Ðoàn kết là một truyền thống quý báu của Ðảng và dân tộc ta. Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là nhiệm vụ hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới, CNH-HĐH đất nước trong thời kỳ hội nhập, phát triển.
Quang cảnh hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13 và sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: HÀ MY |
Đoàn kết - Sức mạnh tạo nên thành công
Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho muôn đời sau, nội dung đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong công tác xây dựng Đảng là vấn đề đoàn kết, thống nhất. Đây không chỉ là vấn đề sinh tử của từng tổ chức đảng các cấp, mà còn là sinh mệnh của toàn Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng Việt Nam. Đây chính là nhân tố quan trọng nhất đảm bảo cho Đảng thực sự vững mạnh, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành thắng lợi sứ mệnh lịch sử lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta”, “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo Nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Theo Người, đoàn kết của những người cộng sản khác về chất với đoàn kết theo kiểu phe nhóm, phường hội. Người từng căn dặn, sức mạnh của Ðảng là ở sự đoàn kết nhất trí, những người cộng sản liên kết chặt chẽ với nhau để “một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc”.
Quán triệt tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những đại hội đảng gần đây, vấn đề đoàn kết đã trở thành một chủ đề lớn. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định vị trí quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực và nguồn lực quan trọng và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với Phú Yên, Đảng bộ tỉnh luôn xác định phát huy truyền thống đoàn kết gắn với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là yếu tố cốt lõi và nền tảng để tạo nên sức mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Từ tỉnh đến cơ sở đều xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên và lâu dài để đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của trung ương; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ, nêu cao vai trò gương mẫu, đi đầu nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh và sự đồng thuận của Nhân dân trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai quyết liệt, nghiêm túc; kinh tế - xã hội chịu nhiều thách thức nhưng có mặt phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; bộ mặt nông thôn, miền núi, đô thị có nhiều đổi mới; chất lượng cuộc sống của Nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên.
Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng
Tại các hội nghị, cuộc họp của tỉnh, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn nhắn nhủ các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhiều lần đề nghị các cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị cần xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất, đặt lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc, của Đảng lên trên hết. Cán bộ, đảng viên phải năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung.
Thăm và làm việc tại tỉnh Phú Yên vào tháng 11/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất. Đồng chí Chủ tịch nước nhấn mạnh: Tỉnh Phú Yên cần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng trên cơ sở tôn trọng vàgiữvững nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc đoàn kết mà không có dân chủ là đoàn kết “xuôi chiều”, đoàn kết mà không lắng nghe các ý kiến khác nhau là đoàn kết “một chiều”.
Theo đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, để giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết, các cấp, ngành cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải dựa trên cơ sở nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, mục tiêu, lý tưởng của Đảng, yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, trên tình thương yêu đồng chí, đồng đội, chứ không phải đoàn kết theo kiểu hình thức, xuôi chiều, nể nang, “dĩ hòa vi quý”. Trên cơ sở nhận thức đúng, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ tự điều chỉnh và tu dưỡng, rèn luyện cho phù hợp với yêu cầu chung; gắn mình với tập thể, phấn đấu vì lợi ích chung. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, giữ gìn Đảng trong sạch. Từng tổ chức, từng cá nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, có như vậy mới quy tụ được sức mạnh tập thể, giải tỏa được mọi vướng mắc và mới đi đến hành động thống nhất.
Mặt khác, các tổ chức đảng phải tiếp tục đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt. Phê bình phải trung thực, thẳng thắn, chân thành, rõ ưu điểm và nhược điểm, không né tránh nhưng cũng không lợi dụng phê bình để đả kích, hạ bệ lẫn nhau; đồng thời phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm, coi đó là hai mặt của một quá trình tu dưỡng, phấn đấu của người cán bộ, đảng viên, tạo nền tảng vững chắc cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Cùng với đó, các cấp, ngành cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong tổ chức Đảng và trong các cơ quan, đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời biểu hiện mất đoàn kết trong Đảng.
“Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đoàn kết trong Đảng là cơ sở, nền tảng vững chắc để xây dựng khối đoàn kết trong Nhân dân. Đảng đoàn kết, dân tộc đoàn kết và sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân tạo nên sức mạnh vĩ đại để dân tộc ta vượt qua muôn vàn thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù để đi tới thắng lợi”, đồng chí Phạm Đại Dương nhấn mạnh.
HÀ MY