Thứ Bảy, 21/12/2024 21:21 CH
Giúp người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng
Thứ Tư, 08/11/2023 14:00 CH

Chính quyền địa phương và lực lượng công an xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) họp bàn kế hoạch giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: XUÂN HUY

Tái hòa nhập cộng đồng là một chính sách nhân văn, đầy ý nghĩa của Đảng và Nhà nước ta đối với những người từng vi phạm pháp luật phải chấp hành hình phạt tù, tạo điều kiện để những người một thời lầm lỗi có cơ hội làm lại cuộc đời.

 

Trên chặng đường nhiều khó khăn để bắt đầu lại một cuộc sống mới, những người từng một thời lầm lỗi đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chung tay của các ban ngành, đoàn thể và người dân trên con đường hoàn lương, hướng thiện.

 

Cả xã hội cùng chung tay

 

Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 1.000 người đã chấp hành xong án phạt tù đang thuộc diện quản lý, giúp đỡ, tạo điều kiện vay vốn, đào tạo nghề để ổn định và phát triển cuộc sống.

 

Hầu hết người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương chấp hành tốt các quy định của pháp luật và địa phương nơi cư trú, cố gắng chăm lo làm ăn, lao động sản xuất để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều người còn có tư tưởng mặc cảm, tự ti, phần lớn không có công ăn việc làm ổn định, không có thu nhập nên việc bắt đầu lại cuộc sống mới gặp không ít khó khăn.

 

Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng, nhiều chính sách, mô hình đã được triển khai tại các địa phương, trở thành cầu nối giúp những người lầm lỗi hoàn lương. Công an các địa phương nghiên cứu tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng nhiều mô hình về tái hòa nhập cộng đồng, lồng ghép với việc thực hiện các mô hình bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Qua đó đã huy động được sự tham gia, chung tay vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân trong công tác giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, góp phần ngăn ngừa tái phạm tội, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường xã hội ổn định, lành mạnh, an toàn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 

Đại tá Nguyễn Thái Hoàng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án hình sự Công an tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh triển khai Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng, Nghị định 49 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Và gần đây nhất, đơn vị tham mưu UBND tỉnh triển khai Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Chúng tôi cũng đã phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ về tâm lý, trợ giúp pháp lý, làm các thủ tục về hộ khẩu, hộ tịch, cập nhật các thông tin, dữ liệu về người chấp hành xong án phạt tù để làm các thủ tục cấp căn cước công dân, định danh điện tử. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, làm tốt việc nắm tình hình nhằm đưa công tác tái hòa nhập cộng đồng ở các địa phương đi vào nề nếp, đạt hiệu quả”.

 

Hàng năm, UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù với mức hơn 100 triệu đồng/năm. UBND các địa phương cũng quan tâm chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, tổ chức tham gia giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Trong 2 năm qua, công an các địa phương, đơn vị đã hướng dẫn, bảo lãnh 7 người được vay vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi; giới thiệu, bố trí việc làm cho 130 người, đào tạo nghề cho 34 người; tư vấn về tìm kiếm việc làm, trợ giúp pháp lý gần 700 người.

 

“Công an tỉnh đang phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên triển khai thực hiện Quyết định 22 ngày 17/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là cơ hội để người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập cho bản thân và gia đình”, đại tá Nguyễn Thái Hoàng cho biết.

 

“Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng giao dịch khảo sát nhu cầu trước mắt, lập kế hoạch để khi trung ương thông báo chỉ tiêu cho vay thì sẽ triển khai kịp thời, đồng thời có kế hoạch bổ sung vốn tùy vào thực tế. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã nhận được sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các tổ chức xã hội, đoàn thể, trong đó Công an tỉnh đã phối hợp kịp thời trong việc lập danh sách, xác nhận các trường hợp đủ điều kiện vay vốn”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên cho biết thêm.

 

Lực lượng công an, các đoàn thể đến thăm hỏi, động viên anh Trịnh Chói. Ảnh: XUÂN HUY

 

Hồi sinh nhiều cuộc đời mới

 

Qua hơn 2 năm thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh trong công tác tái hòa nhập cộng đồng; từng bước xóa bỏ định kiến, kỳ thị, tạo sự đồng thuận và huy động được sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cộng đồng xã hội trong quản lý, giáo dục, hỗ trợ giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Từ đây, hàng trăm mảnh đời lầm lỗi đã được nâng bước trên con đường hoàn lương, hướng thiện, trở thành những công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội. Đặc biệt, nhiều trường hợp đã vượt lên nghịch cảnh, trở thành gương sản xuất giỏi, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở, trở thành điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giảm sâu tình hình tái phạm tội và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.

 

Điển hình như anh Lương Văn Thi (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa), sau khi chấp hành xong án phạt tù vì tội cố ý gây thương tích, nhờ sự quan tâm, động viên và tạo điều kiện từ các ban ngành, đoàn thể, anh đã xóa bỏ mặc cảm, nỗ lực vươn lên mở một xưởng mộc. Không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, anh Thi còn tạo điều kiện, hỗ trợ các thanh niên trong xã đến học nghề.

 

Tương tự, anh Trịnh Chói (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An) sau khi thi hành xong án phạt tù trở về địa phương, được chính quyền, lực lượng công an quan tâm, thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ, tạo điều kiện vay vốn để làm ăn, kinh doanh. Nhờ tinh thần lạc quan, ý chí vươn lên, trong 3 năm qua, anh Chói hợp tác với bạn bè cải tạo hơn 7ha mặt nước thành hồ nuôi cá để phục vụ nhu cầu du lịch và giải trí về sau. Ngoài ra, anh còn đồng sở hữu một vườn cây cảnh có giá trị hàng trăm triệu đồng. 

 

Công an tỉnh đang phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên triển khai thực hiện Quyết định 22 ngày 17/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là cơ hội để người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập cho bản thân và gia đình.

 

Đại tá Nguyễn Thái Hoàng, Phó Giám đốc Công an tỉnh

 

ĐOÀN THY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek