Mặc dù đã có nhiều cảnh báo từ cơ quan chức năng về thủ đoạn lừa đảo cho vay, mượn tiền để kinh doanh, đáo hạn ngân hàng nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy với số tiền hàng tỉ đồng.
Cơ quan An ninh điều tra thi hành lệnh bắt tạm giam đối tượng Lê Thị Hảo. Ảnh: HOÀNG XUÂN |
Lấy tiền người sau trả cho người trước
TAND tỉnh vừa đưa ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phạm Tiểu My (SN 1989, trú phường 3, TP Tuy Hòa) án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, My vay mượn tiền của nhiều người để làm ăn, kinh doanh nhưng bị thua lỗ. Biết rõ đã mất khả năng thanh toán các khoản tiền đã vay, bản thân không có nghề nghiệp ổn định, không có hoạt động làm ăn, kinh doanh gì nên My nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của người khác để trả nợ.
Để che giấu việc bị vỡ nợ và tạo sự tin tưởng, My giới thiệu mình đang làm dịch vụ cho vay đáo hạn ngân hàng; có người thân và quen biết một số cán bộ làm tín dụng tại các ngân hàng nên biết nhiều khách hàng cần đáo hạn. Với thủ đoạn đó, My đã làm nhiều người tin tưởng, cho vay tiền, sau đó chiếm đoạt và lấy tiền của người sau trả cho người trước...
Từ tháng 7-9/2021, Nguyễn Phạm Tiểu My đã lừa đảo chiếm đoạt của 4 phụ nữ (đều trú TP Tuy Hòa) gần 20 tỉ đồng để trả nợ và tiêu xài cá nhân, sau đó bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 28/9/2023, My bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh bắt giữ khi đang lẩn trốn tại TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, vào tháng 2 và tháng 3/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã bắt tạm giam Hồ Thị Minh Hương (SN 1993) và Lê Thị Hảo (SN 1991, cùng trú xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) để điều tra về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết quả điều tra xác định, từ năm 2021-2022, với thủ đoạn mạo danh người khác, đưa ra thông tin gian dối là cần vay tiền để đáo hạn ngân hàng và làm thủ tục rút tiền tiết kiệm, Hồ Thị Minh Hương và Lê Thị Hảo đã lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều người với số tiền lớn.
Tránh xa tín dụng đen
Thiếu tá Lê Quốc Cường, điều tra viên Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh cho biết: Thực tế hiện nay, lợi dụng nhu cầu đáo hạn ngân hàng, một số đối tượng đã lừa những người có tiền nhàn rỗi và muốn cho vay với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng.
Những vụ việc xảy ra cho thấy, người vay và người cho vay có mối quan hệ quen biết hoặc từng làm ăn với nhau. Để tạo lòng tin, các đối tượng vay thường tạo vỏ bọc có cuộc sống giàu sang, kinh doanh lớn. Đối tượng cũng khoe khoang có người thân làm ở ngân hàng, quen biết nhiều người cần đáo hạn ngân hàng. Khi vay tiền, đối tượng chấp nhận chi trả khoản tiền hoa hồng cao, thậm chí sẵn sàng trả tiền lãi trước.
Tuy nhiên, sau khi huy động được số tiền lớn, các đối tượng tìm cách trì hoãn hoặc bỏ trốn khỏi địa phương. Cá biệt, một số trường hợp, người đi vay thống nhất trả lãi suất cao để đưa người cho vay phạm vào tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nên không dám tố giác hành vi lừa đảo của các đối tượng đi vay.
Để tránh sập bẫy lừa đảo dẫn đến tiền mất tật mang, mọi người hãy cảnh giác với những bánh vẽ mà đối tượng vay mượn đưa ra, thường là được hưởng lãi suất cao và thu lợi trong thời gian ngắn. Nếu có tiền nhàn rỗi, hãy đầu tư vào các tổ chức tín dụng hợp pháp. Trường hợp cho vay mượn, phải xem người vay có khả năng trả nợ hay không hoặc chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp, có hợp đồng công chứng.
Hiện nay, lực lượng công an tăng cường đấu tranh với tội phạm về tín dụng đen, cho vay lãi nặng. Do đó, người dân cần tránh xa với các hoạt động này để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo và bị xử lý về hành vi cho vay lãi nặng.
Để tránh sập bẫy lừa đảo dẫn đến tiền mất tật mang, mọi người hãy cảnh giác với những bánh vẽ mà đối tượng vay mượn đưa ra, thường là được hưởng lãi suất cao và thu lợi trong thời gian ngắn. |
ĐOÀN THY