Từng nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử cùng quân và dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông tiếp tục tích cực lao động và luôn sẵn sàng lội suối, băng rừng đi tìm đồng đội. Đó là đại tá, thương binh Lưu Công Thục, quê ở Nam Định, hiện sinh sống tại TP Tuy Hòa.
Đại tá Lưu Công Thục sinh năm 1950, tại xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Tròn 17 tuổi, ông xung phong nhập ngũ vào Sư đoàn 338, đóng quân tại Thanh Hóa. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được lệnh hành quân vào Nam, bổ sung cho Sư đoàn 325B chiến đấu ở chiến trường Kon Tum. Ông bị thương trong trận đánh tại cao điểm 824, điều trị tại Quân y viện 211 (thuộc B3), đóng trên đất Campuchia. Cuối năm 1968, vết thương ổn định, ông được bổ sung về Tiểu đoàn 13 (D13), Trung đoàn 10 (Ngô Quyền) sau này là D13 của Tỉnh đội, chiến đấu trên chiến trường Phú Yên.
Những năm tháng không thể nào quên
Ở tuổi 70, đáng ra có thể tự do nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già nhưng ông Thục vẫn tận tụy với anh em đồng đội, tình thân với xóm giềng, nhất là dành nhiều tình cảm sâu đậm cho các anh hùng liệt sĩ và thân nhân của họ như là sự tri ân, biết ơn của người còn sống. |
Tuy đã 70 tuổi nhưng ông Thục trông còn khỏe, giọng nói sang sảng, tinh anh, đúng chất của một người chỉ huy chiến trận. Ông thường dùng từ “chúng tôi” để nói về ông và đồng đội. “Chú em à, tôi rất tự hào về đơn vị và đồng đội của mình, thế hệ vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Ngày đó do chiến tranh, ít được học nhưng chúng tôi có lòng tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chiến thắng và ngày mai tươi sáng của dân tộc”, ông Thục chia sẻ.
Tinh thần “Mắt ta sáng, chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi...” có thể bây giờ mọi người khó tin nhưng thời điểm đó đúng là như vậy. Vì sao ta đánh thắng Mỹ ngụy, trong khi quân họ đông hơn, trang bị vũ khí lớn hơn, hiện đại hơn ta rất nhiều lần? Đó là nhờ ta có ý chí, tinh thần và quyết tâm “cao hơn núi, dài hơn sông”, ông Thục quả quyết.
Ông Thục kể: Hành quân vượt Trường Sơn gần ba tháng, đến chiến trường Phú Yên trải qua mưa bom, bão đạn, thiếu đói, bệnh tật hoành hành; không một người lính nào không bị sốt rét; có những lúc chân run, toạc máu nhưng vẫn đi, đó là “hành quân bằng đầu”. Ông và đồng đội đã đặt chân đến mọi vùng đất Phú Yên, từ đèo Cù Mông đến đèo Cả, Vũng Rô, từ ven biển đến vùng núi Sơn Hòa, Sông Hinh. Giữa khốc liệt, thiếu thốn của chiến tranh, những người lính năm xưa vẫn một lòng sống chết bên nhau trong sự đùm bọc, che chở, thương yêu của đồng bào.
Lịch sử đã ghi, năm 1965, chiến lược Chiến tranh đặc biệt bị thất bại. Mỹ ngụy thực hiện một loại chiến tranh kiểu mới - chiến lược Chiến tranh cục bộ. Mỹ ồ ạt đưa quân vào chiến trường miền Nam với “5 mũi tên”, Phú Yên là một “mũi tên” trọng yếu. Vì thế, chiến trường Phú Yên lúc này trở nên vô cùng ác liệt. Các lực lượng ta gặp không ít khó khăn, thiếu thốn đủ bề... Bộ đội được ăn rất ít cơm, chủ yếu là rau củ kiếm được trong rừng. Hồi ký “Thủy chung cùng năm tháng” của đồng chí Nguyễn Duy Luân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, trang 304 viết: “Thời kỳ 1965-1972 là giai đoạn cam go của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên… Vượt lên tất cả đó là tấm lòng nguyên vẹn thủy chung…; là sự tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên được tôi luyện và thử thách trong chiến tranh”.
Lập nhiều chiến công
Trong bản báo cáo thành tích của D13, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, có hình ảnh của ông Lưu Công Thục trong đội hình từ người chiến sĩ nuôi quân trở thành cán bộ chỉ huy tiểu đoàn mưu trí, gan dạ. Trong suốt 8 năm trực tiếp cầm súng chiến đấu, ông đã cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công xuất sắc, góp phần tích cực vào chiến thắng to lớn của quân và dân Phú Yên mùa xuân 1975.
