Thứ Bảy, 12/10/2024 05:18 SA
Lực lượng vũ trang Phú Yên chiến đấu và trưởng thành
Thứ Sáu, 12/06/2015 14:00 CH

Giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh bằng hình thức triển lãm - Ảnh: T.L

PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG VŨ TRANG

 

Từ hai bàn tay trắng thành lập đội tự vệ các nhà máy, các đội dân quân ở nông thôn, sau 3 tháng đã cùng nhân dân vùng lên khởi nghĩa cướp chính quyền tháng 8/1945, 9 năm tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, đánh đuổi thực dân Pháp bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Quân và dân Phú Yên đã góp phần làm nên chiến thắng chiến dịch Át Lăng, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hòa bình được lập lại, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chuẩn bị tổng tuyển cử thống nhất đất nước nhưng đế quốc Mỹ lại hất chân Pháp, can thiệp vào miền Nam, xây dựng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, dựng nên một chế độ độc tài, máy chém, nhà tù khắp miền Nam, buộc nhân dân miền Nam phải đứng lên đấu tranh.

 

Tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết 15, xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là: “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến” và khẳng định con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là con đường khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

 

Nghị quyết 15 là ngọn đuốc soi đường mở ra một thời kỳ của cách mạng miền Nam như một luồng gió mới thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng đã từ lâu âm ỉ trong lòng nhân dân.

 

Tháng 11/1959, tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trên cơ sở đó đề ra nghị quyết của tỉnh. Trong đó nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh nhà (chuyển từ thế đấu tranh chính trị giữ gìn và bảo tồn lực lượng, sang thế cách mạng tiến công).

 

Tháng 10/1959, đoàn cán bộ tập kết từ miền Bắc trở về đến Phú Yên gồm 32 đồng chí là cán bộ quân đội và dân chính đảng, mỗi đồng chí mang về một khẩu súng tiểu liên; một súng ngắn; 2kg thuốc nổ TNT. Đây là lực lượng nòng cốt để phát triển lực lượng vũ trang và xây dựng phong trào cách mạng cho tỉnh.

 

Tháng 12/1959, tại buôn Ma Đao (miền Tây), trung đội vũ trang của tỉnh được thành lập đặt tên B95; quân số được 33 đồng chí, trang bị 1 súng tiểu liên, 1 súng trường, 1 súng ngắn còn lại là cung, ná dân tộc. Sau khi thành lập, trung đội xuống hoạt động ở huyện Sơn Hòa, tổ chức đánh đồn Trà Kê đã giành thắng lợi, thu 25 súng các loại và hàng nghìn viên đạn, cùng toàn bộ quân trang quân dụng, trận đánh Trà Kê giành thắng lợi, chỉ ra sự đúng đắn của nghị quyết Tỉnh ủy là phải xây dựng lực lượng vũ trang, phải đánh tiêu diệt để làm đòn bẩy cho việc đấu tranh chính trị.

 

Đầu năm 1960, trên cơ sở đội vũ trang B95 làm nòng cốt, vận động thanh niên bổ sung thành 3 đội vũ trang (3 trung đội) lúc này thanh niên thoát ly nhiều, nên tỉnh thành lập Trường Quân sự ở Lạc Đạo để huấn luyện tân binh bổ sung cho các đơn vị của tỉnh.

 

Nhưng khó khăn của tỉnh lúc này là thiếu lương thực và vũ khí trang bị nên chủ trương của ta là đưa các đội công tác xuống hoạt động vùng giáp ranh để vận động lương thực và đánh địch lấy vũ khí trang bị, mặt khác vận động cơ sở mua vũ khí của địch để trang bị cho các đội vũ trang tổ chức chiến đấu ngày càng có hiệu suất cao.

 

Ngày 14/8/1960, quân khu quyết định thành lập Ban Quân sự tỉnh do đồng chí Phạm Phải làm Trưởng ban dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy (đây là tiền thân của Tỉnh đội Phú Yên trong chống Mỹ).

 

KHÍ THẾ TIẾN CÔNG

 

Đầu năm 1960, trung đội vũ trang đã diệt tên ác ôn Thống Cường ở xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, sau đó Tuy Hòa 1 hoạt động mạnh, diệt tên Nguyễn Y mật vụ, quận Hiếu Xương, tên Nguyễn Ân ác ôn ở thôn Phước Giang, xã Hòa Xuân, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị, phong trào quần chúng nổi dậy cướp chính quyền ở các thôn, buôn rầm rộ.

