Tại làng biển Nhơn Hội (xã An Hòa, huyện Tuy An), Đồn Biên phòng An Hải vừa tổ chức chương trình Vui hè cùng trẻ em vùng biển. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng chống đuối nước trẻ em” do Ủy ban Quốc gia về trẻ em và Bộ LĐ-TB-XH phát động.
Bất chấp cái nắng nóng oi ả của những ngày đầu hè, mới 13 giờ 30, rất đông học sinh ở các làng biển Nhơn Hội, Hội Sơn… (xã An Hòa) đã có mặt tại điểm sinh hoạt văn hóa thôn Nhơn Hội để tham gia chương trình. Nhiều em còn có cha mẹ, anh chị đi cùng.
Chị Đinh Thị Lệ Thu ở thôn Hội Sơn đi cùng con gái là Lâm Đinh Hoàng Ry, cho biết: “Được tin hôm nay cán bộ chiến sĩ của Đồn Biên phòng An Hải tổ chức chương trình Vui hè cùng trẻ em vùng biển, ông xã đang mắc chuyến biển nên tôi đưa cháu đến đây tham gia. Hy vọng chương trình sẽ mang lại cho cháu niềm vui và những điều bổ ích”.
Phòng ngừa tai nạn thương tích và đuối nước
Chương trình được mở đầu bằng phần sinh hoạt văn nghệ với các ca khúc quen thuộc của thiếu nhi như Cả nhà thương nhau, Con cò bé bé, Con chim non… Đại úy Trần Đặng Quốc Cường, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng An Hải trực tiếp làm người dẫn chương trình và quản trò.
Chương trình càng sôi nổi và lôi cuốn hơn khi các bạn nhỏ xung phong lên “sân khấu” hát đơn ca để được nhận quà của ban tổ chức. Trong không khí ấy, những người lính biên phòng đã khéo léo lồng ghép truyền thông về phòng ngừa tai nạn thương tích (TNTT) đối với trẻ em cùng những hình ảnh minh họa sống động trên màn hình.
“Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 370.000 trẻ em bị TNTT. Trong các nguyên nhân tử vong do TNTT ở trẻ em thì đuối nước và tai nạn giao thông là hai nguyên nhân hàng đầu, với khoảng 3.000 trẻ em và vị thành niên tử vong mỗi năm, tương đương hơn 9 trẻ em mỗi ngày.
Tại Phú Yên, TNTT nói chung, đuối nước nói riêng cũng đang là vấn đề bức xúc, còn nhiều diễn biến phức tạp. Đã có nhiều vụ việc xảy ra, để lại nỗi đau đớn dai dẳng cho các gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội”, đại úy Trần Đặng Quốc Cường mở đầu phần thuyết trình của mình như vậy và đưa ra kết luận: TNTT gây tử vong cao ở trẻ em là do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan.
Đó là do thiếu kiến thức, bất cẩn của người lớn; môi trường sống trong cộng đồng, gia đình chưa an toàn; việc chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy chưa tốt; việc giám sát thực hiện công tác phòng ngừa TNTT của một số cơ quan, chính quyền chưa sát sao, đầu tư nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế…
Còn nguyên nhân đuối nước, chủ yếu là do trình độ nhận thức, hiểu biết của gia đình và cộng đồng về phòng ngừa đuối nước cho trẻ em còn thấp; do thiếu sự quan tâm, giám sát trẻ của gia đình; do môi trường nơi trẻ sinh sống không an toàn, nhiều nơi có ao, hồ, sông suối… nguy hiểm nhưng lại không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm…
“Đặc biệt, phần lớn trẻ em do chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về bơi lội; chưa có kinh nghiệm trong phòng ngừa tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông cũng như các loại TNTT khác nên dẫn đến nhiều trường hợp đau lòng. Nếu khắc phục được điều trên thì TNTT ở trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất”, đại úy Trần Đặng Quốc Cường nhấn mạnh.
