Bài 1: Mở bến

Bài 1: Mở bến

Sau Nghị quyết 15, Bộ Chính trị quyết định mở rộng tuyến vận tải chi viện chiến lược, trước mắt phải mở đường biển chuyển vũ khí vào miền Nam. Giữa năm 1964, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu mở bến, thực hiện chi viện vũ khí cho Khu 5.

Sau Nghị quyết 15, Bộ Chính trị quyết định mở rộng tuyến vận tải chi viện chiến lược, trước mắt phải mở đường biển chuyển vũ khí vào miền Nam. Giữa năm 1964, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu mở bến, thực hiện chi viện vũ khí cho Khu 5.

tha-hoa111014.jpg

Thả hoa đăng tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Vũng Rô. - Ảnh:DƯƠNG THANH XUÂN

Đầu tháng 7 năm 1964, Bộ Tư lệnh Phân khu Nam thành lập; đồng chí Lư Giang làm Tư lệnh trưởng, đồng chí Năm Phổ là Bí thư Liên tỉnh ủy kiêm Chính ủy Phân khu; trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang 3 tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa và Đắk Lắk. Bộ Tư lệnh Phân khu phát động phong trào: “tác chiến tiêu diệt, tiêu hao thật nhiều sinh lực địch, bồi dưỡng ta, xây dựng đơn vị cơ sở vững mạnh, đi đôi với phong trào phá ấp giành dân”.

Cuối năm 1964, toàn tỉnh Phú Yên có 3987 du kích nhưng chỉ được trang bị 468 khẩu súng. Như vậy, cần thiết phải tăng cường vũ khí để tiêu diệt, tiêu hao thật nhiều sinh lực địch, phát triển lực lượng vũ trang của ta.

Trung ương và Khu ủy 5 chỉ thị Phân khu Nam, Tỉnh ủy Phú Yên chuẩn bị chọn bến bãi để tiếp nhận vũ khí Trung ương chi viện cho 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk bằng đường biển tại Phú Yên. Việc chọn bến để tiếp nhận vũ khí yêu cầu bí mật, khẩn trương, sớm chừng nào tốt chừng ấy; đồng thời báo cáo phương án tiếp nhận cho Trung ương.

Phân khu Nam, Tỉnh ủy Phú Yên nhận được chỉ thị vui mừng khôn xiết nhưng hàng loạt vấn đề đặt ra để thực hiện việc tiếp nhận vũ khí Trung ương viện trợ bằng đường biển vào tỉnh. Nhận bằng cách nào? Làm sao nhận? Tuy Phú Yên có bờ biển dài 189km, nhưng trên bờ, dưới nước, trên không địch còn kiểm soát ngày đêm; bộ binh, hải quân, tình báo, gián điệp dày đặc làm sao tàu cập bến, tàu thủy chứ đâu phải chiếc sõng câu? Chuyển hàng trăm tấn vũ khí, lực lượng đâu khuân vác, xuống hàng mấy tiếng đồng hồ cho xong, cất giấu đâu, mang đi đâu?... Làm sao giữ bí mật?

Đồng chí Trần Suyền - Ủy viên Liên Tỉnh ủy 3, nguyên Bí thư Tỉnh ủy nhận được chỉ thị lo lắng tìm phương án để giải đáp bài toán hóc búa nhằm thực hiện chỉ thị của Trung ương. Đồng chí đi Sông Cầu gặp đồng chí Xuân Diệu - Bí thư Huyện ủy Sông Cầu, đi huyện Tuy Hòa I gặp đồng chí Chín Cao (Nguyễn Duy Luân) để nắm tình hình ven biển, xác định khả năng thực hiện yêu cầu Trung ương đặt ra cho Phú Yên.

Hội nghị Ban chấp hành Đảng ủy Phân khu Nam bàn kế hoạch tổ chức thực hiện nhiều lần, xác định quyết tâm, cử người đi trực tiếp thực địa khảo sát dọc theo tuyến biển, từ Sông Cầu đến Vũng Rô để sơ bộ báo cáo cho Trung ương (Bộ Chính trị).

Điểm đầu tiên được khảo sát là thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, huyện Sông Cầu. Tại đây địa thế biển tốt, cả thôn được giải phóng, cơ sở cách mạng được xây dựng tổ chức từ sau năm 1954 đến giờ, nhân dân thuần, trong sạch, tổ chức Đảng, Đoàn tốt, địa hình như một đảo nhỏ, 3 bên đều biển, sau lưng là dãy núi cát cao che chắn, tàu nhỏ vào đậu ở bãi được. Nhưng nếu tiếp nhận ở đây thì việc vận chuyển vũ khí xa, phải qua đường quốc lộ 1A, đến vùng căn cứ Thồ Lồ trong đêm không kịp, nơi chôn giấu cất tạm hàng tiếp nhận không bảo đảm vì toàn cát trắng, nhân lực vận chuyển không nhiều, nhân lực nơi khác đến không chỗ dung trú.

Theo lời kể của đồng chí Trần Suyền, giữa năm 1964, Trung ương đã cho nhập vào bờ biển Từ Nham một tàu loại tàu gỗ đánh cá. Tàu này chỉ đưa được vào bến 1 tổ điện đài, còn vũ khí không nhận được. 1 giờ sáng thuyền đã phải trở ra.