Hè 1971, ông Thục tham gia chiến dịch giải phóng Củng Sơn (huyện Sơn Hòa); khi lực lượng của ta rút lui, Đại đội 2 (C2) được giao nhiệm vụ bám trụ đánh địch phản kích ở ấp Bắc Lý. Ngày 19/6/1971, địch tập trung một lực lượng lớn bao vây, dùng hỏa lực bắn hủy diệt, rồi tiến công nhiều hướng, nhiều mũi vào ấp. C2 tổ chức đánh trả quyết liệt, bẻ gãy nhiều đợt tiến công. Địch gọi chi viện từ Nha Trang, Tuy Hòa; chúng dùng trực thăng đổ quân, tiếp viện bao vây. Trận chiến càng trở nên ác liệt bộ đội ta lần lượt hy sinh. Số còn lại vẫn kiên cường cơ động, bám trụ chiến đấu. Đến 16 giờ chiều, địch áp sát vào ấp Bắc Lý. C2 chỉ còn lại 4 tay súng, gồm Huy, Xóm, Sâm và Thục. Lợi dụng khi địch dừng tiến công, đêm tối 4 chiến sĩ ta gom và đưa được 14 thương binh thoát khỏi vòng vây giặc. Trận này, ông Thục tiêu diệt được 17 tên địch, được đề nghị tặng Huân chương Chiến công hạng hai nhưng ông không nhận vì thấy đồng đội hy sinh quá nhiều với 57 cán bộ, chiến sĩ.
Tháng 1/1972, D13 do ông Trần Văn Mười làm Tiểu đoàn trưởng, đóng quân ở suối Đục, Trại Cháy thuộc xã Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa. Ông Thục là trung đội phó, được giao nhiệm vụ chỉ huy tập kích địch ở đồi Đá Ong. Đơn vị ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng hai, cá nhân ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.
Ngày 27/5/1972, C2 đánh địch tại ấp Quán Cau, xã An Hiệp. Sau trận này, ông Thục được phong chuẩn úy tại trận. Ngày 2/6/1972, ông Thục cùng những đồng đội ở D13 đánh tiêu diệt gọn đại đội Nam Triều Tiên khét tiếng gian ác ở Đồng Tre. Ngày 7/8/1972, ông chỉ huy tập kích địch và chốt giữ đèo Tam Giang, xã An Cư. Ngày 20/8/1972, ông đánh địch ở đồi Mái Nhà và cơ động đánh địch ở Tân Hòa, xã An Hòa. Trận này ông được phong đại đội phó tại trận. Từ 27/1/1973 kéo dài suốt 43 ngày đêm về sau, ông là đại đội trưởng, thuộc D13, chiến đấu tại khu vực thôn Mỹ Lệ - ga Gò Mầm.
Khi Hội trường Mùa Xuân của tỉnh được khánh thành, trước Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ V (9/1973), diễn ra Đại hội thi đua công, nông, binh toàn tỉnh. Ông là đại biểu ưu tú, được lựa chọn báo cáo điển hình đầu tiên tại đại hội và được lựa chọn dự Đại hội thi đua của Quân khu 5. Nhưng do chưa trải qua học tập, ông được cấp trên cho đi học. Tốt nghiệp loại giỏi, ông xin về lại D13 tiếp tục chiến đấu.
Hè 1974, ông Thục chỉ huy C1 tham gia giải phóng Xuân Phước lần 2. Đầu năm 1975, ông chỉ huy C1 đánh địch tiêu diệt địch cứ điểm Cầu Cháy. Sau đó, ông cùng đồng đội đánh địch chi viện từ Tuy Hòa lên Mỹ Thành Đông và Phước Thành, tiêu diệt nhiều tên địch trên đường 5, góp phần làm nên chiến thắng Đường 5 lịch sử và giải phóng Phú Yên.
Sau giải phóng, ông được phân công giữ nhiều cương vị chỉ huy khác nhau, đến ngày về hưu là đại tá, phó sư đoàn trưởng. Ở cương vị nào ông cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng đội tin yêu, mến phục.
Nặng tình đồng đội
Về hưu, dẫu thương tật thỉnh thoảng tái phát, nhưng ông Thục vẫn luôn quan tâm đến công việc tìm kiếm, cất bốc và chăm lo tâm linh cho các anh hùng liệt sĩ. Ông đã bỏ ra nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm, quy tập, tham gia xây bia mộ liệt sĩ.
Ông cùng đại tá Trần Văn Mười vận động xây dựng mộ tập thể cho 57 liệt sĩ hy sinh tại ấp Bắc Lý (bây giờ là khu phố Bắc Lý, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa). Công trình được hoàn thành năm 2012, với kinh phí hơn 2 tỉ đồng. Hàng năm vào ngày 18/6, chính quyền, nhân dân địa phương và Ban liên lạc D13 tổ chức cúng giỗ liệt sĩ. Năm 2018, ông cùng các ông Phạm Trung Mạo, Châu Thanh, Đặng Phi Thưởng, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Ngô Quyền xây dựng nhà bia tưởng niệm 167 liệt sĩ hy sinh tại thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng. Cả hai ngôi mộ tập thể trên đều được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ông Thục đã dày công liên kết, tìm kiếm cất bốc được 30 hài cốt liệt sĩ, kết nối thông tin hàng trăm gia đình liệt sĩ. Đến nay, ông vẫn là địa chỉ tin cậy trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên địa bàn Phú Yên. Ông luôn sẵn sàng lội suối, băng rừng đi tìm đồng đội không kể thời gian nào. Với ông, đây như là một trách nhiệm, một nghĩa cử tình thâm của đồng chí, đồng đội.
Tháng 5/2019, ông được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen về thành tích tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ.
NGUYỄN BÁ THUYẾT