Cầu ngư - lễ hội truyền thống đặc sắc ở miền biển Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)

Cầu ngư - lễ hội truyền thống đặc sắc ở miền biển Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)

Nhìn tổng thể từ ngoài vào, những bộ phận kiến trúc chính của lăng Hòa Lợi gồm: cổng, thành bao, bình phong, trụ biểu, nhà võ ca, tiền đường, chính điện, mộ cá Ông.

Nhìn tổng thể từ ngoài vào, những bộ phận kiến trúc chính của lăng Hòa Lợi gồm: cổng, thành bao, bình phong, trụ biểu, nhà võ ca, tiền đường, chính điện, mộ cá Ông. Phần lớn kiến trúc di tích được xây bằng vật liệu đá vôi và hợp chất vôi, cát có pha một số phụ liệu tạo độ bền vững rất cao. Đối tượng chính được thờ ở lăng Hòa Lợi là thần Nam Hải tức cá Ông (cá voi). Đây là vị thần cao nhất, được nhân cách hóa, thể hiện qua việc thờ tượng Quan Thánh – pho tượng lớn nhất đặt ở chính điện. Theo lý giải của các cụ cao tuổi tham gia ban tế lễ ở lăng Hòa Lợi hằng năm, việc thờ tượng Quan Thánh là tượng trưng cho thần Nam Hải. Quan Thánh là người đại diện cho lòng trung, can, nghĩa khí. Ngư dân cho rằng những tính cách đó cũng chính là đặc tính của thần Nam Hải.

Ngoài ra, ở lăng Hòa Lợi còn thờ thành hoàng bổn xứ, tiền hiền, hậu hiền, âm hồn, cô hồn,… Đặc biêt, ở đây còn thờ bộ tượng thờ của miếu thờ Bà (người địa phương gọi là lăng Bà). Di tích này có vị trí cách lăng Hòa Lợi khoảng 500m về phía đông, đã bị phá bỏ trong tiêu thổ kháng chiến, các tượng thờ được chuyển về lăng Hòa Lợi vào khoảng năm 1947. Bộ tượng thờ này bao gồm các tượng: Mộc thần, Thủy thần, Hỏa thần, Thổ thần và một bài vị đề “Thiên Y Ngọc Phi”.

Tại lăng Hòa Lợi còn bảo lưu nhiều di vật, cổ vật rất có giá trị. Cụ thể là 3 bản sắc phong của các vua triều Nguyễn, bộ tượng thờ cổ bằng chất liệu đất nung, và những di vật, cổ vật khác. Đó là cơ sở để nghiên cứu, nhận biết về nhiều vấn đề khác nhau như lịch sử hình thành địa danh, phong tục, tín ngưỡng ở địa phương, và mối quan hệ giao lưu, giao thoa văn hóa giữa cư dân bản địa với bên ngoài.

Ở thị xã Sông Cầu còn có lăng Dân Phước cũng được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX; Một số khác như: lăng Ông Phú Thường, thôn Phú Thường, xã An Hòa, huyện Tuy An; lăng Phú Câu, lăng Đông Tác (TP Tuy Hòa) cũng đều được xây dựng cách nay hàng trăm năm hoặc lăng Ông, thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa cũng được xây dựng từ rất lâu đời và hiện còn lưu giữ được 10 điệu sắc của một số vua triều Nguyễn phong cho các vị thuỷ thần. Theo đó có bốn sắc của vua Tự Đức, hai sắc của vua Đồng Khánh, hai sắc của vua Duy Tân và hai sắc của vua Khải Định...

Việc xây dựng lăng thờ cá Ông được bàn tính và cân nhắc rất kỹ. Thường thì mỗi làng biển đều có một lăng thờ. Lăng được xây dựng trên đất công thổ, công điền của làng, là nơi cao ráo, thoáng đãng và ở gần cửa biển. Cấu trúc của lăng gồm 3 gian. Gian giữa là điện thờ, sau điện thờ là quách đựng xương “Ông”. Bên tả thờ Bà Thiên YANA Thánh Mẫu, bên hữu thờ Bà Vạn Lạch. Xưa kia lăng thường xây riêng, đình xây riêng. Ngày nay để tiện việc trông nom, hương khói, nhiều nơi đình được đưa vào lăng tạo thành quần thể kiến trúc đa dạng có giá trị về văn hóa - nghệ thuật, tín ngưỡng tâm linh. Đối diện điện thờ chính là sân khấu hát bội nằm trong khuôn viên lăng thờ cá Ông. Đây là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong dịp lễ hội cầu ngư.

3. Lễ thức an táng cá voi

Xuất phát từ niềm tin và sự tôn kính cá voi nên khi ngư dân phát hiện cá voi lụy (chết) phải cấp báo với Vạn trưởng vạn chài, để ông báo cáo với chính quyền, đồng thời tập hợp dân làng lo việc mai táng. Tang chủ là người được Ông gửi xác hoặc là người nhìn thấy Ông lụy đầu tiên. Người này được mệnh danh là con Ông Nam Hải, nên trong đám tang phải bịt khăn điều và chịu tang trong thời gian từ 1 đến 3 năm. Ban tế lễ do Vạn trưởng vạn lạch làm Chánh tế. Theo phong tục, những người tế lễ đều không mắc tang chế, không có vợ chửa, phu phụ song toàn, làm ăn khá giả. Dân làng ai có tang, có chửa đều tự giác không đến nơi hành lễ. Ban tế lễ phân công, cắt cử người đi mượn cây, tấm lợp về cất rạp, thu góp tiền bạc, cử người đi mua sắm vải vóc, nhang đèn, hoa quả; đi mời đội chèo bả trạo, đội siêu, ban nhạc cổ. Khi cất rạp xong, ngư dân đưa xác cá Ông vào rạp, nơi nào có nhà Võ ca thì đưa xác vào nhà Võ Ca, rồi lập bàn thờ gồm có chánh ban, hữu ban và tả ban. Tại các bàn thờ đều có sắp lễ vật là rượu, hương đăng, hoa quả. Khi giờ tốt đã đến, ngư dân bắt đầu đưa Ông về nơi an nghỉ cuối cùng, nơi chôn cất Ông thường là khu đất nằm trong khuôn viên của lăng. Đi đầu là 4 người khiêng long đỉnh, tiếp đến là Ban tang lễ, người con cả, rồi đến đội siêu, đội chèo, đội trống, cờ; xác của cá voi được đặt trên một chiếc bàn lược, toàn thân phủ bằng vải đỏ hoặc giấy đỏ; sau cùng là ngư dân. Tới huyệt, người chủ tế khấn cáo thổ thần, xin phép được an táng Ông ở nơi đây. Sau lễ khấn cáo là lễ hạ rộng (hạ huyệt), chủ tế, chủ tang cùng hội chủ ngư dân bốc một nắm đất bỏ vào huyệt. Khi đã xong, đội âm công lấp huyệt, mộ cá Ông được đắp lên cao. Đội bả trạo được xếp theo hình chiếc thuyền đứng hai hàng vừa hát vừa múa trước mộ, ca ngợi công đức, cầu mong Ông phù trợ vạn chài gặp được điều lành, tránh được điều dữ, mong cho mùa cá bội thu, nhà nhà làm ăn thịnh vượng. Chôn cất xong, ngư dân làm lễ rước Ông về bàn thờ tại lăng. Lúc này hương đăng, hoa quả được bày cúng và đèn thắp sáng suốt ngày đêm. Tất cả gươm, chèo, đồ tang lễ đều để tại lăng Ông, đến ngày mãn tang mới được đem đốt. Trường hợp cá voi luỵ ở quá xa khu dân cư, ngư dân cất rạp làm tang ma và chôn cất tại điểm phát hiện, đến ngày thỉnh ngọc cốt, ngư dân đưa cốt Ông vào lăng thờ. Có những con cá voi lụy quá lớn, dân làng không đủ sức đưa xác vào bờ, ngư dân an táng tại chỗ bằng cách dùng cọc tre đóng cừ xung quanh để giữ xác cá, thời gian sau thịt cá phân huỷ, chỉ còn lại bộ xương, ngư dân làm lễ thỉnh ngọc cốt đưa vào lăng. Đám tang cá voi được xem là đám tang chung của vạn lạch, nên khi có Ông lụy, không cần phải báo tin, mời mọc, các vạn chài khác cũng tự nguyện sắm sửa lễ vật hoặc đem tiền đến phúng điếu. Còn nhân dân trong vạn không kể làm nghề gì cũng đem lễ vật, nhang đèn đi đám. Tiền đi đám tang còn gọi là tiền “cúng hương”. Số tiền này do một thành viên trong Ban lễ tang nhận và ghi vào sổ sách.

(Còn nữa)

Th.S NGUYỄN HOÀI SƠN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn