Thứ Hai, 20/01/2025 20:13 CH
Người anh hùng trở về từ Gạc Ma
Thứ Tư, 19/08/2015 14:00 CH

“Tôi là người lính. Dù phải chết, như anh Phương đã nói, vẫn quyết tâm bảo vệ đảo, bảo vệ cờ. Không chỉ mình tôi, đồng đội tôi và những người lính đang ngày đêm canh giữ đảo cũng luôn tâm niệm điều đó” - Người lính trở về từ Gạc Ma lý giải việc anh và đồng đội, trong tay không vũ khí, vẫn dũng cảm đương đầu với quân Trung Quốc. Bị đâm, bị bắn, anh đã quấn lá cờ vào người trước khi ngã xuống, dùng máu của mình cùng đồng đội dựng cột mốc chủ quyền.

 

Anh là thiếu tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lanh.

 

Thiếu tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lanh (giữa) cùng hai đồng đội trở về từ Gạc Ma, trong buổi họp mặt tại Phú Yên - Ảnh: H.CHƯƠNG

 

 

RA ĐI TỪ NẾP NHÀ BÊN DÒNG LONG ĐẠI

 

Khi đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, năm 1966, Nguyễn Văn Lanh cất tiếng khóc chào đời bên dòng Long Đại (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), trong một nếp nhà đông con và chật vật xoay xở với cái nghèo. Tuổi thơ đi qua trong cơ cực. Học hết lớp 7, anh ngậm ngùi rời sách bút, cầm cái cuốc cùng mạ ra đồng.

 

Tháng 8/1985, Nguyễn Văn Lanh nhập ngũ. Rồi anh được biên chế về tiểu đội công binh thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83 quân chủng Hải Quân. Tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền, cuối tháng 2/1988, đơn vị anh nhận nhiệm vụ xây dựng công trình phòng thủ trên đảo Gạc Ma - một bãi đá san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa. Nguyễn Văn Lanh - khi đó là trung sĩ, tiểu đội trưởng công binh - cùng đồng đội hăng hái lên tàu HQ 604, ra đảo…

 

Sáng 13/3/1988, từ đảo Đá Lớn, tàu HQ 604 do đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng và tàu HQ 505 do thiếu tá Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng tiến về Gạc Ma, Cô Lin. Trên hai con tàu này có hai phân đội công binh thuộc Trung đoàn 83, 4 tổ chiến đấu thuộc Lữ đoàn 146, do trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng, chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn Đo đạc và biên vẽ bản đồ thuộc Bộ Tổng tham mưu.

 

Khoảng 4 giờ chiều, tàu đến nơi, thả neo cách đảo chìm Gạc Ma chừng 500m. Một chiếc tàu của Trung Quốc đi ngang qua, chĩa loa về phía ta và nói bằng tiếng Việt: “Đây là lãnh thổ Trung Quốc (?!), lính Việt Nam phải rời khỏi ngay!”. Mặc cho những lời đe dọa của quân Trung Quốc trên chiếc tàu hiện đại, những người lính hải quân Việt Nam không hề nao núng.

 

CÙNG ĐỒNG ĐỘI DÙNG MÁU DỰNG CỘT MỐC CHỦ QUYỀN

 

Đêm hôm đó, đợi đến khi thủy triều xuống, lực lượng công binh chuyển vật liệu lên đảo rồi rút về tàu; lực lượng chiến đấu cắm cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền, đồng thời triển khai 4 tổ bảo vệ đảo.

 

Mờ sáng ngày 14/3/1988, cách Gạc Ma hơn 5 hải lý, tàu HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125 do đại úy Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng đã thả neo và cắm cờ Tổ quốc lên đảo Len Đao.

 

Tình hình mỗi lúc một căng thẳng, khi quân Trung Quốc điều thêm hai tàu trang bị pháo 100ly đến khu vực đảo Gạc Ma. Khoảng 5 giờ sáng, chúng thả 3 thuyền nhôm với 40 quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ ra lệnh sẵn sàng chiến đấu. Trên đảo, quân Trung Quốc hung hăng giật cờ của ta. Thiếu úy Trần Văn Phương lao vào giành lại cờ.