 

Điển hình là ngày 22/12/1960, xã Hòa Thịnh đã được lực lượng vũ trang hỗ trợ quần chúng nổi dậy cướp chính quyền cấp xã. Sau đồng khởi xã Hòa Thịnh có hàng trăm thanh niên thoát ly tham gia cách mạng, được đưa về Trường Quân sự tỉnh huấn luyện bổ sung cho các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh, thành lập các đại đội tập trung của tỉnh (Đại đội 375) tổ chức chiến đấu ở Phước Lãnh, Cây Du, Đá Chét... giành thắng lợi giòn giã, tạo khí thế cách mạng trong quần chúng nhân dân. Các huyện thành lập trung đội vũ trang, diệt ác hỗ trợ phong trào.

 

Tháng 7/1961, quân khu bổ sung về cho tỉnh một khung cán bộ đại đội có 46 đồng chí, thành lập Đại đội 220 của tỉnh do đồng chí Hải làm Đại đội trưởng; đồng chí Mẹo làm chính trị viên. Đại đội được phân công về hoạt động ở phía tây huyện Tuy An, sau thời gian củng cố thì lực lượng vũ trang của tỉnh đã phục kích tại dốc Đá Bàn, tiêu diệt một Đại đội Cộng hòa từ Ngân Điền hành quân ra xã Sơn Xuân.

 

Huyện Tuy Hòa 1 thành lập Đại đội 377 để hoạt động hướng Tuy Hòa 1.

 

Tháng 8/1961, quân khu quyết định thành lập Ban Chỉ huy Tỉnh đội Phú Yên, để chỉ huy lực lượng vũ trang của tỉnh do đồng chí Nguyễn Lầu (Dũng) làm Tỉnh đội trưởng, thành lập 3 cơ quan: tham mưu, chính trị, hậu cần để phục vụ việc chỉ huy lãnh đạo của tỉnh (cơ quan tham mưu do đồng chí Tài Nhuệ (Yên) làm tham mưu trưởng; cơ quan chính trị do đồng chí Lê Vấn làm chủ nhiệm; cơ quan hậu cần do đồng chí Nam Ty làm chủ nhiệm).

 

Tỉnh đội Phú Yên ra đời, đánh dấu bước trưởng thành và phát triển mới của lực lượng vũ trang tỉnh nhà, đáp ứng yêu cầu tác chiến tập trung, hỗ trợ đắc lực cho phong trào chiến tranh du kích và đấu tranh chính trị, Tỉnh đội Phú Yên được giao nhiệm vụ tập kích quận lỵ Củng Sơn để giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nhưng Luật sư về Tuy Hòa, đây là trận tập kích quận lỵ đầu tiên ở miền Nam.

 

Tháng 8/1961, quân khu tăng cường cho tỉnh Tiểu đoàn 30 (U30) do đồng chí Trần Chiến Lược làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Đức Ri làm chính trị viên, tiểu đoàn phối hợp tác chiến trên 3 huyện Đồng Xuân, Sông Cầu, Tuy An, giải phóng một vùng rộng lớn từ Xuân Lãnh đến Xuân Quang, huyện Đồng Xuân; An Xuân, An Lĩnh, huyện Tuy An; Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa.

 

Ngày 20/2/1963, tỉnh thành lập Đại đội Đặc công lấy phiên hiệu Đại đội 202, quân số 85 đồng chí (G14), thành lập Trung đội Trinh sát (G18).

 

Đến tháng 6/1962, ban chỉ huy các huyện đội được thành lập, hệ thống chỉ huy từ tỉnh xuống huyện được hình thành, nhưng các đơn vị phục vụ còn thiếu, trở ngại cho việc chỉ huy, chỉ đạo chiến đấu, cũng trong thời gian này, tỉnh thành lập Đại trợ chiến lấy phiên hiệu 167, quân số 116 đồng chí.

 

Tháng 3/1963, quân khu điều Tiểu đoàn 30 vào hoạt động ở Khánh Hòa. Bổ sung cho tỉnh một khung cán bộ tiểu đoàn do đồng chí Bá làm Tiểu đoàn trưởng; đồng chí Nguyễn Trắc làm chính trị viên.

