Gọi điện thoại tự xưng là cán bộ công an, yêu cầu cung cấp thông tin làm căn cước công dân và đề nghị cài đặt ứng dụng dịch vụ công trên điện thoại sau đó chiếm quyền kiểm soát điện thoại di động, rút sạch tiền của nạn nhân có trong tài khoản ngân hàng.
Đây là thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng mà một số người dân trên địa bàn tỉnh đã sập bẫy trong thời gian gần đây.
Dẫn dụ, chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng
Cuối tháng 2 vừa qua, Công an TX Đông Hòa tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của chị T.H.N (SN 1978, trú khu phố 1, phường Hòa Vinh) về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chị N cho biết, trên đường đi làm thì bất ngờ nhận cuộc gọi từ số điện thoại 0849.814.588 của một người đàn ông tự xưng là cán bộ Công an TX Đông Hòa, yêu cầu chị cung cấp thông tin để làm định danh điện tử mức độ 3.
Dù không biết thao tác nhưng khi nghe người đàn ông nói giọng của người địa phương nên chị N tin tưởng, nhờ tài xế riêng thực hiện giúp. Sau khi kết bạn qua Zalo và được hướng dẫn cài đặt ứng dụng dịch vụ công, phát hiện điện thoại của mình bỗng hiện màn hình màu đỏ, không thể sử dụng được thì người này gọi đến yêu cầu cung cấp thông tin căn cước công dân (CCCD) và đóng phí 12.000 đồng vào Quỹ ủng hộ trẻ em.
Thấy có dấu hiệu bất thường, chị N tắt máy khởi động lại thì phát hiện tin nhắn ngân hàng của mình đã bị xóa, đăng nhập ứng dụng Smart Banking trên điện thoại không được nữa. Liên hệ với tổng đài ngân hàng thì được biết số tài khoản của chị đã bị “bốc hơi” hơn 103 triệu đồng.
Với thủ đoạn tương tự, trong sáng 29/2, chị V.T.M.H (SN 1978, trú khu phố Ninh Tịnh 1, phường 9, TP Tuy Hòa) cũng bị đối tượng lừa đảo trên không gian mạng giả danh cán bộ công an, gọi điện thoại hướng dẫn làm CCCD online, sau đó dẫn dụ, chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt 1,043 tỉ đồng.
Cần đề cao cảnh giác
Từ các vụ việc nêu trên, Công an Phú Yên khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân: Số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân, CCCD, mã OTP… cho bất kỳ ai không quen biết, kể cả người tự xưng là cán bộ cơ quan chức năng (công an, viện KSND, TAND, ngân hàng…) hoặc chưa rõ mục đích sử dụng.
Khi gặp phải trường hợp có người gọi đến tự xưng là cán bộ công an (hoặc cơ quan chức năng), yêu cầu, hướng dẫn cài đặt các ứng dụng, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID, các phần mềm ứng dụng, đường link lạ, hoặc yêu cầu chuyển tiền… phải hết sức thận trọng, tuyệt đối không làm theo, nhất là khi liên lạc qua các ứng dụng của mạng xã hội Zalo, Facebook, Messenger... bởi hiện nay, cơ quan công an không làm việc với người dân qua điện thoại hoặc mạng xã hội.
Khi cần làm việc, cơ quan công an sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc thông báo qua công an địa phương và cơ quan công an cũng không bao giờ yêu cầu người dân phải chuyển tiền vào tài khoản nhằm áp dụng các biện pháp bảo lãnh, xác minh.
Người dân cần luôn nêu cao tinh thần cảnh giác với các yêu cầu gửi thông tin cá nhân trên không gian mạng. Khi gặp phải trường hợp đối tượng gọi điện thoại giả danh là cán bộ cơ quan cảnh sát điều tra, công an thông báo cho người dân có liên quan đến vụ án đang thụ lý giải quyết rồi hướng dẫn mở tài khoản ngân hàng, yêu cầu nộp tiền vào tài khoản, cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mật khẩu đăng nhập hoặc hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản các ứng dụng định danh điện tử trên mạng xã hội…, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.
Hiện nay, cơ quan công an không làm việc với người dân qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Khi cần làm việc, cơ quan công an sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc thông báo qua công an địa phương và cơ quan công an cũng không bao giờ yêu cầu người dân phải chuyển tiền vào tài khoản nhằm áp dụng các biện pháp bảo lãnh, xác minh. |
NGUYÊN KHANG