 

“Lúc đó ngoài biển sóng rất lớn. Chỉ huy thông báo phải giữ cờ, giữ đảo nên chúng tôi bơi đến đảo, tiếp sức cho anh Phương. Quân Trung Quốc ào lên, chúng tôi đánh nhau với chúng bằng xẻng, xà beng, cuốc chim… Chúng có súng AK. Anh Phương trúng đạn, hy sinh. Tôi tiến lên cắm cờ lại và đánh nhau với chúng. Tôi đá bay khẩu súng của một tên lính Trung Quốc, liền bị chúng đâm vào bả vai. Rồi tôi trúng đạn. Tôi quấn lá cờ vào người trước khi ngã xuống…” - thiếu tá Nguyễn Văn Lanh kể lại trận chiến không cân sức và đẫm máu trên đảo Gạc Ma vào buổi sáng 14/3 cách đây 27 năm. Mắt anh cồn cào sóng.

 

Điều gì đã tạo nên sức mạnh, để người lính công binh trong tay không vũ khí vẫn đương đầu với ngoại bang mà không hề nao núng? Khi cái chết chờn vờn trước mặt với vô số họng súng AK, lẽ nào nỗi sợ không dâng lên, dù chỉ một phút, một giây? Nghe tôi hỏi điều này, thiếu tá Nguyễn Văn Lanh nói rất giản dị: “Tôi không lo sợ, vì tôi là người lính. Dù phải chết, như anh Phương đã nói, vẫn quyết tâm bảo vệ đảo, bảo vệ cờ. Không chỉ mình tôi, đồng đội tôi và những người lính đang ngày đêm canh giữ đảo cũng luôn tâm niệm điều đó”.

 

Tiếng súng của quân Trung Quốc xé tan buổi sáng, tàu của chúng cũng lập tức nã đạn vào tàu HQ 604. Một quả đạn găm vô buồng máy, lửa bùng lên. Trong làn mưa đạn, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ vẫn bình tĩnh chỉ huy hải quân ta đánh trả cho đến khi tàu HQ 604 chìm dần. Tàu HQ 605 cũng bị bắn chìm cạnh đảo Len Đao. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Trần Đức Thông cùng một số cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hòa máu đỏ vào đại dương trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

 

Trước tình hình nguy cấp, thuyền trưởng tàu HQ 505 Vũ Huy Lễ ra lệnh lao tàu lên bãi cạn, biến chiếc tàu này thành công sự trấn giữ đảo Cô Lin.

 

Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma - Ảnh: Tư liệu

 

 

TRƯỜNG SA TRONG TIM

 

Được đồng đội cứu và đưa về đất liền, anh Nguyễn Văn Lanh mất cả năm để điều trị thương tích. Dù vậy, tay anh vẫn bị liệt trong 4 năm sau đó. Những vết đạn, cú đâm của quân Trung Quốc đã biến một thanh niên khỏe mạnh thành người mong manh gầy yếu, tỉ lệ thương tật lên đến 71%.

 

Một năm sau trận chiến trên bãi cạn Gạc Ma, Nguyễn Văn Lanh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Người trung sĩ quyết giữ cờ đến hơi thở cuối cùng ngày ấy hiện mang quân hàm thiếu tá, làm việc tại Ban Chính trị - Phòng Hậu cần Hành chính, Bộ Tư lệnh Quân Chủng Hải quân (phía Nam). Vợ anh cũng làm việc trong lực lượng hải quân.

 

Trong trái tim người anh hùng Nguyễn Văn Lanh, Gạc Ma vẫn luôn phập phồng nhịp thở. Người lính trở về từ sóng dữ biển Đông thổ lộ: “Tôi vẫn mơ thấy mình trở lại Trường Sa. Tôi mơ thấy đồng đội tôi vẫn cùng ăn cơm, làm việc chung với nhau như cách đây gần 30 năm, trước khi họ ngã xuống. Tôi nhớ các đồng đội đã hy sinh rất anh dũng, như anh Phương từng nói: Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo - phần máu thịt thiêng liêng do cha ông để lại”.

 

Tôi gặp thiếu tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lanh khi anh đến Phú Yên dự buổi họp mặt truyền thống và tưởng niệm 64 người lính hải quân đã hy sinh trong trận Gạc Ma. Lần đầu tiên, anh Nguyễn Văn Lanh gặp lại các anh Lê Hữu Thảo, Lê Minh Thoa - những đồng đội Gạc Ma - sau 27 năm máu nhuộm đỏ khu vực đảo chìm. Anh xúc động: “Tôi thấy anh em Trường Sa rất quan tâm đến đồng đội của mình. Và họ vẫn giữ được phẩm chất của người lính”.

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek