* Học viên phi công đã dũng cảm đưa máy bay tránh chỗ đông người
Đến chiều 26/8, hiện trường vụ máy bay huấn luyện của Trung đoàn Không quân 910 (Trường Sĩ quan Không quân) bị rơi tại cánh đồng thuộc phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa đã được dọn dẹp. Xác chiếc máy bay bị nạn đã được dời đi nơi khác nhưng vẫn có nhiều người dân hiếu kỳ tụ tập gần khu vực máy bay bị tai nạn.
Lực lượng chức năng dọn dẹp đoạn dải phân cách bị máy bay gặp nạn tông vỡ - Ảnh: HỒ NHƯ |
Chiều 26/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cùng Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng đã đến thăm gia đình của thượng sĩ Phạm Đức Trung vừa được Trung đoàn Không quân 910 đưa từ TP Nha Trang ra và ở tạm tại nhà khách của đơn vị này. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế đã động viên, chia sẻ nỗi mất mát, đau thương của gia đình; đồng thời trao tiền hỗ trợ của UBND tỉnh cho người thân của thượng sĩ Phạm Đức Trung. Thay mặt gia đình, cha của thượng sĩ Phạm Đức Trung - trung tá Phạm Đức Thuận, công tác tại Phòng Tham mưu Trường Sĩ quan Không quân - đã cảm ơn sự chia sẻ, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Phú Yên. |
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm trưởng đoàn đã vào Phú Yên để chỉ đạo điều tra và khắc phục hậu quả của vụ tai nạn máy bay nói trên.
Trong buổi sáng, sau khi xảy ra vụ tai nạn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Tấn Việt cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế và lãnh đạo một số cơ quan đã có mặt tại hiện trường để phối hợp giải quyết vụ việc. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, ngay khi tiếp cận hiện trường, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng nhanh chóng đưa học viên phi công gặp nạn đến bệnh viện, đồng thời phong tỏa hiện trường để thu dọn các mảnh vỡ liên quan đến thiết bị bay. Lãnh đạo tỉnh cũng trao đổi với thân nhân học viên phi công gặp nạn và các cơ quan liên quan để xác minh nguyên nhân vụ tai nạn. Đối với phần thiết bị bay còn lại, cơ quan chức năng đã đưa phương tiện cơ giới đến bốc dỡ và chuyên chở về nơi tập kết tại Trung đoàn Không quân 910. Lực lượng chức năng cũng có mặt để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giữ hiện trường, không để xảy ra các vụ tai nạn liên hoàn vì khi hạ cánh, trong máy bay vẫn còn vật liệu nổ.
Theo ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT, Phó thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, vụ tai nạn xảy ra lúc 8 giờ 30. Vào thời điểm trên, máy bay L39 số hiệu 8705 của Trung đoàn Không quân 910 do thượng sĩ Phạm Đức Trung, học viên phi công cầm lái, cất cánh từ sân bay Tuy Hòa để làm nhiệm vụ huấn luyện đã gặp nạn sau vài phút bay. Do máy bay gặp trục trặc kỹ thuật, học viên phi công Phạm Đức Trung báo cáo về trung tâm chỉ huy xin hạ cánh khẩn cấp nhưng không kịp và máy bay đã bị rơi xuống cánh đồng thuộc phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), thượng sĩ Phạm Đức Trung hy sinh. Thượng sĩ Phạm Đức Trung, sinh năm 1994, quê tỉnh Ninh Bình, sống tại Khánh Hòa, nhập ngũ vào tháng 9/2012.
Khi vụ tai nạn xảy ra, một số người dân tình cờ đi ngang qua và tham gia cứu nạn. Anh Nguyễn Trọng Vân, quê huyện Đông Hòa, cho biết: Tôi đang trên đường về nhà, khi đến đoạn đồng trống thì thấy một máy bay bay khá thấp rồi bất ngờ chao đảo và lao xuống sát quốc lộ, làm vỡ một đoạn dải phân cách rồi đâm đầu xuống ruộng. Lúc đó, máy bay không đụng người nào nhưng một cục bê tông của dải phân cách văng ra làm bị thương một người đi đường. Ngay lập tức, tôi gọi điện thoại báo cho lực lượng chức năng và cùng một số người lao xuống ruộng tìm đến chỗ máy bay rơi để cứu học viên phi công nhưng người này đã tử vong.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế (bìa phải) thăm hỏi, chia sẻ mất mát, đau thương cùng gia đình thượng sĩ Phạm Đức Trung - Ảnh: LÊ HẢO |
Ông Đặng Hùng, sinh năm 1949, trú thôn Phước Lộc 1, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, là người bị thương trong vụ tai nạn máy bay nói trên. Trưa 26/8, tại Khoa Răng - Hàm - Mặt Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông Hùng kể lại: Sáng cùng ngày, tôi đang điều khiển xe máy trên quốc lộ 1 từ thị trấn Hòa Vinh về nhà ở xã Hòa Thành thì nghe gió ù ù bên tai rất mạnh, làm bạt tay lái rồi có vật gì văng trúng khiến tôi ngã xuống đường bất tỉnh.
Bác sĩ Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho biết: Ông Hùng vào cấp cứu tại bệnh viện với một số vết thương ở vùng mặt, xây xát ở tay chân. Hiện tình trạng sức khỏe của ông Hùng ổn định.
Ông Đặng Hùng đang được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên thăm khám - Ảnh: LÊ HẢO |
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với Báo Phú Yên qua điện thoại, đại tá Phan Văn Thạnh, Chính ủy Trung đoàn Không quân 910, cho biết trước khi cất cánh, máy bay L39 số hiệu 8705 đã được kiểm tra kỹ lưỡng và đảm bảo an toàn kỹ thuật bay. Tuy nhiên, sự cố bất ngờ xảy ra. Lẽ ra, trong trường hợp này, học viên phi công Phạm Đức Trung có thể nhảy dù thoát thân nhưng anh đã rất dũng cảm khi cố gắng điều khiển chiếc máy bay gặp nạn tránh rơi vào chỗ đông người đang lưu thông trên quốc lộ 1 vào giờ cao điểm và tránh đường dây điện. Sau khi học viên phi công Phạm Đức Trung hy sinh, trung đoàn đã đưa gia đình anh ra Tuy Hòa và lo hậu sự chu đáo. Thi thể học viên phi công này sẽ được đưa về TP Nha Trang (Khánh Hòa) hỏa táng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn đến thân nhân, gia đình học viên phi công gặp nạn
Chiều 26/8, Văn phòng Chính phủ đã có công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc máy bay L39 của Quân chủng Phòng không - Không quân bị tai nạn ở Phú Yên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân, gia đình thượng sĩ Trung; đồng thời chỉ đạo Bộ Quốc phòng tập trung tổ chức điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc; tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác chỉ huy, huấn luyện, điều hành bay, đảm bảo kỹ thuật hàng không. Bộ Quốc phòng phải tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn bay, không để xảy ra vụ việc tương tự.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện tốt chế độ chính sách, thăm hỏi động viên thân nhân gia đình người bị nạn. |
LÊ HẢO - HỒ NHƯ