Đoàn khảo sát tiếp tục vào khu vực Vũng Rô, Vũng Rô có nhiều ưu điểm:

Có vùng giải phóng nối liền từ Hòn Nhọn (Sông Hinh) đến Đá Bia. Có các xã Hòa Mỹ, Hòa Thịnh, Hòa Đồng, Hòa Tân, Hòa Xuân, Hòa Hiệp đã giải phóng hoặc đang tranh chấp mạnh với địch, vượt qua đường quốc lộ 1A, đường sắt, nối liền Bãi Xép, Vũng Rô. Bãi Xép là căn cứ 3 xã miền đông (Hòa Hiệp, Hòa Xuân, Hòa Vinh). Khi Mỹ - Diệm mới tiếp quản, chúng tiến hành đàn áp, khủng bố cán bộ, đảng viên. Một số cán bộ, đảng viên ở Hòa Hiệp, Hòa Xuân được gia đình và nhân dân giúp đỡ, che giấu bất hợp pháp với địch để chờ bắt liên lạc với cấp trên; chính tại đây bà con ngư dân đã dùng thuyền đánh cá chở một số cán bộ bí mật ra Quy Nhơn (Bình Định) để đi tập kết và liên lạc với Tỉnh ủy bí mật lúc còn ở Bình Định để báo cáo tình hình; từ Bình Định chở về Bãi Xép một số cán bộ để lập Huyện ủy bí mật đầu tiên ở Tuy Hòa I (năm 1955).

Vũng Rô ở ngay dưới chân núi Đá Bia. Đây là vùng biển tương đối sâu, tàu trọng tải lớn có thể cập sát bến, quanh Vũng Rô có dãy núi dài bao bọc. Bởi vậy, Vũng Rô bốn mùa lặng sóng. Dọc theo chân núi Đá Bia, viền theo mép Vũng Rô có nhiều bãi cát trắng mịn; có nhiều bãi khuất sau núi như bãi Chùa, bãi Chính, bãi Mù U… Từ Đèo Cả hoặc bót Pê-tí nhìn xuống không trông thấy.

Từ bãi Chính của Vũng Rô có một con đường mòn nhỏ lượn theo Mũi Điện (bà con quen gọi là Bãi Môn) qua Hòn Bà, Hòn Bia đến Bãi Xép. Vũng Rô nối liền với căn cứ miền đông huyện Tuy Hòa. Vũng Rô nằm gọn trong lòng xã Hòa Xuân giàu truyền thống cách mạng và ở ngay cạnh Hòa Hiệp đã được giải phóng (trừ thôn Phú Hiệp A) - đó là hai xã có phong trào du kích chiến tranh rất mạnh, khí thế cách mạng của quần chúng đang lên cao, nhiệt tình đóng góp sức người sức của vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, không ngại gian khổ hy sinh.

Phía tây Vũng Rô có dãy núi Đá Bia, nhiều cây cối che khuất kéo dài đến thôn Lạc Long xã Hòa Xuân, khu vực này có nhiều gành và gộp đá lớn có thể giấu hàng tấn vũ khí được. Có thể phân tán lực lượng dân công khuân vác, tạm trú ăn, ở dài ngày tại chỗ được.

Các thôn Lạc Long, Phước Giang (Hòa Xuân), Phú Lạc, Đa Ngư, Thọ Lâm, Lò Ba (Hòa Hiệp) đã giải phóng, đông dân; nhân dân ở đây từng tiếp tế nuôi dưỡng cán bộ hoạt động ở căn cứ miền Đông. Ở đây có Chi bộ Đảng, Chi đoàn, có trung đội du kích tập trung và tự vệ thôn mạnh; có trung đội tập trung của huyện trên 30 tay súng, được trang bị đã từng đánh địch bảo vệ căn cứ, bảo vệ các thôn giải phóng. Có trạm giao liên đặt tại đây để thường xuyên chuyển thư và cán bộ về Huyện ủy và ngược lại. Giao liên đã từng vượt qua quốc lộ, thiết lộ ban đêm, xuyên núi khi địch càn quét ban ngày để về cơ quan Huyện ủy an toàn. Tại đây có Trạm xá miền Đông, đã từng nuôi dưỡng thương bệnh binh từ 15 đến 30 người, có lúc địch càn quét đánh phá họ giấu và nuôi dưỡng hàng tháng an toàn.

Nhưng ở Vũng Rô có nhược điểm:

Cách Tỉnh đường của ngụy chỉ 10km đường chim bay, 30km đường bộ, 10km đường biển, gần cơ quan đầu não của địch, có đủ bộ máy đàn áp mạnh, đầy đủ phương tiện hiện đại để trinh sát, dò thám trên bộ, trên không, trên biển; bộ máy tình báo, gián điệp ngầm của chúng thường xuyên cài cắm trong dân ở vùng tranh chấp, vùng giải phóng, địch dễ phát hiện và đối phó ngay. Khu vực bờ biển, địch có hải quân đóng tại Nha Trang, có đội hải thuyền đóng tại Sông Cầu thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên biển. Dọc bờ, nhân dân các nơi thường xuyên đánh bắt cá trên biển cả đêm lẫn ngày, nếu ban đêm có ánh lửa, ban ngày có khói trên núi là lộ ngay .

Chọn nơi đây là tranh thủ sự bí mật bất ngờ, đột phá một cách mạo hiểm, giải quyết chuyển hàng từ tàu xuống bến rất nhanh, gọn trong đêm và tàu phải trở ra hải phận quốc tế ngay trong đêm; đêm sau chiến sĩ, dân công vượt qua quốc lộ, thiết lộ tiếp tục chuyển hết vũ khí nhận được về hậu cứ.

Với nhận định “chính những nơi mà địch cho là kiểm soát được, chúng thường chủ quan sơ hở” Phân khu Nam và Tỉnh ủy Phú Yên đã có quyết định táo bạo chọn Vũng Rô làm bến tiếp nhận vũ khí và được Trung ương chấp thuận.

(Còn nữa)

PHAN THANH

Từ khóa:

Ý kiến của bạn