Cầu ngư - lễ hội truyền thống đặc sắc ở miền biển Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)

Cầu ngư - lễ hội truyền thống đặc sắc ở miền biển Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)

Lễ hội cầu ngư là lễ cúng quan trọng nhất của các vạn chài và hầu hết làng biển làm nghề đánh bắt cá đều tổ chức lễ cầu ngư. Ngày tổ chức lễ cầu ngư có nơi lấy theo ngày Ông lụy, có nơi lấy theo ngày vua ban sắc phong, có nơi theo phong tục làm ăn mà định ngày cúng.

4. Cầu ngư - Lễ hội truyền thống đặc sắc ở miền biển Phú Yên

Lễ hội cầu ngư là lễ cúng quan trọng nhất của các vạn chài và hầu hết làng biển làm nghề đánh bắt cá đều tổ chức lễ cầu ngư. Ngày tổ chức lễ cầu ngư có nơi lấy theo ngày Ông lụy, có nơi lấy theo ngày vua ban sắc phong, có nơi theo phong tục làm ăn mà định ngày cúng. Thời gian tổ chức lễ cầu ngư thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Ở các địa phương trong tỉnh Phú Yên thời điểm tổ chức lễ cầu ngư có khác nhau. Thông thường được tổ chức 2 năm một lần hoặc 1 năm một lần (cá biệt có nơi tổ chức một năm 2 lần vào mùa xuân và mùa thu) trong các tháng từ 1,2,3,4,7,8 (âm lịch). Ví như cùng ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu nhưng lăng Ông, thôn Hòa Hiệp, hằng năm nhân dân địa phương cúng lăng Ông một lần vào ngày 12/1 (âm lịch) còn lăng Ông, thôn Vịnh Hòa, nhân dân địa phương lại cúng lăng Ông hai lần vào mùa xuân 22/2 (âm lịch) và mùa thu 22/7 (âm lịch); Lăng Nhất Tự Sơn (xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu) hằng năm tổ chức lễ cúng lăng Ông vào ngày 24/4 (âm lịch); Lăng Ông Phú Thường (thôn Phú Thường, xã An Hòa, Tuy An) hằng năm nhân dân cúng tế vào ngày 6/4 (âm lịch) và ngày 20/8 (âm lịch); Lăng Phú Câu (phường 6, thành phố Tuy Hòa) chu kỳ 2 năm tổ chức lễ cúng lăng một lần vào một trong các ngày từ 10-20/2 (âm lịch). Những năm được mùa thì Lăng Phú Câu một năm tổ chức một lần; Lăng Đông Tác (phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa) tổ chức cúng lăng một năm một lần vào ngày 8/2 (âm lịch) hoặc 12-3 (âm lịch); Lăng Ông (thôn Phú Thọ Một, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) hằng năm cúng lăng Ông vào ngày 8/5 (âm lịch); Lăng Ông (thôn Phú Thọ Ba, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) hằng năm cúng lăng Ông vào ngày 20/5 (âm lịch); Lăng Ông (thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) tổ chức lễ cúng Ông vào ngày 25/5 (âm lịch) hàng năm...

Lễ cúng Ông luôn gắn với phần hội tạo thành lễ hội cầu ngư, là hoạt động văn hóa quan trọng nhất diễn ra tại di tích lăng thờ cá voi hằng năm. Đây là một sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng - tâm linh mang tính cộng đồng rất đặc sắc. Thông qua lễ hội, những giá trị nhân văn mang nét đẹp về thuần phong mỹ tục được duy trì, các loại hình diễn xướng dân gian, nghệ thuật sân khấu truyền thống có điều kiện được bảo tồn và phát huy, tinh thần gắn kết cộng đồng được củng cố.

Lễ hội cầu ngư là sự kiện văn hóa - tín ngưỡng lớn của ngư dân miền biển Phú Yên nên được ngư dân chuẩn bị trước cả tháng trời. Dù đã được tổ chức rất nhiều lần, nhưng hàng năm trước khi tiến hành tổ chức lễ cầu ngư, đầu tiên phải họp dân làng để bàn việc đóng góp tiền để mua sắm lễ vật cúng và đãi khách; luyện tập đội chèo; mời đoàn hát; chuẩn bị văn tế thần; chuẩn bị thuyền, quần áo, mũ mão cho các đội chèo, đội lân, sắm sanh chèo, đèn, cờ, trống và lễ vật cúng như heo, hương hoa. Sau đó, tu bổ sơn vẽ lại tường, điện thờ, dọn dẹp xung quanh lăng và đường làng ngõ xóm quang quẻ, trang hoàng lăng vạn rực rỡ cờ, phướn. Để điều hành cuộc lễ, vạn chài thành lập Ban tổ chức lễ cúng gồm bộ phận hành lễ, bộ phận soạn viết văn tế, bộ phận luyện tập đội chèo bả trạo và đội siêu, bộ phận vật chất, bộ phận tu sửa lăng, làm sân khấu hát bội. Trước khi tổ chức lễ cầu ngư, vạn chài còn thực hiện các lễ thức khác như: Tắm tượng, rửa ngọc cốt. Mỗi bộ phận do một trưởng bộ phận phụ trách, song tất cả đều đặt dưới quyền giám sát chung của Vạn trưởng.

