nghị sớm có quy hoạch vùng nuôi chim yến để theo dõi, quản lý.
* Sở NN-PTNT trả lời:
Chim yến được biết đến như một loài chim hoang dã thường sống trên các vách đá cheo leo và các hang động tại các vùng ven biển và hải đảo. Một số loài chim yến tiết ra nước dãi để làm tổ được con người khai thác, chế biến trở thành một sản phẩm bổ dưỡng có giá trị dinh dưỡng cao.
Theo các nghiên cứu khoa học, chỉ có chim yến Hàng Aerodrainus là có thể làm tổ trong nhà nuôi; cùng với loài chim yến đảo cho sản phẩm tổ yến có thể sử dụng được cho con người với tên gọi là yến sào. Nghề nuôi chim yến bằng hình thức thương mại được hình thành khi người ta xây dựng nhà dẫn dụ chim yến về làm tổ để khai thác tổ yến.
Tỉnh ta có đồng lúa Tuy Hòa khá rộng, có sông Đà Rằng nước chảy quanh năm, đây là nguồn thức ăn chủ yếu cho chim yến Hàng như: rầy, các loại côn trùng bay… trong thiên nhiên; nghề nuôi chim yến mang lại nhiều lợi ích về kinh tế như: tạo việc làm và nguồn thu đáng kể. Thống kê sơ bộ, Phú Yên có khoảng 65 hộ nuôi chim yến, quy mô đàn ước tính hơn 22.700 con chim yến.
Hiện nay về quản lý nuôi chim yến theo Thông tư 35 của Bộ NN-PTNT “Quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến” (gọi tắt Thông tư 35), trong đó (i) chủ cơ sở đã nuôi chim yến phải khai báo theo mẫu gửi về Phòng NN-PTNT hoặc Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố nơi có cơ sở nuôi chim yến; (ii) cường độ âm thanh dẫn dụ không vượt quá 70 đề xi ben trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 21 giờ đêm và không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau; (iii) thực hiện quy định về vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh; (iv) đối với các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở nuôi chim yến kể từ thời điểm Thông tư 35 có hiệu lực phải phù hợp với quy hoạch hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện. Chi cục Thú y (đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT) đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và các trạm thú y thường xuyên theo dõi, giám sát, hướng dẫn chủ cơ sở thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, kiểm tra, giám sát tình hình sức khỏe của chim yến, nếu phát hiện chim yến bệnh, chết bất thường phải báo ngay cho cơ quan thú y để phối hợp xử lý kịp thời… Đến nay, ngành Thú y vẫn chưa phát hiện tình trạng chim yến mắc bệnh.
Về đề nghị sớm có quy hoạch vùng nuôi chim yến để theo dõi, quản lý như ý kiến của cử tri nêu, đến nay, Bộ NN-PTNT chưa có quy hoạch chung về nuôi chim yến để làm cơ sở khoa học và thực tiễn nên đến nay Sở NN-PTNT chưa đủ điều kiện về định hướng chung và cơ sở khoa học đặc thù, đề xuất trình UBND tỉnh chủ trương lập quy hoạch và phát triển bền vững vùng nuôi chim yến. Tuy nhiên, được biết, Sở KH-CN đã chủ trì đề tài khoa học “Về phục hồi, phát triển, quản lý và bảo vệ quần thể chim yến Hàng tại các hang đảo vùng ven biển tỉnh Phú Yên” và đang lập dự án Quy hoạch nuôi chim yến tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
PHẠM THÙY (thực hiện)