Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, nâng cao hơn nữa nhận thức pháp luật của ngư dân là một trong những nội dung lực lượng này tiếp tục tập trung thực hiện tới đây trong Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”.
Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát cơ quan, đơn vị, thuộc quyền triển khai có hiệu quả Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”.
Từ năm 2019 đến nay, Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam và Ban Thường vụ Tỉnh, Thành ủy của 28 tỉnh, thành phố có biển đã ký kết và phối hợp triển khai có hiệu quả Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”. Theo đó, các địa phương, đơn vị đã phối hợp tổ chức 250 buổi tuyên truyền cho hơn 169.304 lượt cán bộ, nhân dân, ngư dân, cán bộ, học sinh; tuyên truyền trực tiếp cho 9.903 phương tiện với 67.716 ngư dân đang khai thác hải sản trên các vùng biển; cấp phát gần 356.884 tờ rơi các loại, 67.294 sách pháp luật, tặng 107.482 lá cờ Tổ quốc; phối hợp với các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương đưa thông tin liên quan đến các hoạt động của chương trình. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương tiến hành gọi điện tuyên truyền, nhắc nhở, phổ biến pháp luật về chống khai thác IUU cho 18.582 chủ tàu với 21.092 tàu các mất kết nối thiết bị giám sát hành trình.
Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì tổ chức 355 Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, 98 đợt công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với đồng bào dân tộc, tôn giáo”, tổ chức thành công các Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” kết hợp thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó và nhiều vật phẩm khác với tổng giá trị trên 67 tỉ đồng…
Thông qua Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, đã nâng cao tình thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho nhân dân và ngư dân. Chương trình được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và dư luận xã hội ghi nhận đánh giá cao, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên biển, đồng thời góp phần quan trọng để Cảnh sát biển Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo trung tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam, thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt các chỉ thị, nghị quyết về tăng cường lãnh đạo và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới. Xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị sơ kết Chương trình với 28 tỉnh, thành phố ven biển vào năm 2024. Chủ động phối hợp với các địa phương triển khai hiệu quả các nội dung ký kết phối hợp của chương trình.
Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam cũng đề nghị cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tích cực, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức pháp luật của ngư dân; tăng cường trao đổi thông tin, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn đóng quân, sẵn sàng các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, phòng chống các loại tội phạm vi phạm trên biển; vận động các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia đồng hành để làm tốt công tác an sinh xã hội; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về kết quả thực hiện chương trình.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp cũng cần quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác dân vận có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hiện công tác dân vận khéo; làm tốt công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tốt, cách làm hay, sáng tạo.
Theo TTXVN/Báo Tin Tức