Lễ hội cầu ngư được chia thành hai phần chính. Phần lễ là những nghi thức mang ý nghĩa nhất định về sự sùng tín đối tượng thờ cúng là cá voi và bao giờ cũng là sự biểu hiện đã cách điệu hóa những nội dung làm niềm cộng cảm của ngư dân. Phần hội: Là sự tập hợp đông người trong đó có các thành viên của cộng đồng, cùng vui chơi, giải trí, cùng hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa. Qua phần hội gắn bó mọi ngư dân của vạn chài trong một niềm cộng cảm, lòng tin vào điều thiện, vào cuộc sống ngày mai được ấm no đủ đầy hơn.

Mở đầu lễ hội là lễ rước sắc. Sau đó là lễ nghinh thủy hay lễ rước hồn Ông Nam Hải và vong linh những người chết sông, chết biển về chánh điện (ban thờ âm binh, âm hồn) để cùng hưởng lộc Ông. Khi chủ tế cúng trong đền theo nghi thức cổ truyền, thì ở ngoài sân có rạp che, đoàn hát bả trạo bắt đầu hát. Hát bả trạo (bả: cầm nắm, trạo: lay động, chèo) có nguồn gốc từ hát bội. Các vai đóng giả ngư phủ được xếp theo đội hình chèo thuyền. Đội có từ 18 đến 20 người, có nơi có từ 24 đến 26 người. Ngoài tổng chèo phụ trách chung còn có tổng lái, tổng mũi, tổng khoan mặc áo thụng xanh, thắt dây lưng màu điều, đảm đương từng nhiệm vụ. Tổng chèo cầm chèo cán sơn đỏ, mái màu trắng, giữa cây chèo có vẽ vòng thái cực. Chèo lái dài cỡ 2,5m, tay cầm màu đỏ, mái màu xanh có vẽ rồng vàng, còn chéo quân (con trạo) dài 1,2m sơn đen trắng. Khi hát thì tổng bả trạo lĩnh xướng còn con trạo phụ họa. Động tác múa chỉ giản đơn là động tác đưa đẩy mái chèo. Cùng với sự di chuyển từ từ của đội hình múa, tượng trưng cho con thuyền đang nhẹ nhàng lướt trên mặt sóng. Khi thực hiện nghi thức này người ta thường hát các điệu hát nam, hát khách đi đưa linh, còn trong lúc lao động thì dùng các điệu hò chèo thuyền, hò giựt chì, hò hụi, hò lơ…

Đội nhạc lễ gồm có 8 người (bát âm) do tư nhạc phụ trách, mỗi người một nhạc cụ gồm trống nhỏ, mõ, kèn, chập chõa, đàn nhị, trống bồng, sanh tiền, sáo trúc. Đội nhạc thường tham gia từ đầu đến cuối lễ.

Vào phần tế lễ có: Tế sanh, tế đình, tế Bà Thiên YANA và cuối cùng là Ông Nam Hải. Vật phẩm dâng cúng gồm các loại đặc sản địa phương và hương hoa. Lễ đọc văn tế, nội dung ca ngợi công đức các vị tiền hiền, các vị thủy thần phù hộ cho ngư dân lưới nặng cá đầy, làm ăn thuận lợi, cuộc sống được ấm no đầy đủ.

Sau khi đã thực hiện xong các nghi thức cầu cúng là đến phần hội. Hội trong lễ hội cầu ngư thể hiện thông qua những sinh hoạt văn hóa cộng đồng như một số trò diễn dân gian và hát tuồng thứ lễ. Những nghi thức đáng chú ý trong hát tuồng thứ lễ là: lễ khai tiên, dùng lúc mở đầu cuộc hát. Một người đại diện cho nhân dân địa phương, mở tấm vải điều phủ trên mặt trống chầu từ trước, xổ ba hồi rộn rã, rồi đánh từng tiếng trống một, phường nhạc của gánh hát trỗi âm nhạc, tiếp nối phụ họa, mở màn. Tiếp liền sau khi dứt vở tuồng thứ lễ đầu tiên là lễ tôn vương. Gánh hát còn một màn biểu diễn ngắn gọn. Các vai vua, quan ra sân khấu trong tiếng nhạc rộn rã, định vị vua ngồi trên ngai, các quan đứng chầu hai bên tả hữu, các vai rồng, cọp ra múa, chầu vua; vua quan đối đáp, ca hát dăm câu ngợi ca thái bình thịnh trị rồi dứt. Người cầm chầu xổ một hồi trống. Hồi chầu báo hiệu xong lễ tôn vương.

(Còn nữa)

Th.S NGUYỄN HOÀI SƠN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn