Giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN) cho học sinh, sinh viên (HSSV) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm giáo dục cho HSSV lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, niềm tự hào và sự trân trọng đối với truyền thống của dân tộc. Đồng thời trang bị những kiến thức cơ bản về QP-AN và những kỹ năng quân sự cần thiết để HSSV nhận thức đầy đủ hơn quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị
Trong những năm qua, công tác GDQP-AN nói chung, GDQP-AN cho HSSV trong tỉnh nói riêng được tỉnh, các địa phương và nhà trường quan tâm hơn trước. Toàn tỉnh hiện có 41 trường học từ bậc THPT đến đại học. Trong năm 2016, 31.162 học sinh ở 33 trường THPT được học môn GDQP-AN, đạt 100% kế hoạch. Đối với sinh viên, các trường đã phối hợp với Trường Quân sự tỉnh mở 16 lớp/1.232 sinh viên, đạt 100% chỉ tiêu. Qua kiểm tra, hầu hết HSSV đều đạt yêu cầu trở lên. Riêng sinh viên bậc đại học, cao đẳng, tỉ lệ khá, giỏi chiếm 67,5%. Theo Thường trực Hội đồng GDQP-AN tỉnh, cùng với cung cấp tài liệu, giáo trình GDQP-AN theo quy định tương đối đầy đủ, năm 2016, kinh phí chi mua sắm trang thiết bị, đồ dùng học tập cho HSSV là 174 triệu đồng. Trong quá trình học thực hành, học sinh THPT được trang bị súng AK bằng chất liệu composite. Còn giáo viên giảng dạy sử dụng súng cấp 5, chủ yếu mượn tại Cơ quan Quân sự các huyện, thị xã, thành phố. Sinh viên học môn GDQP-AN được Cục Dân vệ trang bị thêm 300 khẩu AK hoán cải vô hiệu hóa và được mượn quân phục theo quy định. 100% giáo viên GDQP-AN được cấp trang phục thống nhất. Mô hình phục vụ giảng dạy và dụng cụ luyện tập đảm bảo tương đối so với quy định chung, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho giáo viên và HSSV trong dạy và học. Tại Trường Quân sự tỉnh và 9 trường trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã được trang bị máy bắn laser…
Theo cựu sinh viên Khoa Kỹ thuật hạ tầng đô thị Trường đại học Xây dựng Miền Trung Dương Tấn Thanh, học môn DGQP-AN, ngoài việc được trang bị các kiến thức, kỹ năng quân sự, sinh viên còn trực tiếp được rèn luyện, trải nghiệm trong môi trường quân sự. Đây là điều kiện, cơ sở quan trọng để sinh viên hình thành tính tổ chức, kỷ luật, đảm bảo phát triển toàn diện.
Đại tá Nguyễn Văn Điệp, Chính ủy Trường Quân sự tỉnh, cho biết: “Để không ngừng nâng cao chất lượng GDQP-AN cho HSSV, Ban Giám hiệu nhà trường đã quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị định của Chính phủ về QP-AN, thường xuyên bám sát chỉ đạo của cấp trên để xây dựng nội dung, chương trình, đề cương môn học đúng quy định, sát với tình hình thực tiễn; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy môn học GDQP-AN cho sinh viên. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu đã chủ động khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, sự thiếu hụt về đội ngũ giảng viên nên chất lượng GDQP-AN cho sinh viên luôn đảm bảo tốt mục tiêu đề ra”.
Nâng chất lượng giáo viên, khuyến khích vai trò tích cực của HSSV
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, do nhiều nguyên nhân, nên công tác GDQP-AN cho HSSV ở một số trường vẫn còn những hạn chế, đặc biệt là khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Vì số lượng HSSV lớn, trong khi số giáo viên chuyên ngành GDQP-AN còn thiếu, phần lớn chỉ qua bồi dưỡng ngắn hạn nên khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện môn học, nhất là các nội dung thực hành. Theo Hội đồng GDQP-AN tỉnh, để đáp ứng nhu cầu dạy môn GDQP-AN trong các trường THPT trên địa bàn tỉnh hiện cần 143 giáo viên chuyên trách, nhưng trong biên chế mới chỉ có 109 giáo viên. Tương tự, ở bậc cao đẳng, đại học, trung cấp chuyên nghiệp - dạy nghề cần 18 giáo viên nhưng còn thiếu 2. Mặt khác, đối tượng HSSV tuy hùng hậu, có sức khỏe, trình độ học vấn, có tiềm năng sáng tạo, khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học kỹ thuật hiện đại nhưng do tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm sống và trải nghiệm thực tiễn còn ít, nhận thức chưa đầy đủ nên việc học môn GDQP-AN ở một bộ phận HSSV còn mang tính đối phó, động cơ, trách nhiệm trong học tập chưa cao.
Để nâng cao chất lượng GDQP-AN cho HSSV, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác này, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp. Trước hết cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đây vừa là mục tiêu, vừa là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng giảng dạy môn học GDQP-AN cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, tỉnh nên ưu tiên tiếp nhận các sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy được đào tạo chuyên ngành GDQP-AN về giảng dạy ở các trường. Đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên này; tăng cường duy trì các hoạt động dự giờ, bình giảng, hội giảng để đội ngũ giáo viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy. Do đặc thù môn học GDQP-AN thường “khô cứng”, người học dễ nhàm chán, nên cùng với việc cập nhật kịp thời, bổ sung sự phát triển mới của nhiệm vụ QP-AN, bảo vệ Tổ quốc vào nội dung giảng dạy, cần đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá cho giáo viên, phương pháp học của HSSV theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đối tượng HSSV và sự phát triển của nhiệm vụ QP-AN. Đồng thời đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, học liệu, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị dạy - học bộ môn GDQP-AN. Chủ động phát huy vai trò tích cực, tự giác của HSSV trong quá trình tham gia học tập môn GDQP-AN. Bởi sinh viên là chủ thể của quá trình nhận thức, trực tiếp lĩnh hội, chuyển hóa tri thức chính trị, quân sự, quốc phòng thành nhận thức, tình cảm, niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện nhiệm vụ. Kiến nghị Hội đồng GDQP-AN Quân khu 5 tham mưu Bộ Quốc phòng sớm ra quyết định thành lập Trung tâm GDQP-AN trực thuộc Trường Quân sự tỉnh.
XUÂN HIẾU