Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13 kết hợp sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp đột phá, căn cơ để Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghị quyết đại hội đạt kết quả cao nhất trong nửa cuối nhiệm kỳ 2020-2025. Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến tại hội nghị.
ĐỒNG CHÍ CAO THỊ HÒA AN, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH: Thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp
Qua nửa nhiệm kỳ, có 3 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII thực hiện còn thấp, khả năng không đạt kế hoạch, gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP; mức giảm tỉ lệ hộ nghèo; số bác sĩ/vạn dân. Song, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất sẽ không thay đổi các chỉ tiêu này, thẳng thắn đối diện với những điều chưa làm được; đồng thời rút kinh nghiệm để nghị quyết đại hội nhiệm kỳ sắp tới có giải pháp khả thi hơn.
Để hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, cùng với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trên tất cả các lĩnh vực đã xác định trong báo cáo của Tỉnh ủy sơ kết giữa nhiệm kỳ, tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Đó là tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp về xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng; phấn đấu hằng năm có từ 90% tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Cùng với đó, các cấp ủy chủ động lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Các cấp ủy, chính quyền cần tập trung lãnh đạo thực hiện các giải pháp mạnh mẽ nhằm phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu nghị quyết đại hội trong nửa đầu nhiệm kỳ đang đạt thấp.
ĐỒNG CHÍ ĐẶNG LÊ TIẾN, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ, CHỦ NHIỆM ỦY BAN KIỂM TRA TỈNH ỦY: Siết chặt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng sẽ tập trung thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tham mưu cho cấp ủy, thường trực hoàn thành chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa; đồng thời quan tâm hơn nữa đến công tác hậu kiểm. Thời gian qua, khi tổ chức giám sát, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy các kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa được các cấp ủy, cơ quan, đơn vị tập trung đề ra kế hoạch thực hiện, khắc phục quyết liệt.
Cùng với đó, các cấp ủy đảng cần đặc biệt quan tâm giải quyết tình hình đơn thư để chuẩn bị cho đại hội sắp tới; rà soát, kiểm tra, đánh giá lại các công việc đã làm; tập trung quan tâm đến các vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội đang quan tâm trên các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm như: đất đai, khoáng sản, tài chính, đầu tư, tổ chức cán bộ...; đồng thời quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ ủy ban kiểm tra các cấp trách nhiệm, dày về đức, mạnh về bản lĩnh, vững về chuyên môn.
ÔNG TRƯƠNG NGỌC TUẤN, TỈNH ỦY VIÊN, GIÁM ĐỐC SỞ NỘI VỤ PHÚ YÊN: Tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là 1 trong 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá được Tỉnh ủy xác định tập trung lãnh đạo thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025. Mục tiêu của tỉnh đề ra là chỉ số cải cách hành chính đến năm 2025 nằm top 30 cả nước. Tuy nhiên, qua nửa nhiệm kỳ, kết quả thực hiện cải cách hành chính chưa hiệu quả.
Thời gian gian tới, toàn hệ thống chính trị và Nhân dân phải vào cuộc đồng bộ, quyết tâm chính trị cao, tập trung thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cơ quan, đơn vị mình để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả cao nhất. Các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính.
Cùng với đó, từ tỉnh đến cơ sở phải dành nguồn lực đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, con người, đặc biệt đầu tư đồng bộ, đầy đủ về máy móc, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác cải cách hành chính; minh bạch hóa các thủ tục hành chính gắn với trách nhiệm trong từng khâu.
ÔNG CAO ĐÌNH HUY, TỈNH ỦY VIÊN, PHÓ BÍ THƯ THÀNH ỦY, CHỦ TỊCH UBND TP TUY HÒA: Gỡ khó đưa TP Tuy Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 18/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng, nâng cấp TP Tuy Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh Phú Yên vào năm 2025, đến nay, thành phố đạt được 53/63 tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh với 71,5/75 điểm. Đối với 10 tiêu chí chưa đạt được, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm hoàn thành. TP Tuy Hòa đã xây dựng lộ trình cụ thể cho từng tiêu chí, đôn đốc các tiểu ban tập trung thực hiện.
Hiện nay, 2 khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, đó là đồ án quy hoạch chung của tỉnh chưa được phê duyệt, nên ảnh hưởng đến tiến độ và các thủ tục của TP Tuy Hòa.
Thêm vào đó, tiêu chí về quy mô dân số, thành phố mới chỉ đáp ứng được một nửa mức quy định; cần phải có giải pháp sáp nhập, mở rộng. Chúng tôi cho rằng, điều quan trọng nhất khi nâng cấp TP Tuy Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh đó là phải nâng cao được chất lượng đô thị, chất lượng cuộc sống người dân.
ÔNG HỒ VĂN MƯỜI, TỈNH ỦY VIÊN, BÍ THƯ HUYỆN ỦY ĐỒNG XUÂN: Đo đạc lại đất để giao đất, khoán rừng cho dân
Đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Xuân đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững; chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện. Kết quả, trong nửa đầu nhiệm kỳ, diện tích trồng rừng của huyện hơn 4.875ha; nâng độ che phủ rừng lên 62,48% (tăng 0,41% so với năm 2020). Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm 50% so với giữa nhiệm kỳ trước.
Để giữ rừng và người dân sống được nhờ vào rừng, giải pháp căn cơ, lâu dài là trích kinh phí, đo đạc lại đất để giao đất, khoán rừng cho dân theo Quyết định 317, 318 năm 2023 của UBND tỉnh; trong đó quan tâm đến hộ chưa có đất sản xuất hoặc có đất sản xuất nhưng ít, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo.
Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao đời sống cho người dân, góp phần ổn định an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội.
HÀ MY (ghi)