50 năm đã trôi qua kể từ ngày trận đánh đêm ngày 3 rạng ngày 4/3/1968, nhưng những gì đã diễn ra trong trận đánh đó vẫn còn rõ như in qua câu chuyện kể của cựu chiến binh 91 tuổi Nguyễn Xuân, người trực tiếp chỉ đạo Đại đội Đặc công 202 tiến công đánh vào Trung đoàn 47 và Tỉnh đường ngụy. Trận đánh thể hiện tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những chiến sĩ giải phóng quân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, trong đó có người anh hùng Lê Trung Kiên.
Vào một buổi sáng đầu xuân, đang chuẩn bị cho chuyến đi xem hội đua ngựa truyền thống ở gò Thì Thùng (mùng 9 tháng Giêng), tôi nhận được điện thoại của bác Nguyễn Xuân. Bấm nút nghe, tôi lên tiếng: - Dạ thưa bác, cháu nghe! Phía bên kia, giọng bác Xuân hơi khàn khàn: - Cháu có bận gì không? Lên chơi! Tôi dạ một tiếng rồi ra dắt xe đi liền, trong lòng vẫn còn chút luyến tiếc về chuyến đi xem hội đua ngựa ấp ủ bấy lâu nay.
Đến nhà, thấy bác Xuân đã ngồi bên bàn với ấm trà nóng mới pha, vừa rót nước vừa hỏi chuyện đầu năm mới rôm rả, tôi nói vui: - Chúc bác sống khỏe, sống vui thêm chục năm nữa! Bác cười hóm hỉnh: - Với bác bây giờ, mười năm nữa là hơn một thế kỷ đó cháu, lính bác Giáp phấn đấu theo bác Giáp. Nhưng… chẳng có đâu, hơn chín mươi rồi, sống ngày nào biết ngày đó. Bác Xuân bắt đầu trút bầu tâm sự: - Cháu à! Cứ đến những ngày đầu xuân năm mới là bác thấy chạnh lòng, buồn buồn thương nhớ anh em, đồng đội xưa. Nhất là năm nay, đã 50 năm trôi qua từ chiến dịch “Mậu Thân Sáu Tám”. Còn ít ngày nữa là đến ngày Kiên và đồng đội của bác hy sinh, trận chiến ác liệt quá, hy sinh nhiều quá. Nói đến đây, nước mắt của bác Xuân giàn giụa. Bác đưa tay run run gỡ cặp kính xuống, nhìn tôi: - Bác muốn đi thăm nơi thằng Kiên và mấy đứa đã mất, muốn đi viếng mộ, đến nhà thắp hương cho anh em đã hy sinh, nhưng già rồi đi lại khó quá, thật có lỗi… mà không biết làm sao? Tôi vô cùng xúc động, ôm lấy vai người chiến sĩ đặc công đáng kính mà rằng: - Để cháu giúp! Liền sau đó, tôi gọi điện cho đồng chí Huynh, Đại đội trưởng 202 đề nghị thủ trưởng Phòng Tham mưu cho phép một số chiến sĩ của đơn vị sang giúp bác Xuân. Được sự đồng ý của đồng chí Đỗ Quốc Đạt, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, 30 phút sau, bốn chiến sĩ Đại đội 202 đã có mặt tại nhà bác Xuân. Lúc này, bác Xuân vui vẻ hẳn lên. Bác kể tóm tắt về trận đánh mà Đại đội trưởng Lê Trung Kiên đã hy sinh.
...Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Phú Yên, ta tiếp tục tổ chức tổng tiến công đợt hai, trong Mậu Thân 1968 gọi là “T26”, đánh vào TX Tuy Hòa và các quận lỵ, chi khu. Đại đội 202 lúc này được giao nhiệm vụ phối hợp với Đại đội 3, Tiểu đoàn 85 đánh vào Trung đoàn 47 ngụy và khu Tỉnh đường. Đại đội 202 do Đại đội trưởng Lê Trung Kiên chỉ huy, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bác Nguyễn Xuân, Trưởng Ban Đặc công Tỉnh đội.
