Bằng nhiều quyết tâm, nỗ lực, cùng với cả hệ thống chính trị, BĐBP tỉnh đã và đang triển khai quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các biện pháp phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU), nhằm góp phần sớm gỡ bỏ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra đối với ngành Thủy sản Việt Nam.
Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng BĐBP tỉnh, từ năm 2017 đến nay, không có tàu cá của ngư dân Phú Yên vi phạm vùng khai thác bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Nguy cơ vi phạm còn cao
Toàn tỉnh hiện có hơn 4.100 tàu cá, trong đó có 664 tàu dài từ 15m trở lên hoạt động khai thác thủy sản ở vùng khơi. Theo ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa, sau vụ 5 tàu cá của thành phố với 42 ngư dân vi phạm vùng khai thác bị nước ngoài bắt giữ, xử lý năm 2017, hầu hết chủ tàu từ 15m trở lên đều đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) vệ tinh (MOVIMA, VX1700) cho tàu cá hoạt động vùng khơi. Với thiết bị này, tàu cá dễ dàng theo dõi được hành trình giữa biển, chủ động tránh né, không để vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo các cơ quan chức năng, đến thời điểm này, 100% tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ của các địa phương trong tỉnh đều lắp đặt thiết bị GSHT. Các tàu cá này thường xuyên khai thác vùng khơi tại các ngư trường quen thuộc như Hoàng Sa, Trường Sa, nhà giàn DK1 và một số vùng biển giáp ranh... Từ hệ thống thiết bị kỹ thuật công nghệ này, BĐBP và các cơ quan chức năng đã giám sát, cảnh báo hàng ngàn trường hợp tàu cá mất kết nối với đất liền, phát hiện và kịp thời ngăn chặn hàng chục tàu cá có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài. “Riêng từ đầu năm đến nay, BĐBP đã giám sát, cảnh báo 7 tàu cá vượt ranh giới cho phép; 9 tàu cá mất kết nối GSHT trên biển 10 ngày và 266 lượt tàu cá mất kết nối GSHT trên biển dưới 10 ngày”, đại tá Nguyễn Thanh Hương, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh cho biết.
Tuy nhiên, hiện nay, lực lượng chức năng vẫn còn gặp một số khó khăn trong việc GSHT của các tàu cá, như: Tình trạng mất tín hiệu, mất kết nối vẫn thường xảy ra, trong đó nguyên nhân khách quan là do lỗi kỹ thuật, tàu cá bị thiên tai, cháy nổ… Còn nguyên nhân chủ quan là do ngư dân cố tình ngắt kết nối, sử dụng các biện pháp phá sóng thiết bị hoặc tự ý lắp đặt thiết bị không đúng vị trí quy định, tháo thiết bị, xóa dữ liệu, can thiệp làm sai lệch thông tin trên thiết bị giám sát… gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phòng ngừa khai thác IUU.
Đối với người dân, mỗi chuyến biển họ phải chi phí hàng trăm triệu đồng. Trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao, ngư trường truyền thống suy giảm, cạn kiệt nên hoạt động khai thác lợi nhuận thấp. Để bù lỗ, họ đưa tàu ra sát các vùng biển của nước ngoài hoặc thậm chí là vùng biển nước ngoài có nhiều cá để khai thác. Cũng có một bộ phận ngư dân còn nhận thức hạn chế về tác hại của IUU đối với ngành Thủy sản Việt Nam, vì lợi ích cá nhân đã cố tình vi phạm các quy định về khai thác thủy hải sản, sử dụng nhiều cách thức tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng.
Từ năm 2018 đến nay, không có tàu cá của Phú Yên bị nước ngoài bắt giữ, song vẫn còn tình trạng tàu cá mất tín hiệu, vượt ranh giới cho phép hoặc có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài còn cao. Riêng năm 2022, có 48 trường hợp/47 tàu cá vi phạm các quy định khai thác IUU, như tắt thiết bị GSHT bị BĐBP xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, BĐBP cũng lập biên bản nhắc nhở, khuyến cáo đối với 5 thuyền trưởng đã để tàu vượt ranh giới cho phép trên biển; máy chính hỏng, trong thời gian sửa chữa để tàu trôi qua ranh giới cho phép…
Tăng cường tuyên truyền
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về biển đảo, tuyên truyền pháp luật về biên giới quốc gia, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng BĐBP tỉnh tăng cường tuyên truyền về IUU; đồng thời phối hợp với Sở NN-PTNT và các địa phương rà soát, nắm chắc số tàu cá có nguy cơ cao xâm phạm vùng biển nước ngoài.
TP Tuy Hòa hiện có 332 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên thường xuyên hoạt động ở vùng khơi, chủ yếu là đánh bắt cá ngừ đại dương. Trung tá Bùi Quốc Việt, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tuy Hòa cho biết: Để bà con ngư dân chấp hành nghiêm các quy định trong khai thác đánh bắt hải sản trên biển, đơn vị thường xuyên phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh, Phòng Kinh tế, Phòng Tư pháp TP Tuy Hòa tổ chức tuyên truyền về IUU cho các chủ phương tiện tàu thuyền, thuyền trưởng, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá và ban lạch của địa phương. Trong đó, chúng tôi tập trung truyền đạt, hướng dẫn bà con ngư dân nắm bắt, hiểu rõ và thực hiện đầy đủ các quy định về IUU; khai thác đi đôi với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Thiếu tá Trần Đặng Quốc Cường, Chính trị viên Đồn Biên phòng An Hải chia sẻ: Cùng với tuyên truyền trực tiếp và thông qua các tổ tàu thuyền, tổ sản xuất an toàn trên biển..., đơn vị còn cử cán bộ xuống địa bàn tuyên truyền, cấp phát tờ rơi, tờ gấp nhằm giới thiệu, bổ sung kiến thức và hướng dẫn ngư dân nắm bắt, hiểu rõ những quy định của luật pháp quốc tế và Luật Biển Việt Nam khi tham gia đánh bắt hải sản trên biển, nhất là đánh bắt xa bờ. Từ đó, ngư dân ý thức được trách nhiệm của mình, chung tay tháo gỡ thẻ vàng của EC đưa ra với ngành Thủy sản nước ta. Đồng thời, họ là những hạt nhân tích cực trong tham gia đấu tranh với các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Theo ngư dân Phạm Văn Tâm, chủ tàu cá PY-92205TS, ở phường 6 TP Tuy Hòa, qua thiết bị GSHT vệ tinh, lực lượng BĐBP luôn theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của từng tàu cá trên biển, kịp thời trao đổi thông tin và tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện theo quy định trong khai thác hải sản. Mỗi lần xuất bến, các thuyền trưởng đều ký cam kết thực hiện các quy định IUU trong đánh bắt thủy sản và chấp hành nghiêm các quy định có liên quan đến hoạt động hành nghề đánh bắt hải sản.
Cùng với tuyên truyền trực tiếp và thông qua các tổ tàu thuyền, tổ sản xuất an toàn trên biển..., đơn vị còn cử cán bộ xuống địa bàn tuyên truyền, cấp phát tờ rơi, tờ gấp nhằm giới thiệu, bổ sung kiến thức và hướng dẫn bà con ngư dân nắm bắt, hiểu rõ những quy định của luật pháp quốc tế và Luật Biển Việt Nam khi tham gia đánh bắt hải sản trên biển, nhất là đánh bắt xa bờ.
Thiếu tá Trần Đặng Quốc Cường, Chính trị viên Đồn Biên phòng An Hải |
LẠC VIỆT