Không chỉ tiếp nhận những kiến thức bổ ích về phòng ngừa TNTT, được sự hỗ trợ của một bạn nhỏ gia đình có điều kiện ở quận Cầu Giấy thông qua Hội Uống nước nhớ nguồn Hà Nội, các em tham gia chương trình Vui hè cùng thiếu nhi vùng biển còn được tặng áo phao và tập vở.
Em Nguyễn Văn Chung, học sinh lớp 6A của Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng bày tỏ: “Chương trình thật sự bổ ích đối với chúng em. Để phòng ngừa TNTT xảy ra, chúng em sẽ chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông, phòng ngừa đuối nước. Khi tắm biển, tắm sông phải có người lớn đi kèm và phải mặc áo phao. Trước mắt chúng em sẽ học bơi để tự bảo vệ mình…”.
“Tay kéo biên phòng”
Trong khi bên trong hội trường diễn ra hoạt động truyền thông về phòng ngừa TNTT thì ở bên ngoài, những người lính quân hàm xanh của Tổ hớt tóc “Tay kéo biên phòng” tất bật chuẩn bị đồ nghề cho hoạt động cắt tóc miễn phí. Gọi là “đồ nghề”, nhưng thực ra chỉ là mấy chiếc tông-đơ, kéo, lược, khăn choàng và mấy chiếc ghế vuông. Dưới bóng cây xanh nơi góc sân của điểm sinh hoạt văn hóa thôn Nhơn Hội, một “tiệm hớt tóc” dã chiến được hình thành chóng vánh.
Lúc đầu vì chưa biết tay nghề của những “tay kéo biên phòng” như thế nào nên đến với “tiệm hớt tóc” dã chiến này chỉ có một vài em, nhưng sau khi tận mắt chứng kiến những “tay kéo biên phòng” trổ tài, càng lúc các em đến càng đông. Các “tay kéo biên phòng” vừa cắt tóc, vừa hỏi han chuyện học hành, sinh hoạt hè của các em, tạo không khí cởi mở, gần gũi. Sự háo hức hiện rõ trên từng khuôn mặt nhiều em khi ngồi chờ đến lượt của mình để có mái tóc gọn gàng, sạch sẽ. “Ba thường xuyên đi biển, mẹ cũng thường bận rộn công việc nhà nên mấy tháng rồi con chưa cắt tóc”, em Nguyễn Hồng Phong, học sinh lớp 4 Trường tiểu học An Hòa số 2 cho biết.
Thượng úy Nguyễn Việt Đức, một trong những “tay kéo” của Đồn Biên phòng An Hải chia sẻ: “Các em học sinh ở những làng biển, nhất là con em gia đình khó khăn ít có điều kiện cắt tóc thường kỳ, nên không ít em để tóc dài, chờ đến gần khai giảng mới đi cắt tóc. Mùa hè thời tiết đang nắng nóng, để tóc quá lứa vừa thiếu thẩm mỹ lại vừa không đảm bảo vệ sinh cá nhân. Vì vậy, chi đoàn mới đề xướng việc cắt tóc miễn phí cho các em. Chúng tôi cảm thấy rất vui khi được góp chút công sức nhỏ bé của mình để mang đến niềm vui cho các em học sinh nghèo ở địa bàn đơn vị đóng quân”.
Chứng kiến những việc làm bình dị nhưng đầy tình thương và trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ BĐBP, thầy Lê Văn Chương, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học An Hòa số 2 thổ lộ: “TNTT, nhất là tai nạn đuối nước ở trẻ đã, đang là vấn đề bức xúc, được cả xã hội quan tâm. Ở vùng biển An Hòa, Tuy An những tai nạn này vẫn luôn rình rập đối với các em học sinh, nhất là trong dịp hè. Việc truyền thông để phụ huynh và học sinh hiểu được tác hại và cách phòng ngừa TNTT nói chung, tai nạn đuối nước ở trẻ nói riêng của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng An Hải là vô cùng ý nghĩa. Không chỉ có vậy, các anh còn trang bị áo phao, cắt tóc miễn phí cho các em. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao những việc làm thiết thực, đậm tính nhân văn này”.
XUÂN HIẾU