Đêm ngày 3 rạng ngày 4/3, Đại đội 202 chia thành 4 mũi xuất phát tiếp cận mục tiêu, nhưng bị địch phát hiện và nổ súng trước. Các mũi tiến công của ta đều “bị tà”, không phát triển được. Bộ đội thay phiên nhiều lần tiếp cận hàng rào, nổ gần hết bộc phá nhưng cửa mở chưa thông. Địch từ các lô cốt, hỏa điểm chống trả quyết liệt, ta hy sinh nhiều, trời đã sắp sáng. Từ vị trí chỉ huy, Đại đội trưởng Lê Trung Kiên quan sát thấy cách 50m, một lô cốt địch trên gò cao quá lợi hại, hỏa lực địch từ các lỗ châu mai bắn vào chính diện đội hình Đại đội 202. Đại đội trưởng Lê Trung Kiên hội ý chỉ huy và báo cáo trong tiếng bom đạn xin phép đồng chí Nguyễn Xuân: - Để em lên đánh sập lô cốt! Chưa kịp nghe xong chỉ thị của cấp trên, Lê Trung Kiên ôm bộc phá lao lên được khoảng 30m thì bị trúng đạn hy sinh.
- Lúc này khoảng “bốn rưỡi”, bác Xuân nói. Lúc đó, bác giao nhiệm vụ cho Chính trị viên đại đội Nguyễn Thành Út tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu. Bốn mũi tiến công của Đại đội 202 và các mũi của Tiểu đoàn 85 không làm chủ được trận đánh, lực lượng ta hy sinh và bị thương rất lớn, có mũi hy sinh không còn người nào.
Trời tản sáng, pháo địch ở gò Đá, núi Nhạn phối hợp với máy bay bắn mãnh liệt vào đội hình. Bác Xuân chỉ đạo cho Đại đội 202, lúc này còn 13 người theo bờ mương rút lui: - Cứ quan sát, dự đoán chỗ nào thưa địch là tìm cách luồn lách rút lui, quá trình rút lui phải tuyệt đối bí mật, chỉ còn ít viên đạn, ít thủ pháo và lựu đạn phòng khi bất trắc tử thủ. Về đến Quan Quang là thấy an toàn rồi, nhưng lực lượng của ta còn quá ít. Nói đến đây bác Xuân nghẹn lại... Đại đội hy sinh trên 40 người, trong đó có Đại đội trưởng Lê Trung Kiên, người đã trải qua nhiều trận chiến đấu, chỉ huy đại đội lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Cái tên 202 và Lê Trung Kiên là nỗi ám ảnh, kinh hoàng của binh lính và sĩ quan Mỹ, ngụy cũng như Nam Triều Tiên. Trong mọi trận đánh, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 202 đã nêu cao chủ nghĩa cách mạng, quyết xả thân vì sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc…
Như đã trút được một phần tâm sự, bác Xuân có vẻ như điềm tĩnh hơn: - Giờ bác cháu mình đi xem lại cái lô cốt nơi ngày xưa “anh Kiên bay” hy sinh rồi ra mộ thắp hương tưởng niệm trước ngày giỗ lần thứ 50 của anh ấy nhé. Bác thấy nhớ anh em quá!
Đã từ lâu, Đại đội 202, Lê Trung Kiên đã trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước và ý chí bất khuất trước kẻ thù của người dân Phú Yên. Đã có con đường mang tên Lê Trung Kiên, có trường học mang tên Lê Trung Kiên như là biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Xin ghi nhớ và khắc sâu mãi mãi trận chiến đấu cuối cùng của anh hùng liệt sĩ Lê Trung Kiên và đồng đội, khắc sâu công ơn trời biển của cha, anh đã đổ máu, hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.
NGUYỄN BÁ THUYẾT