Các nghề thủ công truyền thống
Do nhu cầu cuộc sống và phục vụ sản xuất nên cư dân Hoành Lâm xưa đã sớm hình thành và phát triển một số nghề thủ công truyền thống như: dệt vải, bện dây dừa, đan võng, đan lưới; nấu ép dầu dừa, dầu đậu phộng, nghề đóng ghe thuyền. Một số nghề còn duy trì đến nay như: đan lưới, đóng ghe thuyền, tập trung ở làng biển Đông Tác, phường Phú Đông.
Thương mại và dịch vụ làng biển
Hoạt động đánh bắt cá không chỉ để giải quyết nhu cầu ăn uống hằng ngày, mà còn buôn bán, trao đổi hàng hóa khác. Các nhóm “rẩu” hình thành. Theo giải thích của những người làm nghề biển ở Đông Tác thì “rẩu” là những người chuyên thu mua cá từ bến đưa ra chợ bán. Tùy vốn liếng đầu tư mua bán cá mà ngư dân phân chia rẩu lớn, rẩu nhỏ. Rẩu cũng chia ra hai loại: rẩu nước và rẩu bờ.
Rẩu lớn còn gọi là “rẩu ngoại”, thường là “rẩu nước”, rẩu này thu mua cá ở một vùng rộng lớn từ Vũng Rô đến Đại Lãnh, có khi vượt qua Bình Định và họ đem cá đi bán ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk.
Rẩu nhỏ còn gọi là “rẩu nội”, thường là rẩu bờ, do ít vốn và không có phương tiện để đi thu mua nhiều nên chỉ hoạt động ở một số bến cá tại khu vực lân cận, khi mua được họ đem ra chợ bán kiếm lãi.
Văn hóa vật chất
Văn hóa vật chất của cư dân người Việt (Kinh) ở làng cổ Hoành Lâm xưa cũng như các thế hệ con cháu sau này rất phong phú và đa dạng. Theo đó về ăn, uống, mặc và kiến thiết nhà ở cũng tương tự như cư dân người Việt ở các làng quê khác. Trên địa bàn có một số công trình văn hóa liên quan đến sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh. Về tôn giáo có chùa Khánh Lâm, chùa Đông Quang, nhà thờ Phú Lâm (nằm trong giáo xứ Hoa Châu) và một phế tích tháp Chăm, có niên đại vào khoảng thế kỷ XII. Các công trình liên quan đến sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh có đình Phú Lâm, đình Đông Tác, Lăng Ông, miếu Bà Vương Nương Thần Nữ, miếu Bà Hậu Thổ, miếu thờ Tiền hiền họ Đinh, miếu Nam Đà Đông Hải, miếu Âm hồn cô hồn...
Văn hóa tinh thần
Người Việt có bề dày về nền văn hóa truyền thống do vậy dù có đi đâu, ở đâu họ vẫn luôn giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống mà bao đời ông cha đã truyền lại. Đối với người Việt ở làng cổ Hoành Lâm, dù điểm xuất phát của họ có là Thanh – Nghệ - Thuận – Quảng thì khi đến vùng đất mới họ cũng mang theo những giá trị văn hoá truyền thống của làng quê mình như một hành trang không thể thiếu cho cuộc sống ở vùng đất mới. Khảo sát về đời sống tinh thần của người Việt hiện đang sinh sống trên mảnh đất xưa kia là làng cổ Hoành Lâm vẫn nhận thấy những sinh hoạt văn hóa, lễ tục, tín ngưỡng theo vòng đời người, những phong tục tập quán, nghi thức thờ cúng tổ tiên, lễ tục tín ngưỡng liên quan đến nghề nghiệp, lễ hội .v.v... còn được gìn giữ, bảo lưu; đồng thời được bổ sung những giá trị mới phù hợp với điều kiện sống và sự giao thoa văn hóa đối với cư dân bản địa trong quá trình tiếp xúc, giao lưu, sống cận cư hoặc xen cư.
Văn nghệ dân gian
Trải qua bao thế hệ người Việt sinh sống trên miền đất thuộc địa giới của làng cổ Hoành Lâm xưa đã sáng tạo nên cả kho tàng di sản văn nghệ dân gian phong phú, đa dạng với các thể loại: sự tích, truyền thuyết, huyền thoại, truyện cười, truyện ngụ ngôn, ca dao, tục ngữ, hò vè, câu đố dân gian, các tri thức liên quan đến kinh nghiệm sống và lao động sản xuất. Trong đó có một số thể loại văn nghệ dân gian mang nét riêng của làng người Việt cổ ven biển như sau:
* Hò bả trạo
Hò bả trạo là loại hò mang tính chất đặc trưng của làng biển, được dùng trong phong tục thờ cúng cá Ông. Hằng năm, vào dịp lễ cúng cầu ngư, ngư dân làng biển Đông Tác thôn Hoành Lâm (nay thuộc phường Phú Đông) tổ chức hò bả trạo nhằm ca ngợi công đức cá Ông đã phù trợ và giúp đỡ ngư dân trong hoạt động đánh bắt cá trên biển.
Bả trạo là một bài hát dài hàng ngàn câu, được bố cục theo một trình tự chặt chẽ, trong đó: Phần mở đầu là ra mắt thần. Các bước tiếp theo gồm có: Ra khơi, Đánh bắt cá, Nghỉ ngơi, Dấu hiệu của bão tố, Chống bão tố, An bình, Tạ ơn thần.
Hò bả trạo thường sử dụng các làn điệu sau: Nói lối, xướng, phú, hát khách, hát nam, ngâm thơ.
Ngoài ra, thể xướng và xô cũng được dùng khá phổ biến. Trong lúc hò tổng lái, tổng mũi, tổng thương bắt bài hát, các con trạo hát theo, đôi lúc nhại lại câu hát của các tổng, làm cho sân khấu hò lúc nào cũng nhộn nhịp, sôi động.
Đội hát bả trạo ở làng biển Đông Tác có số lượng từ 12 đến 16 người và 3 người phụ trách 3 tổng. Vì hàng năm làng biển Đông Tác đều có tổ chức lễ cầu ngư nên đội hình hát bả trạo này khá ổn định, phục trang, đạo cụ đầy đủ. Trước khi tổ chức lễ cầu ngư, đội bả trạo được luyện tập ít nhất 1 tuần, vì đây là loại hò phục vụ nghi lễ nên phải chuẩn bị chu đáo, khi trình diễn không được sơ suất, sợ thần quở phạt.
(Còn nữa)
ThS. NGUYỄN HOÀI SƠN