 

Ban chỉ huy Quân sự tỉnh tiến hành điều động các đại đội 375, 220, 377 và Đại đội trợ chiến thành lập Tiểu đoàn bộ binh lấy phiên hiệu 85, quân số 499 đồng chí.

 

Lực lượng vũ trang tỉnh đã hình thành nhiều đơn vị, những vũ khí thiếu thốn, tỉnh Phú Yên đề nghị được Trung ương chi viện vũ khí theo đường biển. Đầu năm 1964, Tỉnh đội tổ chức một đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ bến gọi là K66, quân số 45 đồng chí.

 

Nhờ có vũ khí được chi viện nên chiến trường Phú Yên hoạt động mạnh, vùng giải phóng của tỉnh được mở rộng, các huyện đều thành lập: 1 đại đội bộ binh, 1 đại đội đặc công có các tiểu đội Trinh sát, Thông tin, Công binh và các Khẩu đội Cối để đánh địch.

 

Chấp hành mệnh lệnh của quân khu, tỉnh điều Đại đội 377 của Tiểu đoàn 85 bổ sung cho Tỉnh đội Khánh Hòa, động viên thanh niên thành lập lại Đại đội 3, bổ sung cho tiểu đoàn đủ quân số.

 

Tháng 9/1965, Phân khu Nam điều động Trung đoàn 10 (Ngô Quyền) về hoạt động ở chiến trường Phú Yên, chuẩn bị giải phóng tỉnh Phú Yên.

 

Do yêu cầu đảm bảo phục vụ tác chiến, quy mô hoạt động rộng, khẩn trương, tỉnh quyết định thành lập mỗi huyện một bệnh xá: Tỉnh thành lập bệnh viện lấy tên “Trúc Bạch”; Tỉnh đội thành lập một bệnh viện lấy tên “Hồ Tây”, một đội phẫu thuật để phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

 

Để có vũ khí cho các đơn vị chiến đấu, Tỉnh đội thành lập xưởng quân giới lấy phiên hiệu 200, chuyên sản xuất lựu đạn chày và mìn các loại để phục vụ cho bộ đội chiến đấu, chông sắt để phục vụ cho du kích bố phòng đánh địch.

 

Cuối năm 1965, quân khu điều Tiểu đoàn 30 từ Khánh Hòa ra phối hợp với Trung đoàn 10 phục kích tiêu diệt chiếm Đoàn 47 của ngụy trên trục quốc lộ 1A từ An Chấn ra An Hiệp (huyện Tuy An) là trận đánh cơ giới quy mô lớn, giành thắng lợi giòn giã, làm chủ trên trục quốc lộ 1A ở chiến trường Phú Yên.

 

Đầu năm 1966, quân khu tăng cường cho Phú Yên Trung đoàn 20 (Hưng Đạo) trực thuộc Phân khu Nam để đánh quân Mỹ đổ bộ vào Phú Yên (riêng chiến trường Phú Yên có 12 tiểu đoàn Mỹ, 6 tiểu đoàn Nam Triều Tiên). Chúng mở chiến dịch Van-Bua-Ren.

 

Hai trung đoàn chủ lực và bộ đội địa phương Phú Yên chiến đấu kiên cường với Mỹ - chư hầu làm thất bại cái gọi là chiến dịch 5 mũi tên của Mỹ ở chiến trường Phú Yên và ở miền Nam nói chung.

 

Năm 1968 là đỉnh cao của Chiến tranh cục bộ, Phú Yên còn lại một Trung đoàn 10 chủ lực (Ngô Quyền) lực lượng vũ trang Phú Yên sau 2 năm 1966-1967 tác chiến với Mỹ - chư hầu đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu với một lực lượng địch có hỏa lực mạnh, phương tiện kỹ thuật hiện đại nhưng lực lượng vũ trang tỉnh đã có nhiều kinh nghiệm về tổ chức chỉ huy. Hiểu rõ hơn bản chất của quân đội Mỹ, dựa vào sức mạnh vũ khí, phương tiện kỹ thuật, tinh thần bạc nhược, tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa. Từ phân tích tình hình trên, Bộ Chính trị quyết định tổng tiến công nổi dậy vào mùa xuân 1968 đánh vào hầu hết các thành phố và các căn cứ quân sự của Mỹ và chư hầu, làm cho chúng sa lầy thất bại thảm hại buộc chúng ngồi vào đàm phán ở Pari.

 

XỨNG DANH ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

 

Đến tháng 6/1969, quân khu điều động Trung đoàn 10 vào hoạt động miền Đông Nam Bộ, để lại Tiểu đoàn 13 và Đại đội Công binh 19, Đại đội Đặc công 25 bổ sung cho tỉnh. Tiểu đoàn 30 chuyển thành Tiểu đoàn Đặc công 14, hoạt động ở miền đông Tuy Hòa 1; quân khu bổ sung cho Phú Yên một tiểu đoàn tân binh (Tiểu đoàn 11, quân số 210 đồng chí) sáp nhập với Tiểu đoàn 85 thành Tiểu đoàn 96.

 

Tháng 2/1970, quân khu bổ sung cho tỉnh một tiểu đoàn bộ binh của Sư đoàn 3 từ Bình Định vào do đồng chí Vinh làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Tâm làm Chính trị viên, quân số 301 đồng chí, lấy phiên hiệu Tiểu đoàn 9.

 

Như vậy đến tháng 3/1970, lực lượng vũ trang tỉnh gồm: 3 tiểu đoàn bộ binh (13, 96, 9); một tiểu đoàn đặc công (14), 4 đại đội đặc công (202, 201, 25, 24), một đại đội trợ chiến (167), 4 đại đội công binh (F50-19-K65-K76), Đại đội Trinh sát 21, Đại đội Thông tin 18; Đại đội Phòng không 22, Đại đội 23 vận tải.

 

Đến chiến dịch hè năm 1972, tỉnh thành lập Tiểu đoàn trợ chiến lấy phiên hiệu 189.

 

Nhìn lại chặng đường chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang tỉnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ đội vũ trang năm 1958 tiến hành diệt ác ôn, hỗ trợ phong trào, rồi thành lập Trung đội vũ trang, tiến hành tập kích tiêu diệt đồn dân vệ ở Trà Kê. Khi thành lập đại đội thì diệt gọn Đại đội Cộng hòa ở Đá Bàn năm 1961, Đại đội Biệt kích ở vùng 2, xã An Xuân, huyện Tuy An, tập kích vào quận lỵ Củng Sơn để giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, diệt gọn Đại đội Bảo An ở cứ điểm Núi Miếu, Hòa Quang, huyện Phú Hòa.

 

Khi thành lập tiểu đoàn thì tiến hành tập kích cụm cứ điểm Khu Dồn ở Phú Cần, huyện Tuy An, tập kích tiêu diệt Tiểu đoàn Biệt động ở Núi Sầm, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tiêu diệt cụm địch ở cứ điểm Sơn Trà, An Dân, huyện Tuy An, buộc chiến đoàn 47 ngụy đi giải tỏa để Trung đoàn 10 tiêu diệt hàng trăm xe quân sự.

 

Khi quân Mỹ ồ ạt đổ vào Phú Yên, lực lượng vũ trang Phú Yên tập kích tiêu diệt ngay khi chúng mới đứng chân ở Cù Mông, huyện Sông Cầu; Hòn Đình, huyện Tuy An; tập kích, diệt Nam Triều Tiên ở cứ điểm Đồi Ông Trợ, xã An Định, huyện Tuy An.

 

Cùng với chiến trường miền Nam, xuân Mậu Thân 1968 đánh chiếm TX Tuy Hòa, trụ bám đánh địch giữa ban ngày trong thành phố bao vây đánh diệt đại đội biệt kích trung tâm Xuân Phước giải phóng xã Xuân Phước, năm 1975 tấn công tiêu diệt cứ điểm Núi Tranh ở Tuy Hòa 2; Cầu Cháy, Hòn Sặc ở Tuy Hòa 1; chặn đánh cánh quân Tây Nguyên rút theo đường 7, đường 5, diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, tạo thuận lợi cho giải phóng Phú Yên ngày 1/4/1975, góp phần cùng quân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

 

70 năm qua, các lực lượng vũ trang của tỉnh vừa xây dựng, vừa chiến đấu, từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, tự lực cánh sinh, chịu đựng gian khổ, biết dựa vào dân, gắn bó với nhân dân, được nhân dân thương yêu, đùm bọc, nuôi dưỡng, che chở, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lực lượng vũ trang của tỉnh chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, làm nên những chiến công hiển hách, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, lực lượng vũ trang tỉnh vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên.

 

Lực lượng vũ trang Phú Yên mãi mãi xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên.

 

Đại tá TRẦN VĂN MƯỜI

Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek