Cũng như bao làng chài ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, ngư dân miền biển Phú Yên vẫn giữ tục giỗ ông Nam Hải còn gọi là lễ cầu Ngư, tức là việc thờ cúng cá voi (Cá Ông). Lễ hội cầu ngư là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc của ngư dân vùng biển Phú Yên – Nó chứa đựng tất cả những khát vọng, những ước muốn tâm linh vừa trần tục vừa thiêng liêng, vừa tha thiết, nhưng mãnh liệt. Thời gian trôi qua, bao nhiêu lớp sa bồi văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng đã lắng đọng trên lễ nghi, trò diễn và nghi thức thờ cúng của lễ hội cầu ngư, khiến nó trở thành một hiện tượng văn hóa có sức thu hút, lôi cuốn nhiều thế hệ con người.
1. Cá voi trong tâm thức và tình cảm của ngư dân vùng biển
Cá voi là loài cá thường sống ở biển, có vú, đẻ con, thở bằng phổi, lấy ôxy trực tiếp trên mặt nước nên cứ 3 đến 5 phút phải nổi lên mặt nước để lấy dưỡng khí. So với các loài động vật ở biển, cá voi là loại cá lớn, có con nặng từ 130 đến 160 tấn, dài 30 đến 35m. Do quá lớn nên mỗi lần gặp bão cá voi rất khó tìm được nơi trú ẩn. Vì thế cá voi cũng là con vật bị đe doạ nhiều nhất. Cá voi rất sợ bão. Nếu không tránh bão kịp, bị sóng lớn đập vào lưng dập phổi, cá voi sẽ chết. Trên đường đi tránh bão, khi gặp bất cứ vật gì tương đối lớn trôi lênh đênh trên biển như thuyền bè, người... cá voi đều ghé lưng đỡ để che cho sóng không đập vào lưng nó. Có lúc hai con cá voi nép lại hai bên mạn thuyền để tránh bão, nhờ vậy thuyền và ngư dân trên thuyền vượt qua được sóng to, gió lớn. Trong tâm thức của ngư dân điều may mắn đó là nhờ có thần linh hỗ trợ. Có lẽ đó cũng là một cách lý giải mối quan hệ giữa ngư dân với cá voi để từ đó cá voi được thần linh hóa trong tâm thức và tình cảm sâu đậm của ngư dân vùng ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Tục thờ cá voi vốn là tín ngưỡng của người Chăm, sau đó người Việt đã tiếp thu được trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa. Theo truyền thuyết, trong một lần tuần du ở Nam Hải, đức Phật Quan Âm thương xót cho thân phận bé mọn của ngư dân phải chống chọi biển sâu, bão lớn và chết chìm ngoài biển khơi nên ngài xé chiếc áo cà sa ra muôn mảnh thả trên mặt biển rồi hóa phép thành Cá Ông, lại ban cho phép “thâu đường” (rút ngắn khoảng cách) để thay mặt đức Phật cứu người lâm nạn. Không ai có thể khẳng định chắc chắn được điều đó. Chỉ biết ngư dân từ thế hệ này qua thế hệ kia đều nói rằng: cá voi không bao giờ hại người mà luôn luôn cứu người làm nghề biển bị tai nạn đắm thuyền.
2. Tín ngưỡng thờ cá voi ở Phú Yên
Tương tự như các tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, ngư dân Phú Yên rất sùng bái tín ngưỡng thờ cá voi. Do vậy ở hầu hết các làng chài đều xây dựng các lăng thờ cá voi. Tín ngưỡng thờ cá voi ở Phú Yên còn thể hiện ở cách gọi cá voi bằng những cái tên thật tôn kính: Cá voi lớn gọi là Ông Lớn, cá voi nhỏ gọi là cá Cậu, cá voi cái gọi là cá Cô. Tùy theo hình dạng đầu cá, cá voi còn mang những tên khác như: ông Chuông thì mình ngọc, da láng, đen tựa lãnh, đầu tròn như chuông; ông Hố giống cá hố; ông Bẻo giống cá bẻo; ông Kiểm giống cá kiểm, ông bành mình tròn giống như trái banh, da thường biến dạng theo màu sắc của nước; ông Dựng mình dài, mỗi lần xuất hiện ở đâu thì ở đó có nhiều cá; ông Tăm thường bắn những tăm nước trước lúc xuất hiện. Ông ở ngoài khơi gọi là ông Khơi, Ông ở gần bờ gọi là ông Lộng.
Ngư dân Phú Yên còn gọi cá Ông là ông Sanh kèm theo tước hiệu Đông Hải ngọc Lân tôn thần. Ông Sanh là ông còn sống cũng là Ông cứu giúp những người đi biển. Đối với ông Cử (ông chết) trở thành phúc thần, được thờ phụng gọi là “Nam Hải ngọc lân tôn thần”. Mỗi khi tổ chức lễ cúng cầu ngư, vạn chài đi nghinh ông Sanh tức Đông Hải ngọc lân tôn thần về dự lễ...
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, Phú Yên sở hữu gần 200km bờ biển, trải dài từ bắc xuống nam qua địa phận 4 đơn vị hành chính với 26 xã, phường miền biển, 01 xã đầm có 53 lăng thờ Cá Ông được phân bố ở các địa phương: thị xã Sông Cầu có 26 lăng, huyện Tuy An 19 lăng, thành phố Tuy Hòa 3 lăng và huyện Đông Hòa có 5 lăng. Trong đó có một số lăng được xây dựng từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX tiêu biểu như lăng Hòa Lợi (thôn Hòa lợi, xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu). Tại lăng Hòa Lợi hiện nay đang lưu giữ 28 bộ ngọc cốt cá Ông, cùng 1 bộ ngọc cốt của Ông Tổ (Ông lụy đầu tiên) chôn sau chính điện và 3 bộ khác đang mai táng chưa lấy cốt.
Về lịch sử xây dựng lăng Hòa Lợi, hiện tại chưa có cơ sở tài liệu về văn tự để xác định cụ thể thời điểm xây dựng. Nhưng chắc chắn di tích đã có từ trước năm 1852, thời điểm vua Tự Đức ban sắc phong thần cho đối tượng thờ cúng ở lăng. Vì rằng, khi đã có hoạt động thờ cúng và đã có cơ sở thờ tự thì mới đủ điều kiện để vua ban sắc phong. Theo lời các cụ cao niên ở địa phương, việc xây dựng lăng Hòa Lợi có liên quan đến một sự tích là: Từ thuở mới lập làng, có một Ông (cá voi) lụy vào bờ đầm Cù Mông, phía trước làng Hòa Lợi ngày nay. Do xác Ông rất to lớn, lúc bấy giờ dân làng còn ít, chưa đủ sức để chôn cất nên dùng cây cối để chắn sóng và bảo vệ xung quanh giữ cho xác Ông không bị trôi dạt rồi tự phân hủy. Sau đó, dân làng đã đưa phần di cốt Ông về chôn cất. Tương truyền, mỗi đốt xương cá Ông có đến 8 người khiêng. Tại vị trí Ông lụy nay còn địa danh là Cồn Ông. Còn tại nơi chôn phần ngọc cốt Ông, sau đó dân làng đã xây dựng lăng thờ Ông, đây chính là lăng Hòa Lợi ngày nay.
Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, thời điểm phát triển hưng thịnh, tại cửa đầm Cù Mông thuyền buôn hoạt động rất nhộn nhịp, từ sự đóng góp vật chất của các thương lái và công sức của dân làng, lăng Ông đã được xây dựng rất bề thế, và đây là lăng lớn nhất vùng kể từ thời điểm đó cho đến hiện nay.
Lăng Hòa Lợi có mặt tiền quay về hướng nam, nhìn về phía mặt đầm Cù Mông. Ngay phía trước lăng, dưới nước là bến neo đậu tàu thuyền, trên bãi là nơi tập trung các loại ngư cụ của nghề biển. Vị trí di tích nằm giữa khu vực dân cư đông đúc. Từ phía đầm Cù Mông nhìn vào có thể quan sát được toàn cảnh khu vực di tích nằm ẩn hiện dưới những chòm dừa xanh và những bóng cổ thụ che phủ. Những yếu tố về cảnh quan tự nhiên kết hợp với di tích và những hoạt động về ngư nghiệp của nhân dân địa phương đã tạo cho nơi đây hội đủ những sắc thái của một làng biển.
(Còn nữa)
TS. NGUYỄN HOÀI SƠN