Thứ Sáu, 04/10/2024 19:52 CH
Giời leo
Thứ Hai, 03/11/2014 10:00 SA

Hỏi: Sau một đêm ngủ dậy, tự nhiên tôi thấy nóng rát ở một bên ngực, vài ngày sau nổi bọng nước gây đau, nhức khó chịu. Mọi người nói là tôi bị giời leo. Tôi đã đắp đậu xanh giã nhưng chưa thấy đỡ. Giời là loại sâu gì vậy, làm sao tránh để không bị mắc lại?

 

Lê Thị Yến (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa)

 

Trả lời: Giời leo là một bệnh khá phổ biến. Đa số đều không hiểu, hôm qua mình ngủ như thế nào để “giời” leo bò qua người! Nhưng thực tế giời leo là một bệnh do vi rút có tên là Herpes simplex gây nên. Vi rút thường sẵn có trong cơ thể của 70 đến 90% người bình thường, nhưng không gây bệnh. Khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch (do dùng thuốc ức chế miễn dịch, suy nhược, người già hoặc bị nhiễm một loại vi rút khác…) thì vi rút thừa cơ gây bệnh.

 

Nhiễm Herpes simplex thường xuất hiện ở vùng niêm mạc, bán niêm mạc: môi, miệng, má. Người bệnh thường cảm thấy khó chịu ở một điểm nào đó trên da, sau đó 1 đến 2 ngày nổi mụn nước, một hoặc nhiều cái thành cụm, cảm giác ngứa, rát. Nếu không bị nhiễm trùng kèm theo thì tổn thương tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày, để lại một vết da sẫm màu. Đặc biệt có 1 loại Herpes cố định, tái phát, nghĩa là lúc nào cũng xuất hiện tại một chỗ như lần trước.

 

Ngoài ra còn có dạng tổn thương da do loài Herpes zoster. Vi rút này chỉ gây bệnh ở các tế bào thần kinh cảm giác, nên biểu hiện là tổn thương vùng da dọc đường đi của dây thần kinh, thường ở một bên thân mình. Da đỏ, đau kiểu rát bỏng, sau vài ngày xuất hiện mụn nước trên nền da đỏ. Mụn nước trong, nếu bị bội nhiễm sẽ bị đục thành mủ. Toàn thân có thể có sốt nhẹ, mệt mỏi.

 

Nếu không bị bội nhiễm, tổn thương cũng tự khỏi sau 2 đến 3 tuần. Ở người già, khu vực bị tổn thương có thể bị rát, buốt kéo dài nhiều tháng, nhất là khi thay đổi thời tiết. Rát buốt ở sâu, còn bề mặt da lại giảm cảm giác.

 

Viêm da bọng nước do côn trùng (kiến khoang, sâu róm…) cũng có kiểu tổn thương như Herpes, dễ nhầm lẫn, nên người bệnh cũng cần được bác sĩ khám, hướng dẫn, điều trị phù hợp.

 

Điều trị cơ bản, bạn cần giữ sạch vùng tổn thương, tránh bị bội nhiễm làm lan rộng vết loét; có thể uống vài ngày thuốc giảm đau. Nếu bọng nước không vỡ, người bệnh bôi các thuốc làm dịu da như hồ kẽm Rivanol 1%; nếu bọng nước vỡ, chấm dung dịch Xanh Metylen 1%. Thị trường có các loại thuốc bôi, thuốc uống có hoạt chất kháng vi rút có tác dụng làm lành nhanh chóng vết thương, giảm các triệu chứng và tránh tái phát. Nên dùng theo toa bác sĩ. Nếu tổn thương ở các vùng tai, mắt nên được khám tại chuyên khoa.

 

BS ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek